Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giữ hồn phố cổ

Vũ Đình Quý| 31/03/2013 06:31

(HNM) - Hơn nửa thế kỷ trước, nhà tôi ở ngay cửa ô Yên Phụ. Nơi đây có làng Yên Phụ với nghề nuôi cá cảnh truyền thống lâu đời bên cạnh hồ Tây mênh mang sóng nước.

Trước khi rời Hà Nội tham gia đoàn quân giải phóng miền Nam (với tư cách phóng viên Đài Phát thanh Giải Phóng) tôi đã lấy vợ nơi phố cổ Hàng Ngang. Chuyện lấy vợ cũng bình thường như bao mối nhân duyên khác, nhưng lại thật đặc biệt khi từ đây, tôi có duyên với một nhóm bạn phố cổ Hà Nội.

Hình ảnh phố cổ luôn nằm trong hoài niệm của những người Hà Nội ở phương xa. Ảnh : HOÀNG MINH


Hơn 30 năm sau ngày thống nhất đất nước, non sông thu về một mối, tôi tình cờ gặp được Nguyễn Hùng, một doanh nhân trẻ đang ăn nên làm ra ở TP Hồ Chí Minh. Doanh nghiệp của Hùng kinh doanh các sản vật còn rất mới lạ với người phương Nam. Đó là nuôi giống ba ba, cua đinh, đà điểu, heo mọi... Tại trại chăn nuôi với vô số các con ba ba giống nhỏ xíu bằng đầu ngón tay cái, những chú heo mọi nho nhỏ, xinh xinh thật dễ thương, cùng các bác đà điểu cao lêu nghêu, ngật ngưỡng đi lại, Nguyễn Hùng tiếp chúng tôi thật nhã nhặn, lịch thiệp... đúng phong cách người Tràng An. Hùng bảo, sau nhiều năm đi sâu tìm hiểu, anh nhận ra rằng, kinh doanh sản xuất những sản phẩm nông nghiệp không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn gìn giữ được mối thân tình giữa bà con nông dân với doanh nghiệp. Vì vậy không phải ngẫu nhiên mà những sản vật do doanh nghiệp của Nguyễn Hùng chăn nuôi đã nhanh chóng đến với người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long. Chính bà con đã thừa nhận nuôi ba ba, cua đinh... không chỉ có lợi về kinh tế mà còn làm cho môi trường trong lành hơn.

Nguyễn Hùng sinh ra, lớn lên ở ngay bên cạnh hồ Hoàn Kiếm - Hà Nội. Anh kể, hồi còn nhỏ, mùa hè, ngày nào anh cũng ra hồ bơi lặn thật thỏa thích. Thậm chí anh còn tận mắt trông thấy "cụ Rùa" mà theo anh, lớn có lẽ phải bằng cái nong. Anh tâm sự, không biết có phải vì có duyên với cụ hay không mà giờ đây anh đang chăn nuôi, chăm sóc hàng ngàn, hàng vạn "hậu duệ" họ hàng của cụ ở phương Nam. Và chính các "hậu duệ" họ hàng của cụ Rùa hồ Hoàn Kiếm đã và đang đóng góp không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo cho không ít hộ nông dân ở Nam bộ.

Rồi tôi lại "bén duyên" với anh bạn Ngô Thế Khải, cũng sinh ra và lớn lên ngay trong lòng phố cổ Hà Nội (nhà ở phố Hàng Ngang), nhưng lại trưởng thành ở phương Nam. Có lẽ xin trích một phần cảm nghĩ rất xúc động của bà Nguyễn Thị Xuân Mai, người cùng nhóm bạn phố cổ, công tác nhiều năm ở TP Hồ Chí Minh, viết về Ngô Thế Khải:

"Sau hơn 40 năm (kể từ năm 1965), tôi đã gặp lại người bạn cũ từng học chung một lớp: Lớp 7B Trường Nguyễn Huệ - Hà Nội (nay là Trường Nguyễn Du) - Đó là Ngô Thế Khải. Ngay từ khi còn học chung một lớp, tôi đã ngưỡng mộ bạn ấy, bởi bạn là một học sinh thông minh, học giỏi, đặc biệt giỏi về môn toán. Tôi vẫn còn nhớ những buổi học, thầy bận không lên lớp được, bạn là người được thầy giao cho nhiệm vụ giúp chúng tôi giải và sửa những bài tập toán khó. Chúng tôi quý bạn ở điểm bạn rất nhiệt tình, giản dị, vui vẻ và không một chút kiêu căng, vẫn giỡn đùa, vẫn nghịch ngợm như tất cả các bạn trai khác trong lớp, nhưng với môn toán thì hết chê.

