Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 5 (phần cuối): Ngang qua những “tiểu vùng văn hóa”

Vân Anh - Mai Hoa - Hồng Hạnh| 26/09/2012 03:00

(HNM) - Bệnh viện (BV), nơi diễn ra mối quan hệ đặc biệt giữa thầy thuốc và bệnh nhân (BN). Ở nơi ấy có những khi sự sống và cái chết cách nhau gang tấc, có thể thấy đủ cung bậc cảm xúc rõ hơn bất kỳ đâu.


Bác sỹ, y tá Bệnh viện Thanh Nhàn (Sở Y tế Hà Nội) khám cho người bệnh. Ảnh: TTXVN

Những năm qua, dù ngành y tế Hà Nội đã cố gắng, bằng nhiều cách cải thiện mối quan hệ giữa thầy thuốc và BN, vẫn phải thừa nhận rằng số vụ xung đột giữa BN với bác sỹ, số đơn khiếu nại thầy thuốc và lời than phiền về y đức đang ngày một nhiều hơn. Kết quả khảo sát của công đoàn ngành y tế về mức độ hài lòng của BN đối với nhân viên y tế cho thấy, có đến gần một nửa số người được hỏi đưa ra câu trả lời: "không". Nhưng, từ một chiều cạnh khác, khách quan mà nói thì cũng có chuyện BN, gia đình người bệnh là nguyên nhân dẫn đến hành vi ứng xử không phù hợp của đội ngũ y, bác sỹ. Sự thể đang diễn ra thế nào?

Sự thực thì ngay cả người trong ngành y tế cũng cảm nhận được mối quan hệ giữa họ với BN có điều gì đó gây quan ngại sâu sắc. Trong một hội thi về văn hóa ứng xử diễn ra tại một BV lớn của Hà Nội, một bác sỹ trẻ nhấn mạnh rằng, thầy thuốc phải coi BN như người thân yêu của mình. Trong một trường hợp khác, có vị giáo sư nói vui (mà chua chát) rằng, mỗi cán bộ y tế cần phải lên bàn mổ một lần để thấu hiểu tâm trạng của BN và gia đình họ (!). Những "góc khuất" trong văn hóa ứng xử của thầy thuốc đôi khi rất dễ thấy. Không may ốm đau phải vào BV, người ta dễ dàng chứng kiến cảnh nhân viên y tế có thái độ bề trên, lạnh lùng, thờ ơ, gây khó dễ, thậm chí quát mắng BN. Cảnh nhân viên y tế nhận phong bì nhanh như chớp đang là điều dễ thấy! Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từng chia sẻ rằng, vấn đề mà người dân phàn nàn nhiều nhất chính là thái độ giao tiếp từ phía BV. Nhiều nhân viên ở bộ phận lễ tân, hướng dẫn, làm xét nghiệm có thái độ không tốt với BN. Một số bác sỹ bị kêu ca là khám sơ sài, kê đơn quá mức cần thiết để trục lợi, không giải thích kỹ cho BN về những gì làm họ băn khoăn… Sự thể đến mức nào mà ngay người đứng đầu ngành y cũng biết chuyện y tá giờ được nhiều BN và người nhà của họ đặt cho biệt danh "y tướng"?

Trong 4 năm qua, các BV đã triển khai thực hiện quy tắc ứng xử trong đội ngũ y tế, niêm yết công khai quy tắc này và những quy định liên quan đến quyền và lợi ích của BN, gia đình người bệnh. Hằng năm, ngoài việc tổ chức hội thi về ứng xử, thực hiện cải cách hành chính, điều chỉnh quy trình đón tiếp BN, nhiều BV còn tăng cường hoạt động tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo… Song, sẽ là không trọn vẹn nếu văn hóa ứng xử chỉ được gây dựng từ phía BV mà không được sự ủng hộ từ phía người bệnh. Giám đốc BV Đa khoa Xanh Pôn Nguyễn Phạm Ý Nhi cho rằng, đa số thầy thuốc có tâm và rõ trách nhiệm. Những phản ứng thái quá xuất phát trong điều kiện BN quá đông trong khi cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu. Những số liệu khảo sát cho thấy trung bình một bác sỹ ở BV lớn phải khám cho gần 100 BN/ngày nên dễ mệt mỏi, nhiều khi khó giữ được thái độ hòa nhã.

BV nào ở Hà Nội cũng có quy định riêng đối với BN, người nhà của họ và dường như quy định càng chặt chẽ thì càng làm mất lòng người bệnh. Người nhà thường không tự giác thực hiện quy định về thăm BN. Không hiếm cảnh người nhà BN biến phòng điều trị thành "góc chợ quê" mà không hề nghĩ rằng họ đã mang theo nhiều vi khuẩn từ ngoài vào buồng bệnh. Một số bác sỹ từng bị chửi bới, thậm chí bị đánh, khi yêu cầu người nhà BN ra khỏi nơi mà họ không được phép vào. Phó phòng Tổ chức cán bộ (BV Đa khoa Xanh Pôn) Đoàn Hải Yến cho biết, trong mấy năm gần đây, trung bình mỗi năm có 3 vụ BN, người nhà BN đập vỡ cửa kính, bồn rửa tay, đồ dùng tại phòng khám bệnh, thậm chí đe dọa cả nhân viên y tế... Cảnh BN tìm mọi cách đưa "phong bì" cho bác sỹ để giành phần ưu tiên rất dễ thấy trong các cơ sở y tế, nhất là ở BV tuyến trên. Tình trạng lộn xộn ở các BV thường xuyên đến mức mà việc rút kinh nghiệm về cách xử lý đúng đắn trong trường hợp bị người nhà BN lăng mạ, tấn công đã trở thành nội dung giao ban hằng ngày ở nhiều BV.

Trong những năm qua, truyền thông đã dẫn nhiều trường hợp cứu người gây xúc động mạnh mẽ. Như giữa tháng 7 vừa qua, các bác sỹ của BV Nhi TƯ đã nhận phẫu thuật, cứu sống hai bé Lữ Trà My (hai tháng rưỡi, bị dị tật tim bẩm sinh rất hiếm gặp) và Trần Hải Quân (gần 3 tuổi, bị u bạch huyết lớn) dù trước đó, với bé My, hai BV ở Ấn Độ và Thái Lan đã từ chối phẫu thuật vì sợ thất bại. Trước đó hai năm, tại BV Bạch Mai, sản phụ Trần Thị Thu Trang được truyền 60 lít máu trong suốt quá trình điều trị bệnh nặng, tiên lượng 90% là tử vong, đã được cứu sống một cách kỳ diệu sau khi BV huy động tổng lực đội ngũ bác sỹ, chuyên gia giỏi nhất, phương tiện hiện đại nhất. Những lần cứu người không thể tin được còn có thể kể thêm nữa, nhưng điều đáng nói là trong những trường hợp nói trên, người ta có thể thấy rõ mối quan hệ cảm động giữa BN và đội ngũ y tế.

Cũng như trong "tiểu vùng văn hóa" giáo dục và thể thao, mối lo về cách thức ứng xử trong môi trường y tế tại Hà Nội là điều có thật, không phải chuyện nhỏ. Từ những gì diễn ra, sẽ là công bằng và đầy đủ nếu cho rằng cả đội ngũ y tế và phía BN cần phải tự điều chỉnh hành vi của mình, theo hướng văn minh và đúng luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 5 (phần cuối): Ngang qua những “tiểu vùng văn hóa”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.