Theo dõi Báo Hànộimới trên

Văn hóa ẩm thực Hà Nội: Không thể "vơ đũa cả nắm" (Bài 7)

Minh Ngọc| 06/03/2013 06:05

(HNM) - Trong quá trình xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh, những hiện tượng phản cảm đang đặt ra bài toán quản lý, tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi hành vi theo hướng tích cực.

Bài 7: Dẹp bỏ thói xấu

(HNM) - Tuy rằng những cửa hàng kinh doanh ăn uống có thái độ thiếu tôn trọng khách hàng ở Hà Nội không phải là số đông, nhưng dù sao, trong quá trình xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh, những hiện tượng phản cảm đang đặt ra bài toán quản lý, tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi hành vi theo hướng tích cực.

Chính quyền phường Văn Miếu (Đống Đa) chắc chắn biết có "hàng bún tạo dư luận" tồn tại ở đường Ngô Sĩ Liên. Lực lượng an ninh trật tự, đội tự quản của phường thường xuyên có mặt ở các tuyến phố nhằm chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trước các cửa hàng kinh doanh, trong đó có hàng bún nói trên. Phường cũng tổ chức khám sức khỏe, tập huấn, nhắc nhở các hộ kinh doanh cần có thái độ ứng xử đúng mực, tiến hành kiểm tra tình hình vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm theo định kỳ. Bà Vân Anh, Phó Chủ tịch UBND phường Văn Miếu cho biết: Đa số người bán hàng ăn uống trên địa bàn phường đi thuê địa điểm, nay điểm này, mai có thể chuyển sang điểm khác, rất khó kiểm soát. Hơn nữa, sự giao tiếp giữa khách hàng với chủ cửa hàng mang tính thời điểm, không dễ "bắt tận tay" để có thể đưa ra hình thức can thiệp phù hợp. Đó cũng là một trong những lý do khiến một số cửa hàng ăn chưa coi trọng "bổn phận" tôn trọng khách, làm ảnh hưởng tới hình ảnh của người Hà Nội nói chung, ngành hàng dịch vụ ăn uống nói riêng.

Du khách quốc tế thường chọn chả cá - một trong những món ngon của Hà Nội.


Ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội cho biết: Từ trước đến nay, giao tiếp trong văn hóa ẩm thực không thuộc đối tượng điều chỉnh của bất kỳ văn bản mang tính pháp quy nào, cũng chưa đưa thành tiêu chí riêng để bình xét công nhận các danh hiệu văn hóa trong khuôn khổ phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa". Trong dự thảo hệ thống quy tắc ứng xử nhằm xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh, những "lỗ hổng" nói trên sẽ được lấp đầy, văn hóa kinh doanh đối với các hộ kinh doanh nhỏ sẽ có hệ thống quy tắc cụ thể. Để lề lối giao tiếp trong ẩm thực đi vào khuôn thước, ông Nguyễn Khắc Lợi đề nghị các hội, đoàn thể, chính quyền sở tại thường xuyên nhắc nhở, góp ý với những người bán hàng thiếu tôn trọng khách; mặt khác, khách hàng cần tỏ thái độ phản đối trực tiếp đối với những cửa hàng không tôn trọng mình, thậm chí là tẩy chay. Đó là những hành động có lợi đối với sự phát triển chung, bởi vắng khách thì chủ các cửa hàng sẽ phải tự chấn chỉnh, rút kinh nghiệm.

GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tín ngưỡng và bảo tồn văn hóa Việt Nam, tác giả cuốn sách "Khám phá ẩm thực Việt Nam", nói: "Tôi đã có vài lần ăn bún, cháo, phở ở những "địa chỉ đen" mà dư luận đề cập nhiều trong thời gian gần đây, nhưng không thấy tình hình đến mức tệ hại như người ta nói. Theo tôi, hiện nay, với văn hóa ẩm thực Hà Nội thì ngoài ý thức, hành vi ứng xử của người bán, người ăn, vấn đề cần quan tâm là chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Cần phải tìm ra cách hiệu quả hơn để hạn chế tình trạng hàng quán lấn chiếm vỉa lè, lòng đường, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, hạn chế việc xả rác bừa bãi. Về ứng xử, tôi nghĩ không chỉ có chủ hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống phải tự xem xét lại hành vi, mà nhiều khách hàng cũng nên xem xét lại mình. Nhiều khách hàng cho mình quyền phê phán, chê bai người bán mà không chịu nhận ra hành động vứt rác bừa bãi, thái độ thiếu tôn trọng người bán của mình là nguyên nhân làm cho sự việc tồi tệ". Theo GS Ngô Đức Thịnh, ở nhiều nước cũng có hàng ăn trên hè phố, họ biết cách tổ chức nên quán ăn trên hè rất sạch sẽ, tạo thành địa chỉ du lịch ẩm thực thú vị. Hà Nội, từ lâu nổi tiếng với những gánh hàng rong, những món ăn vỉa hè đặc trưng, nếu có cách tổ chức, quản lý phù hợp thì nhiều phố Hà Nội sẽ trở thành phố ẩm thực sạch sẽ, gọn gàng, có sức hút.

Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền cho rằng, hiện tượng người bán hàng thiếu tôn trọng khách ở Hà Nội hiện nay mang tính cá biệt, không mang tính đại diện. Trong bối cảnh ấy, sự xấu xí chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định rồi sẽ mất đi, khi nhận thức của con người được nâng lên. Ông khẳng định: "Muốn xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh thì cần tạo cảnh quan đẹp, giáo dục con người ứng xử với nhau, với môi trường tự nhiên và xã hội một cách có văn hóa. Trong lĩnh vực ẩm thực, cả người bán và khách hàng có nghĩa vụ tôn trọng nhau".

Hà Nội coi du lịch là ngành kinh tế quan trọng, không thể không quan tâm tới văn hóa kinh doanh, lề lối ứng xử, giao tiếp nơi công cộng. Và, như giới nghiên cứu văn hóa, ẩm thực nói, đã đến lúc Hà Nội cần có giải pháp chấn chỉnh hệ thống hàng quán vỉa hè. Những gì đã qua, dù là sai sót không mang tính phổ biến, cần được nhìn nhận nghiêm túc, coi đó là bài học thiết thực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn hóa ẩm thực Hà Nội: Không thể "vơ đũa cả nắm" (Bài 7)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.