Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giữ chuẩn mực, nền nếp gia đình

Vũ Đình Quý| 17/03/2013 06:41

(HNM) - Dù sống ở TP Hồ Chí Minh, chịu ảnh hưởng của nét phóng khoáng Nam bộ, nhưng những trí thức gốc Hà Nội vẫn giữ những chuẩn mực của ngôn ngữ giao tiếp, nền nếp gia đình như phong tục ngoài Bắc.

Sáng nào Tiến sỹ Nguyễn Xuân Lương cũng đọc Báo Hànộimới.


"Mẹ tôi kể lại, năm 1945, đúng vào năm nước nhà giành độc lập, cũng là lúc tôi chào đời tại nhà hộ sinh 40 Hàng Cót, Hà Nội. Cha tôi lúc bấy giờ là chủ xưởng gỗ Hợp Đức ở 33 phố Hàng Đậu. Năm tròn 7 tuổi cũng là năm đầu tiên tôi hiểu biết ít nhiều về không khí ngày Tết. Tôi còn nhớ như in, năm nào cũng vậy, cứ sáng mùng 1 Tết, mẹ đánh thức chúng tôi dậy sớm, cho mặc quần áo mới, rồi ra phòng khách chờ cha chúc Tết. 8 anh chị em chúng tôi quây quần bên cha mẹ vào buổi sáng đầu năm. Trong không khí trang nghiêm, đầm ấm, cha tôi nói ngắn gọn, giản dị "Cha chúc các con năm mới thêm một tuổi, phải ngoan hơn, chăm học hơn để cha mẹ vui lòng. Và các con phải nhớ gia đình ta là gia đình gia giáo, "Giấy rách phải giữ lấy lề". Và cho mãi đến bây giờ khi đã ở tuổi ngoài 60, lại đang sinh sống ở phương Nam, nơi chẳng hề có cái không khí lạnh rét của mùa xuân miền Bắc, tôi vẫn giữ được thói quen như ngày nào. Ấy là, cứ sáng mùng 1 Tết, tôi vẫn dậy thật sớm để pha một ấm trà nóng, tự thưởng thức một mình và nhớ đến lời cha tôi căn dặn vào mỗi buổi sáng đầu năm mới để nhắc nhở con cháu!".

Đó là nỗi niềm của ông Trần Hợp Chính, một người Hà Nội đang cùng gia đình sinh sống tại TP Hồ Chí Minh. Ông còn cho biết, hồi nhỏ tuy chưa hiểu hết ý nghĩa lời căn dặn của cha, nhưng trong ông luôn tâm niệm, sang năm mới phải cố gắng học tập chăm hơn, giỏi hơn để cha mẹ vui lòng. Cũng từ nét gia phong đó, từ ngày cô con gái "rượu" Trần Vân Chinh đi học, không kể trời mưa hay nắng, ngày nào ông Chính cũng tranh thủ dành thời gian đưa, đón con đến trường chu đáo. Những ngày đầu năm mới, bao giờ ông cũng dành thời gian trò chuyện với con và không quên lời răn dạy: "Con phải nhớ, gia đình mình có truyền thống hiếu học và con phải cố gắng để xứng đáng là người Hà Nội ngàn năm văn hiến".

Và cô con gái đã không phụ mong mỏi cha mẹ. Suốt 11 năm học phổ thông, Vân Chinh liên tục đạt học sinh giỏi của trường và thành phố. Năm 2007, 2008, Vân Chinh liên tiếp đoạt 2 huy chương vàng cuộc thi tiếng Anh Olympic truyền thống 30 tháng 4 (kỳ thi học sinh giỏi hằng năm dành cho học sinh các tỉnh phía Nam). Hiện Vân Chinh là học sinh lớp 12A8 Trường chuyên Trần Đại Nghĩa và vừa đoạt hạng nhất cuộc thi tiếng Anh toàn thành phố.

