Theo dõi Báo Hànộimới trên

HN có thêm 4 làng nghề truyền thống được công nhận

L.H| 16/01/2013 15:29

(HNMO) - Đó là làng nghề sản xuất lưới cước Trần Phú (xã Minh Cường, huyện Thường Tín); làng nghề hoa cây cảnh Nội Thôn (xã Vân Tảo, huyện Thường Tín); làng nghề chế biến miến và bánh đa Phú Diễn (xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì); làng nghề mộc dân dụng và điêu khắc Tân Mỹ (xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ).

Sáng 16-1, tại Hội nghị tổng kết năm 2012, triển khai nhiệm vụ năm 2013 của Sở Công thương, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã trao Quyết định của UBND TP công nhận 4 làng nghề đạt danh hiệu “Làng nghề truyền thống Hà Nội” năm 2012.



Điểm qua 4 “gương mặt” làng nghề mới được công nhận có thể thấy, lịch sử hình thành nghề tơ lưới, đánh bắt cá của thôn Trần Phú có từ những năm 1928. Đến nay, những sản phẩm của thôn đã có mặt ở những vùng có người dân đánh bắt cá trên khắp cả nước và sang nước bạn Trung Quốc. Trong thôn còn có nhiều nghề khác nhưng sản xuất cước, lưới đánh bắt cá vẫn là chú yếu và chiếm tỷ trọng lớn cả về lao động và doanh thu của thôn.

Ở làng nghề hoa cây cảnh Nội Thôn (xã Vân Tảo, huyện Thường Tín), nhân dân trong làng không chịu khuất phục trước khó khăn lạc hậu, đã mạnh dạn đi tìm giống cây đào cảnh, quất cảnh về gây dựng trồng tại quê hương. Từ một vài cây trồng thử đến vài chục cây rồi hàng sào Bắc bộ, đến nay, đã nhân rộng ra các hộ trong thôn.

Bên cạnh đó, nghề miến dong và bánh đa ở làng Phú Diễn được phát triển hơn 50 năm qua và đã trở thành nghề chủ yếu ở làng. Những năm qua, nghề sản xuất miến dong, bánh đa đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Sản phẩm miến dong không chỉ được tiêu thụ trên thị trường Hà Nội và các tỉnh, thành trên cả nước, mà còn được xuất khẩu sang Lào, CHLB Đức... Năm 2012, doanh thu của làng đạt khoảng 200 tỷ đồng, tạo thu nhập bình quân cho người làm khoảng 3 triệu đồng/người/tháng.

Tiếp đó, ở làng nghề mộc dân dụng và điêu khắc Tân Mỹ (xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ), do nhu cầu của xã hội, các sản phẩm của làng nghề này như: khôi phục nhà cổ, xây dựng các công trình văn hóa tâm linh như đình, đền, chùa... và các sản phẩm gỗ mỹ nghệ như chạm, hoa gỗ... rất phát triển. Toàn thôn hiện có 128/251 hộ làm nghề, số lao động có tay nghề cao làm ra được những sản phẩm mộc mỹ nghệ tinh xảo ngày càng tăng cả về chất lượng, chủng loại và mẫu mã qua các năm nên đã thu hút được nhiều khách hàng từ nhiều vùng, miền trên đất nước.

Có thể thấy, 4 làng nghề truyền thống trên đang tiếp tục góp tinh hoa cho mảnh đất trăm nghề của Hà Nội đua sắc, phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
HN có thêm 4 làng nghề truyền thống được công nhận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.