Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 9 (phần 2): Vì sao khác lạ?

Đức Huy| 05/10/2012 05:12

(HNM) - Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, trước làn sóng nhập cư và sự cởi mở giao lưu, hội nhập, Hà Nội cũng như các thành phố lớn của Việt Nam phải đối mặt với bài toán quản lý đô thị nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội ổn định.


Việc thực hiện nhiệm vụ quản lý đô thị trong những năm qua còn khiếm khuyết nhất định, những giải pháp bổ trợ như tuyên truyền, vận động xây dựng đời sống văn hóa cơ sở còn thiếu thuyết phục, nhiều khi nặng tính hình thức và đó là nguyên nhân quan trọng khiến lề lối ứng xử của cư dân Hà Nội không còn rõ nét thanh lịch như trước.

Bệnh thành tích?

Phương hướng, nhiệm vụ, yêu cầu phát triển Thủ đô, trong đó có vấn đề xây dựng con người, nếp sống, lối sống đã được đề cập trong nhiều nghị quyết, chỉ thị, chương trình quan trọng của Đảng, Nhà nước và Thành ủy, chính quyền Hà Nội trong những năm qua. Chỉ thị số 32-CT/TƯ ngày 4-5-1998 của Bộ Chính trị về việc kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 15-12-2000 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về phương hướng phát triển của Thủ đô trong giai đoạn 2001-2010, Chương trình số 08-CTr/TU ngày 4-8-2006 của Thành ủy Hà Nội về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh… Ở những văn bản ấy, dù cô đọng hay chi tiết thì bao giờ cũng nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng văn hóa, xây dựng con người Hà Nội, ít nhiều có sự phân kỳ thực hiện và mục tiêu cần đạt tới ở mỗi giai đoạn. Như thế, không thể nói là thiếu sự định hướng tổ chức thực hiện.

Vậy thì vì sao qua hơn chục năm thực hiện chủ trương đúng, có những lúc việc được Thành ủy, UBND TP Hà Nội "đốc" quyết liệt, không tiếc tiền tổ chức hội thảo, tọa đàm ở cấp toàn quốc, thành phố, sở, ngành, quận, huyện, có những lúc đâu cũng thấy bàn xây dựng tiêu chí người Hà Nội thanh lịch, văn minh mà đến nay cách thức ứng xử của người Hà Nội có sự đi xuống?

Có thể do cách triển khai ở một số địa phương, ngành mang tính kỳ cuộc. Nhiều nơi tổ chức hội thảo chuyên đề, gom vài chục tham luận rồi đóng quyển, chọn một vài bài trình bày tại hội trường. Đọc là chính, chất lượng "thảo" không cao. Cách mời viết tham luận na ná nhau, tức là phòng nọ, ngành kia, đoàn thể, mặt trận, đại diện tổ dân phố mẫu mực mỗi nơi một bài, rất khó nói là có chất lượng ở mức cần. Có lẽ bởi vậy mà tiêu chí người Hà Nội thanh lịch, văn minh ở nhiều nơi có sự giống nhau, bất kể là quận nội thành hay huyện vùng xa.


Người dân phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân xóa bỏ rác tường, góp phần làm sạch đẹp đường phố. Ảnh: Bảo Lâm

Nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh có chương trình riêng, lại được lồng ghép trong nhiều phong trào, chương trình, đặc biệt là phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Việc "gửi" mỗi nơi một tý được cái tạo diện rộng, nhưng cũng khó tập trung cho việc quan trọng. Hơn nữa, tuy phương châm triển khai mang màu sắc "rà từng ngõ, gõ từng xóm", tức là đưa vấn đề về tận cụm dân cư, tới từng gia đình, nhưng vì cách làm ở nhiều nơi hời hợt nên hiệu quả không cao. Như việc xét công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa dựa trên một loạt tiêu chí liên quan đến con người, nhiều tổ dân phố đưa "bảng hỏi" đến từng nhà, yêu cầu chủ hộ tự "tích" vào từng mục, tự chọn giữa "đạt" và "không đạt". Cách làm ấy liệu có cho chất lượng như báo cáo định kỳ của các địa phương?