Cũng là người Hà Nội, gia đình Tiến sỹ Nguyễn Xuân Lương vào TP Hồ Chí Minh khá sớm, nhưng năm nào ông cũng dành thời gian về thăm Hà Nội. Ông cho biết, ngôi nhà số 2 ngõ 40 Trần Nhật Duật, sát với cửa Ô Quan chưởng là nơi ông đã sinh ra và lớn lên, vì vậy cứ mỗi lần ra Hà Nội là ông lại lững thững về chốn xưa để tìm lại quá khứ tuổi thơ. Và cũng mỗi lần trở về Hà Nội, nhất định ông phải thưởng thức bằng được các món đặc sản Hà thành, như chả cá Lã Vọng, phở Bát Đàn, bún chả hàng Mành, bánh tôm hồ Tây… Từ ngày vào TP Hồ Chí Minh sinh sống, sáng nào chưa đọc được tờ Báo Hànộimới là ông thấy chưa yên tâm. Cũng vì vậy, cứ buổi sáng, hôm nào chưa mua kịp báo là ông lại ra quán phở Hương Bình trên đường Trường Sơn (chủ quán phở ngày nào cũng đặt mua cả chục tờ Báo Hànộimới cho khách xem), sau khi thưởng thức tô phở Hà Nội chính gốc, ông dành thời gian đọc cho kỳ hết các mục trong tờ báo, kể cả tin buồn, vì theo ông là để xem Hà Nội hằng ngày biến chuyển ra sao, để biết được các bạn già của ông ở Hà Nội ai đã về với tổ tiên thì gọi điện thoại sẻ chia cùng gia quyến… Hai đứa con ông nay đã trưởng thành và thành đạt. Anh Nguyễn Xuân Liên, con trai cả hiện đang là Giám đốc chi nhánh Công ty Ô tô liên doanh Hòa Bình tại TP Hồ Chí Minh. Chị Nguyễn Diệu Nga là Phó Văn phòng cảng vụ Cụm Cảng hàng không miền Nam. Giờ đây hằng ngày ông còn có thú vui là đưa đón cháu nội, cháu ngoại tới lớp học như ngày nào đưa đón các con ông tới trường. "Người ta thường nói "Giấy rách phải giữ lấy lề", tôi thấy cái "lề" nhà tôi còn "ngon" lắm!". Ông cười, tự hào!

Tại nhà Kiến trúc sư Phạm Chế Thiết (114 Bùi Thị Xuân, quận 1, TP Hồ Chí Minh), bên cạnh bình hoa lay ơn đỏ trên bàn, lung linh những giọt nước trong vắt, là cành đào còn hương vị Tết ngày nào. Phạm Chế Thiết cho biết năm nào cũng vậy, mặc dù ở phương Nam nhưng Tết nào nhà cũng trưng cành đào Hà Nội đón xuân. Phạm Chế Thiết chính là con trai út của nhà viết kịch, đạo diễn Lộng Chương (Phạm Văn Hiền) với tác phẩm "Quẫn" nổi tiếng một thời, cùng hàng trăm vở chèo, múa rối như: Chiến đấu trong lòng địch (1954), Chặn tay chúng lại (1959), Dũng sỹ Rạch Gầm (1967)…

KTS Phạm Chế Thiết kể lại: "Những ngày đầu giải phóng Thủ đô, cả nước đang bắt tay vào công cuộc xây dựng lại đất nước, những chiến sỹ trên mặt trận Văn hóa tư tưởng cũng xắn tay tham gia. Chính bấy giờ cha tôi cho ra đời tác phẩm "Quẫn", một vở kịch hài với nhân vật vợ chồng Đại Lợi. Những ngày đó tôi thường theo cha đến các rạp Hồng Hà, Đại Nam… để xem diễn vở kịch của cha. Tuy chưa hiểu hết nội dung của vở diễn, nhưng cứ thấy rất đông người đến bắt tay chúc mừng cha, tôi cũng vui lắm rồi. Sau này khi cha tôi được vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, tôi mới thấy hết được công sức, tâm huyết mà cha tôi đã dành cho các tác phẩm của mình.

- Vậy anh có thừa hưởng những gì của cha anh?

- Chút xíu thôi, là kiến trúc sư nên tôi luôn mang tâm hồn nghệ sỹ vào trong các thiết kế, nhất là thiết kế công trình dân dụng. Rồi còn tính phóng khoáng, lãng tử, ngao du thân thiện với bạn bè… rất giống với cha tôi.

Từ ngôi nhà 47 Hàm Long, Hà Nội, năm 1981 gia đình anh vào TP Hồ Chí Minh, tuy đã hơn 20 năm, nhưng trong sinh hoạt vẫn giữ thói quen, nền nếp xưa. 8 anh chị em đã có gia đình, trưởng thành… nhưng dù ở đâu, các anh các chị không khi nào quên những kỷ niệm một thời về người cha với vở kịch "Quẫn" đã cuốn hút biết bao trái tim người Hà Nội. Và bây giờ, anh chị em nhà Phạm Chế Thiết đang cùng nhau sưu tầm, tập hợp những tác phẩm, di vật… của cha mình, để xây dựng nhà lưu niệm. Âu cũng là việc làm theo như các cụ đã nói: "Giấy rách phải giữ lấy lề". 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giữ chuẩn mực, nền nếp gia đình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.