Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngày 14-2: Khu di tích Cổ Loa đón Bằng di tích quốc gia đặc biệt

Minh Ngọc| 14/02/2013 06:46

(HNM) - Lễ đón Bằng di tích quốc gia đặc biệt đối với Khu di tích Cổ Loa (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh) diễn ra vào 20h tối nay (14-2, tức mùng 5 tháng Giêng). Đó là niềm vinh dự, tự hào của ngành văn hóa Hà Nội nói chung, nhân dân xã Cổ Loa nói riêng, song đi đôi với niềm tự hào là trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị di tích xứng tầm quốc gia đặc biệt.


Di dời hợp lý

Khu di tích Cổ Loa từng là trung tâm kinh thành, quân thành của nhà nước Âu Lạc thời kỳ An Dương Vương và của nước Đại Việt thời Ngô Quyền. Hiện Cổ Loa là di tích thành cổ có niên đại sớm nhất, quy mô lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Trong thành có nhiều lăng, đình, đền, chùa, nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ học. Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, giá trị lớn nhất của Khu di tích Cổ Loa còn lại đến ngày nay là 3 vòng thành đất, không gian làng mạc truyền thống và cảnh quan môi trường, nếu thiếu một trong những yếu tố này thì khu di tích sẽ mất đi một phần giá trị.

Trong tương lai, cụm di tích Cổ Loa sẽ phát triển thành khu du lịch thể thao, vui chơi giải trí, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần. Ảnh: Thanh Hà


Hiện nay, ba vòng thành Cổ Loa đang chịu nhiều tác động không đáng có, nhiều đoạn thành Trung và thành Ngoại đang bỏ trống nhưng chưa thể trồng cây xanh tạo cảnh quan, không gian và chống xói mòn vì chưa có quy hoạch chi tiết. Cũng vì chậm quy hoạch nên khoảng 2.000 hộ dân (hơn 30% dân số xã Cổ Loa) sống cách các công trình quan trọng của di tích chừng 50m vẫn chưa được di dời, đang xây mới nhà ở, công trình dân sinh. Một khó khăn nữa đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Cổ Loa là chưa nhất thể hóa khâu quản lý. Một cán bộ thuộc tổ quản lý, bảo vệ Khu di tích Cổ Loa thuộc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cho hay: Trung tâm hiện chỉ quản lý đền thờ vua An Dương Vương, đình "Ngự Triều Di Quy", am thờ công chúa Mỵ Châu và nhà trưng bày; các di tích còn lại, 3 vòng thành và di tích khảo cổ đều do xã Cổ Loa trực tiếp quản lý. Để kịp thời phát hiện sai phạm trong khu di tích, Trung tâm phối hợp với xã Cổ Loa thành lập tổ kiểm tra nhưng khi phát hiện sai phạm cũng chỉ có thể lập biên bản, báo cáo cấp có thẩm quyền, chứ chưa có biện pháp xử lý triệt để.

Ông Nguyễn Văn Sơn khẳng định: Di dân là việc làm khó, nhưng không thể vì khó mà không làm. Khu di tích Cổ Loa mà không có dân sống thì sẽ phá vỡ không gian làng truyền thống, nên không nhất thiết phải di dời tất cả 2.000 hộ dân. Tháng 8-2012, Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích thành Cổ Loa (tỷ lệ 1/2000), Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đang phối hợp với Viện Quy hoạch kiến trúc đô thị nông thôn nghiên cứu, phân tích xem khu vực nào nên đưa dân ra ngoài, khu vực nào giữ nguyên. Sau khi hoàn thành, Trung tâm sẽ phối hợp với xã Cổ Loa và các ngành chức năng tuyên truyền, vận động phù hợp. "Muốn bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích, trước hết cần xây dựng chính sách xuất phát từ lợi ích của họ" - ông Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh.

Tài nguyên du lịch

Theo Quy hoạch phát triển du lịch Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Khu di tích Cổ Loa nằm trong cụm du lịch trọng điểm Vân Trì - Cổ Loa với các sản phẩm chủ yếu là du lịch thể thao, vui chơi giải trí, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần.

Để phát huy giá trị khu du lịch trọng điểm, theo ông Sơn, cần kết nối Khu di tích Cổ Loa với các di tích lân cận để tạo ra những tua, tuyến hấp dẫn; mặt khác, bản thân Cổ Loa cần được bảo tồn, nâng cấp, xây dựng không gian xung quanh. Để làm được như vậy, người dân Cổ Loa và vùng lân cận phải chuyển từ nông nghiệp sang dịch vụ du lịch dựa trên chính những sản phẩm hàng hóa của địa phương.

Ông Nguyễn Quốc Trung, Chủ tịch UBND xã Cổ Loa cho rằng, Cổ Loa hiện có hai món đặc sản là bún Mạch Tràng và bỏng Chủ, trong đó làng nghề bún Mạch Tràng phát triển tương đối tốt, còn bỏng Chủ chỉ có vài hộ làm. Mỗi năm Cổ Loa đón khoảng 15 vạn khách và có thể tăng trong những năm tiếp theo, nếu không phát triển làng nghề, ẩm thực, khách đến Cổ Loa sẽ không lưu trú. Hiện nay, quà lưu niệm mang đậm dấu ấn văn hóa Cổ Loa chưa có gì ngoài rùa đá, không gian làng mạc truyền thống cũng không còn nguyên vẹn, sinh hoạt văn hóa dân gian ít nhiều mai một… Đó là những điểm yếu cần khắc phục.

Trên thực tế, huyện Đông Anh đang kết hợp với các ngành tiến hành quy hoạch trung tâm du lịch, các điểm du lịch trên địa bàn, trong đó chú trọng tuyến Cổ Loa - Đền Sái - rối nước Đào Thục - làng nghề Vân Hà, Liên Hà - địa đạo Nam Hồng. Hy vọng tương lai không xa, du khách đến với di tích Cổ Loa sẽ cảm thấy hài lòng và muốn ở lại.

Quần thể di tích Cổ Loa hiện có khoảng 60 di tích thành phần, trong đó có 7 di tích cấp quốc gia. Nổi bật trong số này là thành Cổ Loa với diện tích gần 46ha, gồm 3 vòng thành đắp đất (thành Nội, thành Trung, thành Ngoại) khép kín, dài gần 16km. Đền Thượng (đền thờ An Dương Vương) dựng trên khu đất rộng 19.138,6m2. Lối lên cửa giữa của đền đặt đôi rồng đá, mang phong cách nghệ thuật thời Lê, trong đền còn lưu giữ 5 tấm bia đá và nhiều hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc. Bố cục mặt bằng nền đình Cổ Loa (Ngự Triều Di Quy) hình chữ “Đinh”, gồm đại đình và hậu cung, trong đình còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị. Am Mỵ Châu tọa lạc trên khu vực rộng 925,4m2. Ngoài ra, di tích chùa Cổ Loa (Bảo Sơn tự), chùa Mạch Tràng (Quang Linh tự), đình Mạch Tràng… cũng là những công trình kiến trúc vô cùng độc đáo.

Khu di tích Cổ Loa còn là địa điểm khảo cổ học với nhiều di chỉ tiêu biểu như Đồng Vông, Bãi Mèn, Đình Chiền, Đình Tràng, Mả Tre, Thành Nội, Thành Ngoại, Thành Trung, Xuân Kiều, xóm Nhồi, đền Thượng, Tiên Hội, Đường Mây, Cầu Vực…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngày 14-2: Khu di tích Cổ Loa đón Bằng di tích quốc gia đặc biệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.