Nếu có gì cần phải nói thẳng thì đó là bệnh thành tích ở cấp cơ sở khi tổng kết, rút kinh nghiệm thực hiện các cuộc vận động lớn.

Thiếu giải pháp hỗ trợ hiệu quả

Theo giới nghiên cứu, phẩm chất cần có đầu tiên của thị dân hiện đại là ý thức pháp luật cao. Nói vậy cũng có nghĩa nhấn mạnh vai trò giám sát, duy trì việc thực hiện luật. Hơn nữa, muốn tạo dựng nền nếp, tác phong thì cần có sự hỗ trợ về điều kiện vật chất để con người có điều kiện hành động đúng. Những việc ấy, nhỏ hay to đều có sự thiếu chuẩn. Như ở nơi công cộng, muốn người ta không vứt rác bừa bãi thì phải có đủ thùng đựng rác; muốn người Hà Nội, khách vãng lai không "bậy" thì phải giúp họ "có nơi có chốn". Muốn duy trì kỷ cương thì phải phạt người không tuân thủ quy định. Có những điểm xuất phát của xe tuyến, chẳng biết ai lập cái gọi là "Trạm điều hành buýt" mà chả có gì ngoài "hộp gỗ" chứa đồ, một chiếc đồng hồ treo trên… hàng rào công trình xây dựng liền kề. Các bác tài, khách xe lúc "buồn buồn" thản nhiên làm việc tế nhị ngay hàng rào, tịnh không thấy ai nhắc nhở chứ chưa nói đến phạt. Hà Nội có bao nhiêu trạm buýt như thế? Người ta dùng còi xe vô tội vạ, inh ỏi giữa đêm khuya ở khu dân cư, có thấy ai nhắc nhở?…

Hà Nội có mức tăng dân số

cơ học rất cao. Những khu công nghiệp, khu đô thị mới hình thành nhanh chóng, nhiều khi dựa trên quy hoạch nửa vời, thiên về lợi ích kinh tế và có xu hướng coi nhẹ vấn đề môi trường sinh thái nhân văn. Sân chơi thiếu, sản phẩm văn hóa giải trí nhiều "sạn", thiết chế văn hóa cơ bản ở cấp cơ sở nhiều mà không tinh, "vỏ" được coi trọng hơn "lõi", sự tiện dụng và tính thiết thực còn là câu hỏi lớn. Nhiều vấn đề kinh tế - xã hội không được giải quyết triệt để hoặc được xử lý một cách tùy tiện, cùng tính chất nhưng có khi phạt người này mà lơ người kia, khó với người này mà dễ với người khác. Việc tuyên truyền định hướng hành vi còn có biểu hiện kỳ cuộc và cơ bản là nội dung tuyên truyền còn chung chung, nặng về kêu gọi, không đủ sức dẫn dắt… Nhiều nguyên nhân, mỗi thứ một tý khiến cho văn hóa ứng xử của cá nhân với cộng đồng, giữa người với người ngày càng có nhiều cảnh trớ trêu.

Văn hóa hình thành và được bồi đắp trong điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể. Văn hóa ứng xử thanh lịch, văn minh cũng cần có điều kiện cụ thể để định hình, dần ổn định ở số đông. Khi những điều kiện cần và đủ còn chưa được bảo đảm thì tất yếu còn nhiều hành vi phản văn hóa. Quan điểm ấy không chỉ giúp nhìn nhận nguyên nhân, mà còn gợi mở nét đại cương về giải pháp xây dựng người Hà Nội theo chuẩn hiện đại.

