Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 11: Chữa bệnh hời hợt

Đức Huy| 08/10/2012 06:20

(HNM) - Nói đề ra giải pháp cho vấn đề ứng xử của người Hà Nội hiện đại vào lúc này một cách thái quá e rằng không thật chính xác, bởi những việc cần làm đã được các cấp, các ngành nêu ra từ lâu và phần lớn nội dung, mục tiêu ấy là đúng đắn.


Ngoài gia đình và nhà trường, như đã đề cập ở bài viết trước, nơi rèn giũa kỹ năng ứng xử của cá nhân chính là môi trường xã hội. Ở nơi ấy, giữa sự va đập về cách thức ứng xử hằng ngày, thể hiện đủ cả sự tốt và thói xấu, cả phù hợp chuẩn mực và không, có sự can dự của dư luận xã hội và hàng rào luật pháp. Nếu tình hình không tốt lên, mà thậm chí là tệ hơn trước đó thì có nghĩa hai yếu tố nói trên chưa tạo được ảnh hưởng tích cực đến việc hình thành nếp sống, lối sống, cách giao tiếp ứng xử của nhiều thành viên trong xã hội. Giải pháp trong trường hợp này, khi đã có định hướng đúng, không có gì quan trọng hơn là cải thiện chất lượng can thiệp của pháp luật, truyền thông, dư luận xã hội đối với cá nhân có hành vi đi ngược chuẩn mực được cộng đồng thừa nhận. Có thể coi đó là giải pháp thúc đẩy chất lượng thực hiện giải pháp đã có.


Nếp sống thanh lịch, văn minh của người Hà Nội cần được giữ gìn và phát huy. Ảnh: Viết Thành

Với lối tư duy truyền thống Á đông có gì đó trọng tình hơn duy lý, "Một trăm cái lý không bằng một tý cái tình", người Việt có xu hướng coi trọng thuyết phục, vận động, giáo dục hơn là sử dụng biện pháp hành chính mang tính cưỡng ép. "Mưa dầm, thấm lâu", rỉ rả đi vào tâm can để chỉ dẫn hành động. Cách tư duy ấy không sai, đã có lúc thể hiện sự đúng đắn trong rất nhiều việc lớn, nhưng liệu có là phù hợp trong điều kiện mà sự tùy tiện trong cách thức ứng xử đã lan sang nhiều lĩnh vực, từ việc hành chính đến kinh doanh, sản xuất, dịch vụ, văn hóa… chứ không chỉ là sinh hoạt hằng ngày, gây ảnh hưởng không có lợi đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô?

Nói về giải pháp thì không thể bỏ qua khâu thực hiện. Như đã đề cập, Hà Nội hiện đại cần những thị dân văn minh biết tuân thủ luật pháp và quy ước của cộng đồng, dù là văn bản hay bất thành văn. Con người coi trọng tự do cá nhân, nhiều khi nghiêng về "cái tôi ích kỷ" nếu không bị ràng buộc. Bởi vậy mới cần hành lang pháp lý đúng để hướng họ tới đích chung hài hòa lợi ích riêng - chung, nghĩa vụ - quyền lợi. Buông lỏng điều đó thì sự chệch hướng là khó tránh khỏi. Quan điểm này, đem soi vào thực tế hiện nay, liên hệ với sự sa sút về văn hóa ứng xử mới càng thấy đúng. Ví dụ có rất nhiều, như chuyện người Hà Nội lập chợ "cóc", bị giải tán ở chỗ này thì chuyển sang chỗ khác. Có nơi người buôn bán nhỏ chạy quanh vì biết cơ quan chức năng thường chỉ "đuổi" khi có kỳ cuộc, sau một hai hôm quyết liệt rồi… đâu lại vào đấy. Như chuyện chiếm dụng hè phố, mới đầu tuần trước dân ở phố Bà Triệu kêu toáng lên vì khó buôn bán do phường sở tại ra lệnh cấm để xe máy trên hè. Chuyện cấm hành vi làm phố phường lộn xộn vốn bình thường, để trả lại sự thông thoáng cho người đi bộ, chỉ không bình thường ở chỗ lúc, thả lúc đuổi, lúc cấm, lúc không và oái oăm là ngay cách đó chừng trăm mét là cảnh chủ nhà hàng ăn uống bày bàn ghế kín hè phố Quang Trung đoạn đầu Tràng Thi. Chuyện "nhỏ" là vậy, việc quan trọng hơn cũng có thứ không nhất quán ngay hàng thẳng lối từ đầu chí cuối khiến biên độ giữa sai và đúng rộng ra, nảy sinh chuyện "lách", "nhờ vả", "sai quy định nhưng… phù hợp thực tế". Quen làm sai hoặc quen hưởng lợi từ cách làm sai, đến lúc bị khép vào kỷ cương thì dễ phát sinh kiểu ứng xử tiêu cực, nhẹ thì là nói khó nghe, nặng nề thì động tay, động chân như bỡn.

