Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tranh sơn ta - Tinh hoa của nghệ thuật Việt Nam

Trường Giang| 07/04/2013 06:46

(HNM) - Nghề sơn truyền thống của người Việt đã có lịch sử lâu đời. Thời Lê trong cuốn

Nghề khảm ở làng Chuôn, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên. Ảnh: Thái Hiền


Mỗi phường thợ lại sáng tạo, phát triển ra nhiều kỹ thuật độc đáo và giữ thành bí quyết riêng. Ví dụ như: Sơn then Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh); Đồ nét và cuống ghép nứa Cát Đằng (Nam Định); Hàng tráp quả chợ Bằng (Hà Đông, Hà Nội); Hàng chúng khảo chợ Dầu (Nam Định); Đồ khảm làng Chuôn, làng Tre (Phú Xuyên, Hà Nội); Nghề dát vàng bạc Kiêu Kỵ (Gia Lâm, Hà Nội); Bột son thần (Hàng Gai, Hà Nội)…
Nguyên liệu chính của nghề sơn chính là sơn ta (tiếng trong giới chuyên môn thường gọi để phân biệt với nhiều loại sơn khác). Sơn ta được lấy từ nhựa cây sơn trồng chủ yếu ở vùng Trung du Bắc bộ (Yên Bái, Phú Thọ…). Không chỉ có ở Việt Nam, cây sơn có nhiều giống, được trồng ở một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Campuchia, Lào, Thái Lan… Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia nước ngoài, giống cây sơn của Việt Nam là một trong những loại cho nhựa có chất lượng tốt nhất. Nhựa cây sơn ta là một chất lỏng quánh, có màu trắng ngà như sữa, có mùi chua nhẹ. Sơn ta có độ dính cao, làm keo gắn rất chắc. Sơn khô rồi rất bền, không thấm nước, không bị mối mọt, chịu được axít và nước biển, chịu nóng cao. Sơn ta tuy cứng nhưng lại có độ dẻo, đàn hồi hòa hợp với cốt gỗ. Khi bị tác động vẫn bám chắc, không bong tróc, rạn vỡ. Mặt sơn dễ mài phẳng, có độ trong, bóng cao giúp tôn màu sắc trở nên rực rỡ, sâu thẳm và bền màu. Đấy chính là những ưu việt của sơn ta. Cùng với nghề sơn truyền thống, sơn ta đã góp phần tô điểm cho cuộc sống bằng những tác phẩm phù điêu, điêu khắc, đồ chạm, sơn son thiếp vàng ở những nơi trang nghiêm như cung điện, đền đài, chùa, miếu… cho đến những vật dụng hằng ngày như hộp, tráp, cơi trầu, bàn ghế…

Năm 1930 đã đánh dấu một mốc quan trọng trong lịch sử nghề sơn truyền thống khi Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương chính thức mở xưởng nghiên cứu sơn ta. Từ đó, sơn ta có điều kiện ứng dụng trong hội họa, cụ thể là kỹ thuật mài ra hình sau khi làm những lớp màu chìm.

Và thế là nghệ thuật tranh sơn mài ra đời sau những tìm tòi của các bậc tiền bối như họa sĩ Trần Văn Cẩn, Trần Quang Trân, Nguyễn Khang, Phạm Hậu, Lê Phổ, Nguyễn Gia Trí… Những tác phẩm tuyệt đẹp sử dụng chất liệu sơn mài có thể xem như bằng chứng đầu tiên khẳng định đẳng cấp hội họa đích thực của thể loại này là của Trần Quang Trân - tác phẩm "Bờ ao" (Bình phong 6 tấm), Lê Phổ - Phong cảnh Bắc Kỳ và Nguyễn Gia Trí - người có khối lượng tranh lớn và thành công nhất.

Sơn mài sơn ta truyền thống sử dụng cùng với son thần, vỏ trai, vỏ trứng, vàng bạc thật và nhiều màu, chất liệu khác tạo vẻ đẹp lung linh, huyền ảo cho các tác phẩm hội họa mà không chất liệu nào sánh được. Nó hoàn toàn khác hẳn các dòng sơn của Nhật Bản, Trung Quốc, Lào, Thái Lan chỉ sử dụng trong sản xuất đồ thủ công, mỹ nghệ.

Tinh hoa vốn quý của dân tộc là vậy, nhưng cho đến nay sơn ta có chiều hướng mai một khi người ta sử dụng sơn công nghiệp, sơn điều để thay thế do chạy theo lợi nhuận và "ngại" làm. Tại sao nói vậy, vì sơn ta thực sự khó dùng. Mặt khác, một số nước xung quanh đánh giá chất lượng cao của sơn ta nên thu mua nhiều, đẩy giá sơn lên cao. Điều này có thể nhận thấy khi dạo qua các Galery ở Việt Nam. Hầu hết không còn thấy tranh sơn ta. Điều đó chính là sự day dứt của một số người tâm huyết với nghệ thuật tranh sơn ta mà điển hình là họa sĩ Phùng Dzi Thuần. Ông là học trò của Giáo sư, họa sĩ Phạm Hậu, Trần Quang Trân, Nguyễn Ưng Sao và nghệ nhân Đinh Văn Thành. Là một trong số ít người dành trọn cuộc đời cho sự đam mê nghệ thuật tranh sơn ta, năm nay đã cận kề tuổi 80, họa sĩ Phùng Dzi Thuần cho biết: "Trong khi người Pháp (các GS Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương) cũng như nhiều nhà sưu tập trên thế giới đánh giá rất cao ngôn ngữ hội họa được thể hiện rất thành công bởi chất liệu tranh sơn ta và kỹ thuật luyện chế thành sơn chín (cánh dán, sơn then) được xem như bí quyết thì hiện nay, chúng ta lại đang lãng quên dần, thậm chí làm biến tướng một cách vô ý thức. Công chúng yêu nghệ thuật dần không được thưởng thức vẻ đẹp khác biệt của nghệ thuật tranh sơn ta với các chất liệu khác". Cũng vì lẽ đó mà họa sĩ Phùng Dzi Thuần luôn tận dụng thời gian để tìm tòi, sáng tác đồng thời khích lệ các thế hệ trẻ gìn giữ và phát triển nghệ thuật tranh sơn ta. Ông còn cho rằng, muốn bảo toàn được nghệ thuật tranh sơn ta thì phải làm cho công chúng yêu nghệ thuật phân biệt được tranh sơn ta và tranh sơn công nghiệp như hàng thật với hàng giả. Hiểu được cái đẹp cao quý rất riêng của tranh sơn ta, họ sẽ đến với loại hình này và trân trọng thưởng thức nó… Thời gian tới, ngày 9-4-2013 họa sĩ Phùng Dzi Thuần sẽ tổ chức triển lãm cá nhân chuyên đề về tranh sơn ta với mong muốn trình làng công chúng yêu nghệ thuật vẻ đẹp đích thực của tranh sơn ta. Số lượng tranh bày triển lãm lần này chỉ là một phần nhỏ trong khối lượng lớn đang trưng bày tại nhà riêng và Galery của các con ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tranh sơn ta - Tinh hoa của nghệ thuật Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.