Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tranh Khúc ngày cuối năm

Nguyễn Mai| 03/02/2013 06:46

(HNM) - Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp giáp tết, làng nghề gói bánh chưng thôn Tranh Khúc, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì lại nhộn nhịp vào vụ.

"Đầu làng, cuối xóm, nếu không phải vì ra chợ mua vài cân thịt làm nhân, “kéo” về vài nghìn lá dong thì tất cả lao động trong làng đều tập trung ở nhà để làm bánh… Vụ tết này, cả làng Tranh Khúc cung cấp ra thị trường khoảng 1 triệu bánh chưng. Mỗi ngày, gần 1 tấn lá dong về làng mà vẫn hết..." - Chủ tịch UBND xã Duyên Hà Nguyễn Đăng Huấn chia sẻ về nghề truyền thống quê mình.

Cảnh nhộn nhịp gói bánh chưng tại nhà bà Lê Thị Yên, xóm Mới, làng Tranh Khúc.

Nhà nhà hối hả…

Tại xóm Mới, từ đường nhìn vào, sân nhà nào cũng la liệt lá dong, người ngồi cắt, rửa lá, vo gạo, mùi thơm của bánh chưng chín lan tỏa khắp nơi. Tại mảnh sân trước căn nhà 2 tầng khang trang, bà Lê Thị Yên cùng hàng chục lao động đang tất bật, khẩn trương, người cắt, rửa lá; người vo gạo, thái thịt... Gia đình bà làm bánh chưng bán quanh năm nhưng vào dịp tết là đắt hàng hơn cả. "Nếu ngày thường gia đình gói 50-70 chiếc bánh thì những ngày giáp tết (từ 20 tháng Chạp trở ra), mỗi ngày gia đình làm được từ 500 đến 1.000 bánh. Bánh ra bao nhiêu được mang ngay đến cửa hàng số 9 phố Hàng Bông tiêu thụ". Nhờ nghề truyền thống mà gia đình bà Yên có của ăn của để. Năm 2012, gia đình đã xây được căn nhà 2 tầng to đẹp trị giá 1,2 tỷ đồng.

Ở làng Tranh Khúc, cụ Bùi Thị Tỵ được coi là người có nhiều kinh nghiệm làm bánh. Năm nay bước sang tuổi 93, chân tay đã yếu, không còn gói bánh được nữa, nhưng cụ Tỵ vẫn phụ giúp con cháu những việc nhẹ nhàng. Cụ bảo "Tôi làm vừa cho người khỏe, vừa muốn nhắc nhở cháu con làm bánh cho "chuẩn" để không mất đi thương hiệu của làng". Theo cụ Tỵ, để có chiếc bánh ngon, phải chuẩn bị nguyên liệu rất cầu kỳ, từ khâu chọn lá, chọn gạo, chuẩn bị nhân đến gói bánh. Gạo làm bánh phải là gạo ngon Hải Hậu, vo sạch, để ráo. Nhân bánh gồm đậu xanh, thịt lợn, muối, hạt tiêu, được cân đong rất cẩn thận. "Thông thường, nhà tôi thường gói bánh to, trọng lượng mỗi chiếc (không kể lá) là 1kg: gồm 5 lạng gạo, 3,5 lạng đậu và 2,5 lạng thịt. Thịt để làm bánh là ba chỉ, không quá nạc, cũng không quá mỡ. Nếu là thịt mỡ, ăn sẽ ngấy, còn thịt nạc quá, ăn sẽ bị khô". Nhấc chiếc bánh, cụ Tỵ cho biết: "Mỗi chiếc bánh như thế này xuất buôn là 40.000 đồng".

Theo Trưởng xóm Mới, thôn Tranh Khúc Nguyễn Đức Chi, trước đây, gần như cả xã Duyên Hà nằm ở ngoài đê sông Hồng, úng ngập triền miên. Đến thập kỷ 7 của thế kỷ trước, một phần thôn Tranh Khúc phải tách ra, lập thành xóm Mới. Ruộng ít, nghề làm bánh chưng mang lại thu nhập chính cho người dân. Hiện cả xóm có 180 hộ dân có nghề làm bánh. Hộ ít làm mỗi ngày 30kg gạo, hộ nhiều làm 70-80kg gạo. Vào những ngày giáp tết như hiện nay, thu nhập mỗi ngày của hộ làm bánh khoảng 1-2 triệu đồng.

… Và những kỳ vọng mới

Phó Chủ tịch UBND xã Duyên Hà Phạm Ngọc Vũ cho biết, năm 2011, làng nghề bánh chưng Tranh Khúc đã được UBND thành phố công nhận là làng nghề truyền thống. Năm 2012, bánh chưng Tranh Khúc được UBND huyện Thanh Trì hỗ trợ xây dựng thương hiệu, có mã số mã vạch, bước đầu đã có hơn 100 hộ đăng ký sử dụng. Nghề làm bánh ở Tranh Khúc ngày càng mở rộng, theo ông Vũ là do biết giữ uy tín, luôn đặt chất lượng lên hàng đầu. Vẫn là các công đoạn làm bánh truyền thống, song mấy năm gần đây, nhiều hộ đã đầu tư máy móc để nâng cao chất lượng sản phẩm. Cả thôn có 215 hộ làm nghề thì đã có 26 hộ đầu tư mua máy ép chân không để đóng gói sản phẩm, 35 hộ mua nồi nấu bánh bằng điện, 3 hộ nấu bánh bằng lò hơi (kinh phí 270 triệu đồng/lò). Năm nào các hộ cũng tham gia lớp tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm do xã phối hợp với ngành chức năng của huyện và thành phố tổ chức. "Thông tin luộc bánh chưng cho hóa chất, hay pin vào để bánh nhanh chín diễn ra ở đâu không biết nhưng ở làng này chưa ai làm vậy. Nhà tôi chưa sắm được nồi hơi nên vẫn nấu bánh bằng than, đủ 9 tiếng sôi đều mới dỡ bánh, dứt khoát không vì lợi nhuận mà làm ăn gian dối"- ông Đặng Xuân Nghĩa, một hộ làm bánh ở xóm Mới quả quyết.

Nhờ nghề truyền thống mà đời sống của người dân Tranh Khúc khá giả hơn hẳn so với các thôn khác trong xã. Làng cũng đã được công nhận là làng văn hóa. Trong tương lai gần, lãnh đạo địa phương dự định phấn đấu đưa Tranh Khúc trở thành điểm tham quan, du lịch bên bờ sông Hồng, khẳng định hướng phát triển bền vững của làng nghề. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tranh Khúc ngày cuối năm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.