Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việc cần làm ngay

Minh Ngọc| 05/12/2012 07:25

(HNM) - Trước nguy cơ văn hóa xứ Đoài bị biến đổi ngoài mong đợi, thị xã Sơn Tây đã xây dựng đề án


Đề án là một trong những nội dung quan trọng của thị xã Sơn Tây trong việc triển khai thực hiện Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh".


Một góc thành cổ Sơn Tây.Ảnh: Bảo Lâm

Nguy cơ mai một

Nhiều đời nay, xứ Đoài với vùng lõi thị xã Sơn Tây là một vùng văn hóa đặc trưng với hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, lề lối sinh hoạt, ứng xử văn hóa mang nét riêng, rất độc đáo. Đó là hệ thống di tích nổi tiếng mà tên gọi đã gắn liền với tên đất và con người Sơn Tây như làng cổ Đường Lâm, chùa Mía - ngôi chùa có nhiều tượng phật cổ nhất miền Bắc, đền Phùng Hưng, đình Mông Phụ, rặng duối 1000 năm tuổi, thành cổ Sơn Tây, đền Và; là hơn 200 ngôi nhà cổ bằng đá ong có niên đại từ 100 đến 400 năm… Đặc biệt, Sơn Tây còn một số giếng cổ mang màu sắc huyền thoại xứ Đoài mà ngày nay nhân dân vẫn lấy nước để sinh hoạt như giếng Chân Voi (phường Quang Trung), giếng Ngõ Bắc, Ngọc Kiên (xã Cổ Đông), giếng Đà Hang (xã Thanh Mỹ), giếng xóm Chim, xóm Sải, xóm Hè, giếng sữa Chuông Sa… (xã Đường Lâm).

Không chỉ lưu giữ giá trị văn hóa vật thể, Sơn Tây - xứ Đoài còn là vùng văn hóa tâm linh gắn với truyền thuyết, huyền thoại Sơn Tinh, Thủy Tinh, những bài văn tế thần, nghi lễ cúng bái, lễ hội. Đất ấy còn có những phiên chợ quê đặc trưng, có kho tàng văn hóa dân gian vô cùng phong phú. "Đó là khối tài sản quý giá mà tổ tiên để lại, nếu hôm nay chúng ta không gìn giữ và phát huy là chúng ta có lỗi với tiền nhân, có lỗi với lịch sử" - ông Hứa Đức Thịnh, Trưởng phòng VH-TT thị xã Sơn Tây khẳng định.

Mặc dù là vùng văn hóa đặc trưng nhưng trước tốc độ đô thị hóa nhanh, cấu trúc thôn xóm và cảnh quan làng xã ở Sơn Tây có xu hướng thay đổi, bản sắc văn hóa truyền thống ít nhiều bị mai một, biến dạng theo thời gian. Đến làng cổ Đường Lâm hôm nay, du khách không dễ tìm một ngôi nhà cổ đúng nghĩa để khám phá kiến trúc, văn hóa; có thể thất vọng nếu muốn thưởng thức món cơm chay từng đi vào thơ ca, sách báo. Làng gốm Phú Nhi (phường Phú Thịnh) với những sản phẩm gốm không tráng men tinh xảo; làng nghề gò hàn, đồng nhôm thuộc phường Quang Trung nổi tiếng một thời nay bị thu hẹp về quy mô hoặc đã dừng hoạt động. Đó là những mất mát phải tính đến, tìm cách cứu vãn trước khi quá muộn.

Xây dựng đề án mang tính đặc thù

Xác định rõ văn hóa là nền tảng cho sự phát triển, thị xã Sơn Tây ban hành đề án "Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa Sơn Tây - xứ Đoài" giai đoạn 2012-2016. Đề án đặt ra mục tiêu sưu tầm, biên soạn và lưu giữ những giá trị văn hóa đặc trưng, cơ bản của Sơn Tây; từng bước phục hồi, tôn tạo, phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với kinh tế du lịch - dịch vụ, góp phần tích cực đưa Sơn Tây thành đô thị loại 2, đô thị vệ tinh, trung tâm văn hóa, du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng phía tây Hà Nội. Cụ thể hóa các mục tiêu này, mỗi năm thị xã sẽ lập hồ sơ đề nghị chống xuống cấp 1-2 di tích, phấn đấu tất cả các di tích đã xếp hạng đều có hướng dẫn viên được chuyên môn hóa về nghiệp vụ du lịch; đẩy nhanh tiến độ quy hoạch di tích đền Và, làng cổ Đường Lâm, thành cổ Sơn Tây; nhân rộng các mô hình làm du lịch cộng đồng…

Đề án mới xây dựng, rõ ý nghĩa thiết thực, được nhân dân xã Sơn Đông đồng lòng quyết tâm thực hiện. Việc đầu tiên là loại bỏ các hủ tục rườm rà, lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi. Từ một địa phương có nhiều đám cưới ăn uống kéo dài 2-3 ngày, nay phường Sơn Đông đã có những đám cưới tập thể, cưới tiệc trà văn minh, tiết kiệm. Các địa phương khác trên địa bàn thị xã cũng đang thực hiện chương trình xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, đẩy mạnh việc gìn giữ bản sắc văn hóa… Đó là những tín hiệu tích cực trong tiến trình đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống ở Sơn Tây.

Tuy thế, theo ông Hứa Đức Thịnh, việc triển khai đề án sẽ không dễ dàng bởi các hồ sơ khoa học, tư liệu về xứ Đoài hiện không còn nhiều, các nhà nghiên cứu về văn hóa xứ Đoài cũng còn rất ít. Hơn thế, nhận thức của một bộ phận không nhỏ người dân về các giá trị văn hóa truyền thống còn chưa đầy đủ, di tích xuống cấp nhiều trong khi nguồn kinh phí phục vụ cho công tác chống xuống cấp di tích của thị xã còn eo hẹp… "Đề án mang tính đặc thù nên trong quá trình triển khai thực hiện cần có sự phối hợp của nhiều phòng, ban liên quan, nhiều cơ quan nghiên cứu chuyên ngành từ TƯ tới địa phương", ông Hứa Đức Thịnh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việc cần làm ngay

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.