Giải pháp không phải điều gì đó mơ hồ, mà là việc cụ thể, chủ yếu liên quan đến trách nhiệm công vụ và trách nhiệm công dân. Thực hiện giải pháp là hướng con người làm tròn trách nhiệm, bổn phận chứ không phải vô tình hay hữu ý khuyến khích lối ứng xử sai trái. Nói về giải pháp chấn chỉnh lề lối ứng xử của người Hà Nội hiện đại thì không thể bỏ qua vai trò của chính quyền địa phương, trách nhiệm của lực lượng thanh tra ngành, nhiều ngành chứ không chỉ là ngành văn hóa. Trật tự xây dựng nhom nhem là vì đâu? Cơn cớ gì mà có mấy cái sạp băng đĩa lậu ngang nhiên giữa Thủ đô, năm này qua năm khác hô hào mà không dẹp nổi? Tại sao cách xét chọn danh hiệu gia đình văn hóa ở nhiều nơi rõ sự hời hợt là thế mà người đứng đầu chính quyền cấp quận, huyện vẫn trao bằng công nhận gia đình văn hóa cho gia đình nọ biết rõ là không đạt? Vì sao hàng quán bày đồ ăn thức uống ngay bên cống rãnh bốc mùi mà vẫn được kinh doanh qua tháng năm mà tồn tại? Quy định có rồi, sao phố xá đầy biển hiệu sai mà không thấy nhà quản lý dẹp bỏ?... Người được tín nhiệm giao phó triển khai thực hiện chủ trương, chính sách mà không làm đúng, hoặc làm hời hợt thì làm sao tạo ra sự chuyển biến tích cực cần có? Nói cần có giải pháp cho việc thực hiện giải pháp là vì thế.

Vậy thì giải pháp cho việc thực hiện có thể là gì? Xét về bản chất vấn đề, điều quan trọng nhất vẫn là thực hành công vụ xét đúng việc thưởng - phạt, đánh giá việc thực hiện chức trách một cách công bằng, minh bạch. Có thế thì mới mong khuyến khích được người ứng xử có trách nhiệm với phần việc được giao, rõ ràng hiệu quả xã hội, mới loại bỏ dần dần hành vi làm sai, làm dở, "làm chơi, ăn thật". Làm được việc ấy sẽ tạo động lực dẫn dắt hành vi ứng xử đúng của cư dân Hà Nội.

Hướng vào lớp trẻ
Ông Hà Đăng Thự, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phúc Thọ:


Để góp phần bồi đắp tính cách, nhân cách sống của mỗi người, đặc biệt trong thanh, thiếu niên, trước hết, lớp người đi trước phải biết tác động một cách phù hợp vào nhận thức, tình cảm, ý chí và hành động của thanh, thiếu niên để họ từng bước nâng cao nhận thức, hình thành niềm tin, tốt nhất là tự mình nêu gương ứng xử đúng đắn. Trong gia đình, ông bà, cha mẹ phải gương mẫu, dạy dỗ con cháu biết "kính trên, nhường dưới", biết nhớ tới cội nguồn tổ tiên. Nơi học đường, nhà trường cần quan tâm tới ứng xử của học sinh bằng những diễn đàn học tập tấm gương của các anh hùng, những tấm gương tiêu biểu trong học tập, vượt khó vươn lên… Điều quan trọng nhất là các thầy, cô phải luôn là tấm gương sáng cho các em trong mọi hành vi, ứng xử của mình. Cần có sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc bàn biện pháp dạy dỗ học sinh tu dưỡng bản thân trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Ông Dương Tú, cán bộ Trung tâm Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội:

Hằng ngày chứng kiến cách ứng xử của khách tham quan đối với di tích, tôi nhận thấy văn hóa ứng xử xuống cấp thể hiện rõ nhất là ở lớp trẻ. Đành rằng không phải là tất cả, nhưng rất nhiều bạn trẻ đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám vì lợi riêng, người cầu may, người cầu xin đỗ đạt, danh vọng chứ không phải đến để tìm hiểu về nền giáo dục Nho học Việt Nam cùng các giá trị lịch sử, văn hóa ẩn chứa trong di tích. Qua đó để thấy rằng, chương trình giáo dục về di sản nói riêng, giáo dục đạo đức, nghi lễ, phép tắc ứng xử nói chung rất cần được triển khai mạnh mẽ, tích cực hơn nữa trong các nhà trường.

Ông Vũ Anh Tân, Phó Chủ tịch HĐND xã Phú Cường, huyện Ba Vì, Hà Nội:

Trước những "luồng văn hóa độc hại" có thể làm thay đổi nhận thức, hành vi ứng xử của con người hiện nay, tôi thấy lo lắng nhất là những thông tin mà người ta hay nói vui là "cởi, hở, đâm, cướp, giết, hiếp…" được đăng tải tràn lan trên báo chí, theo lời người rao báo ra rả mọi ngõ ngách thành thị về đến cả làng quê. Văn hóa đọc phai nhạt, văn hóa độc hại ngày càng lấn át thì tất nhiên văn hóa ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội cũng dần dần bị "nhiễm độc". Thực trạng này tưởng như là chuyện nhỏ nhưng thực tế nguy hại hơn chúng ta tưởng. Thiết nghĩ, các cơ quan báo chí và quản lý báo chí nên quan tâm quản lý nội dung thông tin tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, kể cả là đài truyền thanh xã, phường.

Hà Nội vẫn còn nhiều hành vi đẹp, nhiều gương sáng về ứng xử trong công việc, với cộng đồng, với môi trường, những điều tốt đẹp không được giới thiệu, phổ biến thì làm sao điều hay lẽ phải được nhân rộng trong xã hội?


Khánh Vũ - Minh Ngọc ghi
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 11: Chữa bệnh hời hợt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.