Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đã nghe trống vật gọi...… hội làng

Nguyễn Thanh| 12/02/2013 08:10

(HNNN) - Vào ngày xuân, đến nhiều làng quê ở xứ Đoài sẽ được đắm trong âm thanh của tiếng trống hội làng vang khắp nơi nơi.



Sới vật đông vui, rộn ràng. Tiếng trống, tiếng reo hò cổ vũ vang dậy ngay từ lúc các đô vật làm lễ xe đài (ra mắt) trình diễn những động tác đẹp - cũng là thời cơ để đối phương quan sát, thăm dò nhau, cho đến khi các đô vật lừa nhau từng “miếng”, “lèo”, “bốc một”, “bốc ngoài”, “bò”, chỉ chực một động tác để làm phơi bụng đối phương… Đi xem hội vật trở về, ai ai cũng khản giọng và đôi tay đỏ nhừ vì hò reo, hoan nghênh.


Vật truyền thống ở xứ Đoài là một sinh hoạt văn hóa đã ăn sâu vào tâm tư tình cảm của mỗi người cũng như ý thức rèn luyện sức khỏe. Trong đó, làng Yên Nội, xã Đồng Quang (Quốc Oai) là cái nôi của lò vật xứ Đoài. Hội làng Yên Nội vì thế bao giờ cũng thu hút đông người đến dự và có nhiều đô vật tham gia trổ tài nhất. Nếu được hòa vào dòng người rước kiệu Thánh trong ngày hội làng, thì đó càng là một may mắn, là cái lộc đầu xuân năm mới… Lò vật Yên Nội nổi tiếng từ xa xưa gắn với ngôi đình được xây dựng từ thời Lê, hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật quý giá. Trong gian giữa của đình làng Yên Nội có câu đối cổ bằng chữ Hán (tạm dịch là: “Uy nghi giữa trời cao là các vị thần thờ/Náo nhiệt hội dân, tiếng người hòa tiếng trống”) như một lời giới thiệu về đất vật truyền thống. Và cũng đã thành truyền thống văn hóa đẹp, nhớ về cội nguồn, năm nào cũng vậy, cứ vào sáng mồng 4 tháng giêng là ông trùm lò vật làng Yên Nội lại sửa soạn mâm cỗ ra đình làng làm lễ tam vị thành hoàng của làng là Đức thánh Tản Viên, Mỵ Nương công chúa (con gái vua Hùng Vương thứ 18) vợ của thần và thần Cao Lỗ, vị tướng tài có công sáng chế ra đàn nỏ một loại vũ khí đẩy lùi cuộc xâm lăng của Triệu Đà từ thời An Dương Vương. Sau đó, ông trùm cùng họp bàn các công việc cần thiết của lò vật sẽ tham gia trong hội làng đầu xuân.

Hội làng bắt đầu từ ngày 12 tháng hai âm lịch - tương truyền là ngày sinh của thần Tản Viên. Buổi sáng, cả làng tổ chức rước kiệu thánh. Dân các xóm tập trung tại ba chiếc quán cạnh làng (quán Từa thờ Tản Viên, quán Dộc thờ Cao Lỗ, quán Đọ thờ Mỵ Nương) để rước cỗ và rước bài vị, bát nhang của các vị thần từ quán về đình. Ba đám rước từ ba hướng đổ về sân đình làm không khí ngày hội làng tưng bừng, phấn khích. Theo các cụ cao tuổi ở Yên Nội kể lại, vào những năm mùa màng được “phong đăng hòa cốc”, đời sống nhân dân khấm khá, làng mở đại hội (hội lớn) kéo dài 7 ngày; còn hàng năm, hội làng thường chỉ kéo dài đến 3 ngày. Năm đại hội, bao giờ cũng có nghi thức đón các cụ cao tuổi ở làng Phú Vinh, huyện Chương Mỹ - là anh em kết chạ đến dự; có năm còn mời cả người Mường ở huyện Lương Sơn (Hòa Bình) về cho trai gái thi nhau ném còn trên những bãi đất rộng, bằng phẳng. Họ còn mang theo đội văn nghệ trình diễn cồng chiêng liên tục trong các ngày hội góp phần làm cho không khí hội làng thêm sôi động, tưng bừng.

