Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đàn Xã Tắc, cây cầu vượt và văn hóa tranh luận

Minh Dân| 25/04/2013 05:55

(HNM) - Từ mấy tuần qua, khi thành phố Hà Nội triển khai những phần còn lại của dự án đường Vành đai I, đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, vấn đề đặt ra là cần phải làm cây cầu vượt để tránh ùn tắc giao thông.

Nhưng làm cầu vượt thì lại gặp phải bài toán nan giải. Kết hợp giữa bảo tồn và phát triển ra sao khi cây cầu vượt tương lai, dù làm theo hướng tuyến Kim Liên - Ô Chợ Dừa hay Nguyễn Lương Bằng - Hà Đông thì cũng phải băng qua vùng đất ẩn chứa di tích đàn Xã Tắc dưới lòng đất?

Xây cầu vượt sẽ giải quyết tình trạng xung đột giao thông tại khu vực Ô Chợ Dừa.
Ảnh: Bá Hoạt


Đến hôm nay, phương án lựa chọn xây dựng cây cầu còn chưa được phê duyệt. Mà nghe nói có tới 12-13 phương án. Nghĩa là những người có trách nhiệm đối với dự án xây cầu, đặc biệt là lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng đang rất cân nhắc để tìm kiếm phương án tối ưu. Trong khi đó thì các chiều hướng bình luận dọc ngang của báo chí, của dư luận đã vô cùng sôi động. Có tiếng nói cân nhắc với hàm lượng chuyên môn cao về văn hóa, lịch sử, kỹ thuật. Có tiếng nói xuất phát từ mối quan tâm đầy tinh thần xây dựng, từ thực tiễn chứ không phải chỉ nhằm luận bàn chuyện viển vông, duy ý chí. Và cũng có không ít lời bàn với tâm trạng bức xúc đầy cảm tính, khi vụ việc chưa rõ đầu đuôi đã rầm rầm phê phán, như là một quyết định sai lầm nghiêm trọng nào đó đã được đưa ra. Lại còn có ý kiến luận bàn nhưng thiếu thông tin, không hiểu biết chuyên môn, phải mượn yếu tố tâm linh để hù dọa: "cứ đụng vào là chết tươi", chẳng khác nào đem ma ra dọa trẻ con. Thật là một thứ lý lẽ tranh luận "cùn" hết chỗ nói!

Thiết nghĩ, đã là việc khó, lại là chuyện liên quan trực tiếp đến văn hóa, thì khi bàn cũng phải có văn hóa. Văn hóa bàn luận, làm cho rõ phải trái, đúng sai, cái cần nhất là lắng nghe người khác. Đừng thấy ai khác ý là đùng đùng quy kết. Vì trong nhiều phương án, nhiều ý kiến, chắc gì ý kiến đúng đã thuộc về mình. Và xử lý những vấn đề liên quan đến văn hóa, di chỉ, di tích nào cũng phải đặt trong những bối cảnh, những mối quan hệ hết sức cụ thể, chứ tuyệt đối không luận bàn một cách chung chung. Vì ngay khái niệm văn hóa cũng có hàng trăm định nghĩa. Nhà văn hóa nói văn hóa vô cùng quan trọng! Rất đúng. Nhà kinh tế nói kinh tế rất quan trọng! Cũng đúng! Còn ý kiến nhân dân? Xin đừng nghĩ họ là những người "vô sư, vô sách". Nhân dân nói cái gì có lợi cho nhân dân thì cái đó là quan trọng, được nhân dân đồng tình. Liệu có được nhân dân đồng tình, khi cứ nhân danh tầm quan trọng của cái này để bác bỏ tuyệt đối cái kia; nhân danh quá khứ để phá bỏ cái hiện tại, hoặc nhân danh hiện tại để phủ định sạch trơn quá khứ (Phủ định biện chứng thì hoàn toàn có thể). Quan điểm đúng đắn là bảo vệ, là kế thừa và phát huy tối đa khi có thể đối với cả hai, cả di sản của quá khứ và của hiện tại. Khi buộc phải lựa chọn một trong hai thì phải ưu tiên cho cái đem lại lợi ích nhiều hơn, thiết thân hơn đối với đời sống của nhân dân, quan trọng hơn đối với hiện tại và tương lai của sự phát triển. Còn nói chung, thường là phải tìm phương án kết hợp, bảo tồn đi đôi với phát triển. Kinh tế kết hợp với văn hóa và ngược lại. Đó là nguyên tắc, không chỉ phù hợp với tinh thần ứng xử nói chung đối với việc thực hiện các dự án, các công trình, nhất là tại một địa bàn dày đặc các di tích lịch sử, văn hóa ở Thủ đô Hà Nội.

