Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Hà Nội trong tôi…”

Nam Phong| 22/07/2012 07:39

(HNM) - Hàng chục năm trôi qua, tuổi đời giờ không còn trẻ nhưng nhiệt huyết của người cựu chiến sĩ


Chiến sĩ “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”

Nằm trong con ngõ khuất ở đường Cô Giang (quận 1), căn nhà của bà Hoàng Anh thường có những cuộc sum vầy của doanh nhân, công chức, nghệ sĩ, sinh viên… chung một nỗi nhớ Hà Nội. “Nỗi nhớ đong đầy đã sản sinh ra những “nhà văn”, “nhà thơ” không chuyên viết về Hà Nội. Chúng tôi viết vì yêu quê hương. Tài năng văn chương chẳng là bao nhưng từ đáy lòng, chúng tôi tin rằng những cảm xúc chân thành, mãnh liệt sẽ rung động người đọc” - bà Hoàng Anh chia sẻ.


Một buổi sinh hoạt thơ ca của những người con Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Chí Kiên

Bằng một chất giọng ấm nhẹ, lúc trầm lúc bổng, bà Hoàng Anh ngâm bài thơ “Hoài niệm Thủ đô” do bà sáng tác trong một dịp về thăm Hà Nội: “… Lại nhớ mùa đông năm ấy; Se se cái rét nàng bân; Bạn bè vui chân dăm đứa; Rủ nhau đi khắp mưa dầm; Ở Sài Gòn tìm dĩ vãng; Muốn ôm Thủ đô vào lòng; Ru mình say trong câu hát; Tự hào ngàn năm Thăng Long”.

Những lời thơ đó gắn với một sự kiện lịch sử, đó là đêm 17-2-1947, khi Hà Nội còn đang rực cháy, trên một nghìn chiến sĩ quyết tử đã thực hiện cuộc lui quân ngoạn mục trước sự ngỡ ngàng của quân Pháp. “Tôi hạnh phúc vì mình được sinh ra và lớn lên ở Thủ đô. Niềm tự hào ấy được nhân lên khi tôi được đứng trong hàng ngũ chiến sĩ “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, sau lại trở thành Bộ đội Cụ Hồ, chiến sĩ Điện Biên Phủ. Với 3 danh hiệu ấy, đời người không phải ai cũng có được”- bà Hoàng Anh thổ lộ.

Mắc nợ người tình trăm năm Hà Nội

Nhà thơ Phạm Thị Mai Khoa, một người Hà Nội hiện đang công tác tại Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, đã có nhiều tác phẩm để lại dấu ấn đậm sâu trong lòng người đọc, người nghe. Chị vừa in tập thơ “Thu Hà Nội” gồm 63 bài lắng đọng nhẹ nhàng, tinh tế với những câu từ khắc khoải sâu lắng: “Bởi mùa thu tinh khiết; Nên ánh trăng sáng ngời; Bởi Hà Nội tha thiết; Nên mẹ sinh ra tôi… Tại mùa thu rất xinh; Heo may về níu bước; Gót chân son thầm ước; Thu dịu dàng trong ta” (trích bài thơ “Thu Hà Nội”). Đã có người từng bình về thơ Mai Khoa: “Có khi nào trong dòng đời hối hả ngược xuôi, bạn thấy tĩnh lặng trong hồn khi nhớ về quê cha đất mẹ. Tôi - một kẻ xa quê như tìm thấy chút hương nồng nàn, cái ngai ngái đất quê trong bài thơ của chị. Nó không hề lộ liễu mà như được trở về từ tiềm thức”. Hay một vần thơ trong bài “Người Hà Nội” cũng cho ta hiểu thêm về người con gái đất Kinh kỳ: “Đã khi nào trong ta tự hỏi; Nơi sinh ra được chọn bao giờ?; Từ khi trái tim biết nói thành lời; Đôi uyên ương đã chung lời hẹn ước… Cả thành phố ngủ một mình ta thức; Trao tấm chân tình gửi gió mùa đông; Hà Nội ơi, Người hiểu thấu nỗi lòng; Đã lỡ đa mang một thời con gái… Mắc nợ người tình trăm năm Hà Nội; Lại hẹn kiếp sau khi được quay về”. Ngoài tập thơ “Thu Hà Nội”, nhà thơ không chuyên Mai Khoa đã in chung “Tuyển thơ Người Hà Nội”; “87 và tôi”; “Im lặng và Nghe”; “Hà Nội mến yêu” tập 1 và tập 2… Nhiều bài thơ đã được nhạc sĩ phổ nhạc, như nhạc sĩ Tôn Thất Thành phổ bài “Gửi Người Hà Nội”; nhạc sĩ Trung Kim phổ bài “Ngẫu hứng thu Hà Nội”; nhạc sĩ Kiều Tấn Minh phổ bài “Cảm xúc”, “Màu kỷ niệm”… Chị Khoa tâm sự: “Đã xa Hà Nội 37 năm, chừng ấy thời gian đã cho tôi cảm xúc dạt dào về đất Thăng Long văn hiến. Còn sức thì còn cống hiến. Còn trí tuệ thì còn sáng tác. Đơn giản vì Hà Nội luôn trong trái tim tôi…”.

Và những “nhà thơ”, “nhà văn” viết về Hà Nội

Những người Hà Nội ở TP Hồ Chí Minh đều biết đến cuốn sách “Nhớ Thăng Long - Hà Nội” do Nhà Xuất bản Văn học ấn hành. Tập sách có sự góp mặt của hơn 60 tác giả với gần 120 bài thơ, bài văn và người chủ biên chính là bà Hoàng Anh. Trong những tác phẩm ấy, nhiều người đọc ấn tượng về những câu chuyện chân thực về một thời lửa đạn hào hùng của người con gái Hà Nội tên Nguyễn Thị Tố Uyên được vinh dự tham gia trong đoàn cán bộ đi tiếp quản Đài Truyền hình Sài Gòn vào thời điểm tháng 5-1975. “Chúng tôi đã nhắc nhau ăn cơm trưa trước 12 giờ và đi ngủ sớm, rồi thức trước 24 giờ để chờ B52 đến. Cứ như thế trong suốt 12 ngày đêm, cho dù B52 của giặc Mỹ oanh tạc dữ dội, nhưng bộ phận trực chiến vẫn hoạt động liên tục. Bộ phim “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” của chúng tôi đã ra đời đánh dấu sự hiên ngang, kiên cường của Hà Nội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc” - bà Tố Uyên kể lại.

Xin mượn câu thơ trong bài thơ “Hà Nội giữa TP Hồ Chí Minh” của tác giả Bích Hạnh để kết thúc bài viết: “Sương sớm se gió lạnh câu thơ; Bỗng cơn mưa rây dịu bao nỗi nhớ; Giữa đất phương Nam mà sao ngờ ngợ; Sắc hương tiết Bắc cận kề”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Hà Nội trong tôi…”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.