Người Yên Nội cho rằng, vật có từ khi đình làng được xây dựng. Đây là hình thức để dân làng bày tỏ lòng biết ơn đối với các vị thành hoàng đã phù hộ cho “dân khang, vật thịnh”. Thế nên trong ngày hội thường có hai người già uy tín nhất làng, được chọn làm lễ thờ thần và biểu diễn nhiều ngón nghề “độc” của vật. Trên sới vật cổ truyền của Yên Nội thường không phân biệt hạng cân mà quan trọng là ở sự dẻo dai, tài nhanh trí, có miếng võ độc đáo. Có những keo vật đôi co, ghìm nhau từng miếng một. Cuối cùng, phần thắng dành cho người lừa giỏi hơn; người thua bị đối phương vật ngã ngửa (phơi bụng), hoặc bị nhấc bổng hai chân lên. Khác với nhiều nơi, đô vật của Yên Nội lúc xe đài thường mang phong cách riêng, nét mặt tươi vui, hai tay mở rộng như hai cánh chim bay, thật sự là màn biểu diễn đẹp, hấp dẫn và người ta xem đô vật như những nghệ sỹ biểu diễn trên sân khấu làng.


Từ khát khao có sức khỏe để chiến thắng nghèo đói, bệnh tật để sinh tồn, người Yên Nội chọn vật để rèn luyện, cổ vũ tinh thần; và đó như một món ăn văn hóa, trở thành truyền thống từ bao đời nay. Các thế hệ con em của làng Yên Nội hầu như ai cũng biết các ngón nghề vật; trong số đó không ít người trở thành vận động viên của thành phố Hà Nội, của quốc gia, đoạt nhiều huy chương tại các kỳ đại hội thể thao châu Á và Đông Nam Á.

Năm 2011, thành phố đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng để Quốc Oai xây dựng tại xã Cấn Hữu sới vật, đồng thời khôi phục môn vật truyền thống ở đây bởi Cấn Hữu xưa cũng từng là làng vật nổi tiếng của phủ Quốc nhưng mai một dần theo thời gian. Trong nhiều năm nay, vật truyền thống được huyện Quốc Oai xếp là bộ môn thể thao mũi nhọn để tập trung đầu tư, đào tạo nhiều thế hệ vận động viên tham gia các giải đấu, từ Hội khỏe Phù Đổng do ngành GD-ĐT thành phố tổ chức hàng năm cho đến các giải thể thao chuyên nghiệp của quốc gia, quốc tế. Nhiều tên tuổi mãi mãi là niềm tự hào vì đã từng chinh phục lòng người như Nguyễn Đình Khinh, Phí Hữu Tình, Nguyễn Đình Chi, Nguyễn Văn Công từ làng Yên Nội từng là đại diện Việt Nam tham dự Olympic Mat-xcơ-va năm 1980. Thế hệ hiện tại, có HLV Nguyễn Quang Long (Quân đội) và xuất sắc nhất Việt Nam vào thời điểm hiện tại là VĐV đoàn thể thao Hà Nội Nguyễn Thị Lụa, người từng giành Huy chương Bạc ASIAD...

Vật Yên Nội vẫn luôn phát triển và càng không bao giờ thiếu trong mỗi dịp hội làng truyền thống diễn ra hàng năm. Tiếng trống hội vật vẫn như một âm thanh đặc biệt, hối hả, giục giã người ta đến với hội làng...

Từ khát khao có sức khỏe để chiến thắng nghèo đói, bệnh tật để sinh tồn, người Yên Nội chọn vật để rèn luyện, cổ vũ tinh thần; và đó như một món ăn văn hóa, trở thành truyền thống từ bao đời nay.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đã nghe trống vật gọi...… hội làng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.