Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng Thúy Ái

TUYETMINH| 30/08/2005 15:00

(HNMĐT) - Làng Thúy Ái nằm ở ven sông Hồng, toàn bộ đồng đất của làng là đất bãi phù sa tươi tốt, rất thuận lợi cho việc trồng các loại dâu, mía, tạo nên một màu xanh bạt ngàn, đẹp nắt, cho nên mới có tên là “Thúy Ái” (màu xanh đáng yêu). Làng còn có một tên khác là Thúy Lĩnh (núi xanh).

(HNMĐT) - Làng Thúy Ái nằm ở ven sông Hồng, toàn bộ đồng đất của làng là đất bãi phù sa tươi tốt, rất thuận lợi cho việc trồng các loại dâu, mía, tạo nên một màu xanh bạt ngàn, đẹp nắt, cho nên mới có tên là “Thúy Ái” (màu xanh đáng yêu). Làng còn có một tên khác là Thúy Lĩnh (núi xanh). Sở dĩ gọi như vậy vì vùng bãi rộng mênh mông này quanh năm nổi lên một màu xanh của các loại cây, điệp trùng như những ngọn núi.

Đầu thế kỷ XIX, Thúy Ái là một “châu” (tương đương một xã ở vùng đất bãi ven sông) thuộc tổng Thanh Trì, huyện Thanh Trì, trấn Sơn Nam Thượng (từ năm 1831 là tỉnh Hà Nội, từ năm 1904 là tỉnh Hà Đông). Năm 1926, làng có 888 nhân khẩu.

Trong kháng chiến chống Pháp, làng nhập với các làng Nam Dư Thượng, Thanh Trì, Vĩnh Tuy thành xã Vạn Xuân. Hòa bình lập lại, Thúy Ái và Nam Dư Thượng tách thành các xã độc lập thuộc quận Quỳnh Lôi (sau đổi thành huyện Thanh Trì). Đến năm 1961, Thúy Ái nhập với Nam Dư Thượng thành xã Lĩnh Nam.

Thúy Ái chiếm giữ một vị trí khá quan trọng trên tuyến đưỡng giao thông thủy từ phía Nam qua sông Hồng về Kinh đô Thăng Long. Bến đò Thuý Ái ở bờ Nam sông Hồng nổi tiếng trong sử sách với nhiều sự kiện quan trọng. Các vua nhà Lê khi về Thanh Hóa (Tây Kinh) thường đi trên tuyến đường thủy qua bến đò Thúy Ái này, như chuyến đi của Vua Lê Thánh Tông vào tháng Hai (nhuận) năm Bính Thìn niên hiệu Hồng Đức (1496); Vua ban yến cho bầy tôi đến lạy mừng ngáy trên bến đò, trên đường trở về; hay chuyến tuần du của Vua Lê Tương Dực vào tháng Hai năm Nhâm Thân niên hiệu Hồng Thuận (1512). Đặc biệt, vào tháng Bảy năm Bính Ngọ (1786), quân Tây Sơn từ Nam đánh ra Thăng Long cũng bố trí một cánh quân (cả thủy bộ) hành quân qua bến đò Thúy Ái. Để chặn quân Tây Sơn, Chúa Trịnh Khải đã bố trí một lực lượng lớn quân trấn giữ bến đò này, do tướng Ngô Cảnh Hoàn - người làng Trảo Nha (tỉnh Hà Tĩnh ngày nay) chỉ huy. Song quân Trịnh bị quân Tây Sơn đánh cho tan tàn. Cảnh Hoàn tử trận ngay tại bến sông; vợ là Phan Thị Thuấn sau khi lập đàn chay tế chồng đã gieo mình xuống sông tự vẫn. Về sau, khi Chiêu Thống về lại Thăng Long, đã truy phong cho cả hai người và cho dân sở tại lập đền thờ bà Phan Thị Thuấn tại bến sông Thúy Ái. Đền thờ này nay vẫn còn, gọi là “Trảo Nha phu nhân linh từ”. Trong đền có bức hoành phi “Tiết hạnh khả phong” ban cho bà Phan Thị Thuận. Ngoài đền này, làng có ngôi đình thờ Linh Lang đại vương - hiện thân của Hoàng tử Hoàng Chân đã có công lớn trong trận đại phá quân Tống trên phòng tuyến sông Cầu năm 1076 và ngôi chùa mang tên “Diên Phúc tự”. Cả đình và chùa đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa năm 1993.

Sống ở ven sông, trên một vị trí giao thông quan trọng đã rèn luyện người Thúy ÁI, nhất là con trai tính cương quyết, dũng cảm, nhiều khi thái quá, dân các làng, nhất là trai tráng phải kiềng nể, vì thế có câu “Chơi với dân Thúy ÁI, cái trái không còn”.

Thúy Ái - Thúy Lĩnh ngày nay vẫn xanh một màu xanh của các loại cây hoa mang tính hàng hóa cao để cung cấp cho cư dân nội thành, góp phần tăng thu nhập cho dân làng.

Ts. Bùi Xuân Đính

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng Thúy Ái

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.