Cần nhất là thiết thực, chất lượng
- Ông Phùng Quang Trung, Phó Văn phòng Thường trực BCĐ TƯ Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa:


Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, nếu được thực hiện tốt sẽ tác động tích cực tới việc hình thành lối sống, nếp sống, cách ứng xử của mọi thành viên trong xã hội nói chung, người Hà Nội nói riêng. Đáng tiếc là phong trào hiện nay còn mang tính hình thức. Ngay việc khen thưởng các gia đình văn hóa tiêu biểu với mức 50.000 đồng/gia đình theo quy chế nhằm động viên, khuyến khích phong trào phát triển thì không phải địa phương nào cũng thực hiện nghiêm túc. Khâu tuyên truyền còn nhiều hạn chế khiến người dân ít quan tâm tới chất lượng.

Để phong trào thực sự đi vào cuộc sống, các cấp, các ngành phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa. Cán bộ phải nêu cao tinh thần gương mẫu, không tham ô, tham nhũng, không lấn chiếm đất đai, không sinh con thứ ba trở lên, cư xử chuẩn mực… thì tiếng nói của cán bộ mới có trọng lượng, nhân dân mới tin tưởng, noi gương, hào hứng thực hiện.

- Ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội:

Nói về văn hóa của người Hà Nội hiện đại thì rõ ràng nền nếp, cách giao tiếp, ứng xử có sự kém đi, nhưng cái cốt lõi của văn hóa vẫn còn. Thử hỏi có thủ đô nước nào trên thế giới mà chính khách nước ngoài có thể thoải mái mặc đồ thể thao chạy thể dục buổi sáng bên hồ, ung dung dạo phố bằng xích lô như khi sang thăm Hà Nội? Nói vậy để thấy rằng Hà Nội vẫn còn nhiều cái hay, cái đẹp, nếu biết cách khơi dậy, phát huy thì cái đẹp sẽ từng bước đẩy lùi cái xấu.

Trên thực tế, chương trình xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã triển khai được một số năm nhưng hiệu quả đạt được chưa như mong muốn. Đành rằng hiệu quả của một chương trình văn hóa khó định lượng, cân đo đong đếm nhưng nếu chương trình được lượng hóa thành các tiêu chí, quy tắc ứng xử thì sẽ dễ vào đời sống hơn. Những yếu tố của môi trường văn hóa như thiết chế văn hóa (di tích, bảo tàng, nhà văn hóa…), mô hình gia đình văn hóa, làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa… đã nằm trong quy hoạch về văn hóa của TP Hà Nội nhưng sự nhận thức và quan tâm của các cấp, các ngành tới các yếu tố này chưa đúng mức. Sâu xa hơn, tôi cho rằng việc xây dựng và thực hiện các quy tắc ứng xử phải có biểu dương kèm theo chế tài xử phạt, nói cách khác là giáo dục phải kết hợp chặt chẽ với kiểm tra, xử lý vi phạm, giữ gìn kỷ cương.

- Ông Trương Xuân Chiến, chủ nhà hàng Quốc Triệu và Quốc Phương trại (làng Lệ Mật, Long Biên, Hà Nội):

Nhiều người cho rằng kinh doanh nhà hàng đơn giản chỉ cần nấu những món ăn ngon, điều đó là chưa đủ bởi khách đến nhà hàng "thưởng thức" cả chất lượng dịch vụ tại đó. Nếu bước chân vào một nhà hàng dù đẹp đến đâu, hấp dẫn đến đâu đi nữa nhưng cách thức phục vụ của nhân viên không tốt thì khách sẽ "một đi không trở lại". Trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay, muốn lôi kéo khách đến với mình thì ứng xử phải tinh tế, trung thực, phải chăm sóc họ như khách của chính gia đình mình vậy. Những nhà hàng "bún mắng, cháo chửi" như báo chí phản ánh thời gian qua, theo tôi đó chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh" thôi. Không thể thu hút thực khách bằng phương thức kinh doanh như vậy, nhất là khi chúng ta đang sống trên mảnh đất nghìn năm văn hiến đáng tự hào.


Thu Hiền - Thu Trang ghi
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 9 (phần 2): Vì sao khác lạ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.