Nói về việc cụ thể, phần dưới lòng đất của đảo giao thông, nơi hiện nay được coi là di tích đàn Xã Tắc. Nói chính xác hơn, là hố khai quật khảo cổ, phát hiện được những dấu tích liên quan đến khu vực đàn Xã Tắc (vì thế mà cả vùng đất rộng lớn nơi đây được gọi là Xã Đàn). Phần phát lộ khảo cổ năm 2007 chưa tìm thấy vị trí đàn Xã Tắc. Và cho đến hôm nay, sau gần 7 năm, chưa có nhà khảo cổ, nhà sử học, nhà văn hóa nào tìm được tư liệu để có thể chỉ ra được chính xác vị trí đàn Xã Tắc nằm ở nơi nào dưới lòng đất khu vực Xã Đàn. Vậy, nếu muốn bảo vệ đàn Xã Tắc thì chúng ta bảo vệ thế nào?

Trở lại nguyên trạng trước khi các nhà khảo cổ phát lộ ra các dấu vết có liên quan đến vùng đất xưa đã từng có đàn Xã Tắc, thì mọi người hẳn còn nhớ rõ. Phía bên trên hố khai quật mà bây giờ tạm lấp cát, trồng cỏ, làm thành đảo giao thông, vốn là nơi người dân làm nhà sinh sống bình thường từ bao đời trên mảnh đất thiêng cha ông để lại. Vả lại, có cha ông nào nỡ "hành" con cháu khi nhu cầu ăn, ở, xây dựng, phát triển là quy luật, là thuận thiên? Có ai lại cực đoan, nhất nhất bất cứ cái gì của quá khứ cũng đòi bảo tồn và bảo tồn nguyên trạng, cản trở hoặc bỏ qua đòi hỏi rất bức bách của phát triển thì thật là phiến diện và phi thực tế. Nếu cực đoan tới mức ấy thì, như có người nói, "Tất cả chúng ta hãy trở về hang động của thời đại đồ đá".

Bảo tồn và phát triển là hai mặt thống nhất của vấn đề. Bảo tồn có chọn lọc, có hình thức và phương pháp phù hợp, tương xứng với giá trị và điều kiện cần và có thể bảo tồn.

Phát triển cũng là để con người, loài người sẽ có thêm nhiều yếu tố giá trị mới để bảo tồn về sau, để làm phong phú thêm đối tượng bảo tồn. Không bao giờ có thứ "bảo tồn" nguyên trạng tất tần tật mọi thứ, mọi lúc, mọi nơi. Cũng như không thể có thứ "phát triển" nào mà không nhìn sau trông trước. Phát triển phải đem lại lợi ích cho con người, cho mai sau thì mới xứng đáng được thừa nhận là phát triển. Và cái "phát triển" mới ra đời hôm nay lại sẽ là cái được mai sau đánh giá để "bảo tồn". Quy luật của cuộc sống vốn là như thế.

Cũng cần phải chính xác hóa một thông tin: Phần dưới lòng đất đảo giao thông bây giờ là những dấu tích có liên quan đến đàn Xã Tắc, chứ các nhà khảo cổ chưa tìm thấy đàn Xã Tắc. Kể cả cho đến hôm nay, chưa có ai chỉ ra được trên bản đồ khảo cổ Thủ đô, đàn Xã Tắc hiện giờ đang ở nơi nào? Thế nhưng, không ít người hiện đang nhầm lẫn nơi sắp làm cầu vượt, là sẽ "vượt trên đầu đàn Xã Tắc"; thậm chí còn nói rất gây xúc động lòng người, rằng: "Con cháu dám trèo cả lên đầu tổ tiên"?!

