Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tái hiện lịch sử qua chuyện kể của nhân chứng

Thi Thi| 05/12/2012 07:28

(HNM) - Cuốn hồi ức của nhiều tác giả mang tên


Nhóm biên soạn "Đối mặt với B-52" không xa lạ với bạn đọc, trong đó hai gương mặt trẻ là nhà báo Đào Thanh Huyền và Đặng Đức Tuệ đã cùng thực hiện cuốn sách "Chuyện những người làm nên lịch sử - Hồi ức Điện Biên Phủ 1954-2009 (NXB Chính trị quốc gia). Cuốn sách này đã được cả giới sử học và bạn đọc đánh giá cao vì hướng tiếp cận lịch sử chân thực, gần gũi và sống động. "Đối mặt với B-52" có thể xem như là sự kế tiếp của "Chuyện những người làm nên lịch sử" năm 2009.

Ở tác phẩm mới này, cách thức tái hiện lịch sử gần gũi đã được duy trì, nghĩa là thông qua nhân chứng để thể hiện sinh động sự kiện, có sự hỗ trợ của hình ảnh, tư liệu… Lần này, nhóm biên soạn tập hợp được gần 120 nhân chứng, những chiến sĩ trực tiếp tham chiến cuối năm 1972 cũng như người dân có mặt, chứng kiến cuộc tập kích bằng đường không diễn ra ở Hà Nội và cả miền Bắc. Cùng với hồi ức sống động của các chiến sĩ, người dân, bạn đọc còn tìm thấy ở phần "Theo dòng sự kiện" những mốc chính trong diễn biến 12 ngày đêm B-52 Mỹ tàn phá Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương khác. Hình ảnh các nhân chứng được thể hiện tự nhiên, chân thật, không nhấn nhá gợi tả một "nạn nhân" hay “người hùng”. Những câu chuyện lớn lao hiện ra tự nhiên, như hơi thở, như cuộc sống và sự tồn vong của một dân tộc trước mối đe dọa ngoại bang khiến "mỗi người dân là một chiến sĩ". Có thể kể chi tiết vô cùng thân thiết, cảm động là câu nói không thể nào quên của phát thanh viên trong những ngày cam go ấy: "Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Máy bay địch cách Hà Nội... cây số". Sự thú vị còn có ở câu chuyện của ông Vũ Văn Viễn, lúc đó là Giám đốc Xí nghiệp truyền thanh Hà Nội, về "mạng lưới truyền thanh độc nhất vô nhị" từng làm báo chí phương Tây kinh ngạc; những câu chuyện của Binh chủng Rada trong quá trình phá nhiễu để đánh B-52…

Nhóm biên soạn chia sẻ: "Điện Biên Phủ trên không" là một sự kiện lịch sử lớn của đất nước mà một cuốn sách không thể nào nói hết. Đâu đó còn những người lính, những câu chuyện ý nghĩa khác mà vì nhiều lý do chưa được biết tới, chưa được kể lại. Cuốn sách này gợi mở người làm sách về cách tiếp cận lịch sử gần gũi, dễ đi vào lòng người. PGS-TS Nguyễn Mạnh Hà, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, một trong những chuyên gia thẩm định nội dung cho cuốn sách này nhận định: "Bên cạnh sách sử chính thống còn có những cách tiếp cận lịch sử khác, như thông qua hồi ức, chuyện kể mà cuốn sách này là một ví dụ. Qua đây, có thể thấy sức hấp dẫn của lịch sử dân tộc là rất lớn và nhóm biên soạn mong muốn tiếp tục thực hiện những cuốn sách về sự kiện lịch sử khác như Đường Hồ Chí Minh trên biển, Đường Trường Sơn…

Còn có một lý do giản dị dẫn nhóm biên soạn tìm về nhân chứng lịch sử, như nhà báo Đặng Đức Tuệ là "phải tranh thủ gặp gỡ các nhân chứng để ghi lại, nếu không sau này sẽ không còn ai kể lại những chuyện hào hùng đã qua".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tái hiện lịch sử qua chuyện kể của nhân chứng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.