Rồi chiến tranh bùng nổ - Mỹ ném bom miền Bắc, chúng tôi không kịp chia tay nhau, mỗi đứa mỗi nơi khắp mọi nẻo đường và suốt hơn 40 năm đó chúng tôi không gặp nhau. Chỉ sau này khi gặp lại (năm 2012), tôi mới biết: Sau khi tốt nghiệp THPT (hồi đó gọi là lớp 10 phổ thông), anh được Nhà nước cho đi học ở Nga (Liên Xô cũ) về ngành thủy văn hàng hải. Sau khi về nước làm việc tại Bộ Thủy lợi - Hà Nội, rồi chuyển công tác vào TP Hồ Chí Minh. Anh đã từng tham gia đóng góp công sức vào nhiều công trình thủy lợi ở Đồng bằng sông Cửu Long và các chương trình kêu gọi, hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào thành phố mang tên Bác. Hiện nay anh là Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vietcombank - Bonday - Bến Thành. Một Tổng Giám đốc kinh doanh giỏi, đầy kinh nghiệm, luôn biết chia sẻ và quan tâm đến đời sống tinh thần và vật chất của cán bộ nhân viên trong công ty…".

Điều thú vị là Kim Anh (vợ của Khải) cũng là dân phố cổ. Họ gặp nhau ở nước ngoài (Kim Anh tu nghiệp tại Đức) rồi trở thành bạn đời của nhau. Hai anh chị đều có nhiều năm hết lòng cống hiến tuổi trẻ và tri thức cho công cuộc xây dựng, đổi mới ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Tuy xa quê hương, xa khu phố cổ Hà Nội, nhưng có dịp là cả hai vợ chồng Ngô Thế Khải - Kim Anh lại cùng nhau trở về nơi chôn nhau cắt rốn, gặp lại bạn bè, tìm lại những kỷ niệm xưa.

Trở lại với hồi ức của Nguyễn Thị Xuân Mai, chợt nhận ra, người phố cổ rất tinh tế khi kết nối ký ức và hiện tại: "Một lần anh chị (vợ chồng Khải) mời tôi ăn sáng tại quán phở Thìn ở 170 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3. Anh cho biết, dù có đi đến đâu, trong nước hay ở nước ngoài, anh chị vẫn không thể quên được món ăn "quốc hồn quốc túy" này. Cô chủ hàng phở chẳng phải ai xa lạ, đó chính là cô Thanh Mai con ông Phở Thìn nổi tiếng Hà Nội xưa nay. Đon đả chào khách, chu đáo, lịch sự, ân cần… mời khách vẫn là nét đẹp của người Hà Nội ở phương Nam. Chị tâm sự, nhà có 9 anh chị em thì có tới 6 người theo nghề của cha. Hiện nay ngoài Bắc có 5 quán phở Thìn, ở phương Nam chỉ có một quán duy nhất mang tên "Khu phố nhỏ" của tôi. Cách bài trí cũng rất Hà Nội, đặc biệt là những bức tranh về phố cổ, luôn làm vừa lòng khách xa quê. Mở hàng phở trong Nam tuy thời tiết hơi nóng, nhưng được cái nhà hàng rộng rãi, thoáng mát, bàn ghế sạch sẽ, lịch sự… cũng thu hút khá đông thực khách, nhưng cái chính vẫn là hương vị và chất lượng phở, đó mới chính là bí quyết của phở Thìn chúng tôi".

Nói đến ẩm thực Hà Nội, không thể quên được người bạn cùng khu phố cổ, hiện cũng đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh, đó là cô bạn Kim Sơn. Nhà Sơn trước ở ngay cạnh cửa Ô Quan Chưởng (ngõ Thanh Hà), nhưng theo yêu cầu công tác, Sơn đã vào TP Hồ Chí Minh hơn 30 năm nay và hiện làm Kế toán trưởng của Công ty Nhựa Bình Minh. Xa Hà Nội đã lâu nhưng Sơn không bao giờ quên được cách làm và chế biến các món ăn truyền thống, đặc sản quê hương. Đã hơn 30 năm đón xuân, ăn tết ở phương Nam, nhưng các món bánh chưng, xôi vò, giò thủ, canh măng lưỡi lợn, bóng xào su hào, súp lơ… mà người Hà Nội thường dùng trong những ngày tết, vẫn được Sơn chế biến ngay tại nhà để mừng xuân, đãi khách. Và dĩ nhiên chúng tôi cũng luôn được Sơn mời thưởng thức các món ăn đặc sản phố cổ. Phải chăng luôn giữ thói quen ăn uống như người Hà Nội, cũng là niềm vui, nỗi nhớ về phố cổ của Sơn nói riêng và của người Hà Nội ở phương Nam nói chung?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giữ hồn phố cổ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.