Vào thời điểm hố khai quật khảo cổ còn chưa lấp cát, không ít người đã trực tiếp nhìn thấy những gì dưới lòng đất sau khi phát lộ. Có không ít ý kiến hoài nghi, không lẽ dấu tích được gọi là đàn Xã Tắc của một vương triều phong kiến vào giai đoạn khá hưng thịnh, nhà Lý, là nơi hằng năm nhà vua tế lễ, lại quá ư đơn giản, bình dân đến mức thế sao? Con đường được các nhà khảo cổ cho là dẫn tới đàn tế, vừa chật hẹp về chiều ngang, lại chỉ được lát bởi một loại gạch rất bình thường, viên lành, viên vỡ. Nếu các nhà khảo cổ cung cấp đầy đủ các tư liệu, các bức ảnh chụp khi đó thì mọi người sẽ có thể chia sẻ với những hoài nghi rất có căn cứ này. Không lẽ mỗi lần nhà vua và quần thần ra tế, không gian tế lễ của một vương triều vốn được coi là nghiêm trang bậc nhất mà lại chật hẹp, sơ sài, đơn giản vậy sao? Nghĩa là những gì được phát lộ vào năm 2007 cũng còn nhiều điều phải bàn luận, thẩm định, làm sáng tỏ thêm.

Với những người nói về tâm linh, tại sao chúng ta không nghĩ, tổ tiên, ông cha không mong gì hơn là con cháu đời sau được mọi bề tốt đẹp. Lẽ nào tổ tiên, ông cha ta lại đành lòng (hoặc mong cho) sự ùn tắc, tai nạn giao thông xảy ra ngay trước mắt mình? Chúng ta nhớ lại, khi tranh luận về việc nên hay không nên làm cáp treo Yên Tử, cũng đã có không ít người phản đối. Có ý kiến cũng không khác gì hôm nay: "Nếu làm cáp treo như vậy thì chúng ta sẽ ngồi trên đầu ông cha". Và khi ấy cũng có những ý kiến đem yếu tố tâm linh ra hù dọa mọi người. Cũng rất ồn ào, sôi động, có lẽ còn hơn cả cuộc thảo luận đang diễn ra hôm nay. May sao, vào thời điểm đó, lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thông tin đã đồng ý cho làm cáp treo Yên Tử, với những yêu cầu điều chỉnh hợp lý, hạn chế đến mức thấp nhất sự xâm hại đối với cảnh quan và di tích.

Từ khi cáp treo Yên Tử, và sau đó là ở chùa Hương được đưa vào khai thác sử dụng, nhờ đó mà mỗi năm có thêm hàng triệu người, dù là tuổi cao sức yếu cũng có thể tới được non cao Yên Tử để viếng Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông và thăm viếng động Hương Tích. Đó là những minh chứng đầy tính thuyết phục về sự kết hợp bảo tồn với phát triển.

Tại di tích 18 Hoàng Diệu, một di sản văn hóa vô cùng quan trọng, gắn với bề dày lịch sử Thăng Long - Hà Nội, trước khi phát lộ, mấy trăm hộ gia đình vẫn sống trên vùng đất thiêng liêng ấy bình yên. Lẽ nào ông cha không phù hộ cho cháu con. Nếu được "xin ý kiến", chắc tổ tiên của chúng ta sẽ cả cười mà rằng: "Các con cứ yên tâm, chớ nghe những lời can ngăn cổ hủ, chúng ta sẽ hết lòng phù hộ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô. Hãy cố gắng làm cho dân tình thuận lợi, đỡ khổ!". Sao chúng ta lại không thể tin vào điều đó?

Trong bầu không khí trao đổi, thảo luận đa chiều, những tiếng nói gợi mở mang tính xây dựng để giải bài toán khó sẽ giúp thêm cho thành phố tìm được phương án tối ưu. Đấy là những tiếng nói để "vun vào", tiếng nói tự đặt mình là người trong cuộc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đàn Xã Tắc, cây cầu vượt và văn hóa tranh luận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.