Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội cần khoảng 6.000 tỷ đồng để “cứu” di tích xuống cấp

T.Hoa| 24/05/2013 16:45

(HNMO)- Hà Nội đang có 5175 di tích lịch sử văn hoá, đồng thời cũng có khoảng 600 di tích đang xuống cấp nghiêm trọng.

Dự án tu bổ, tôn tạo chùa Một Cột-Diên Hựu sẽ hoàn thành trước ngày 30-6 tới


Sáng 24-5, tại Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Nội đã diễn ra cuộc họp giao ban 5 tháng đầu năm 2013 giữa lãnh đạo sở, ban quản lý di tích danh thắng (QLDTDT) với lãnh đạo các phòng văn hoá thông tin, Ban QLDT tại quận, huyện, thị xã.

Ông Nguyễn Doãn Tuân, Trưởng ban QLDTDT đã thông báo về một số vấn đề được dư luận quan tâm trong thời gian gần đây liên quan đến công tác bảo tồn di sản như đàn Xã Tắc, làng cổ Đường Lâm, chùa Diên Hựu… Đặc biệt, ngay từ thời điểm một số hộ dân tại khu vực tích làng cổ Đường Lâm làm đơn xin trả lại danh hiệu di tích quốc gia, Sở đã mời đại diện Cục Di sản văn hoá về làm việc với UBND thị xã Sơn Tây, Ban QLDT làng cổ, kiểm tra thực tế tại khu di tích.

Liên quan đến việc này, ngày 21-5, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị đã trực tiếp về kiểm tra, làm việc tại thị xã Sơn Tây và đã có những ý kiến chỉ đạo giải quyết, giao UBND TP chỉ đạo các đơn vị khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp mang tính tổng hợp, khoa học nhằm tháo gỡ bức xúc cho người dân trong khu làng cổ trong thời gian sớm nhất.

Một số kết quả cụ thể trong công tác quản lý di tích các quận, huyện, thị xã là hiện toàn thành phố có 2209 di tích đã xếp hạng trong tổng số 5175 di tích (chiếm 42,65%). Trong đó có 3 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt; 1164 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 1045 di tích cấp thành phố.

Về tiến độ lập hồ sơ 7 di tích quốc gia đặc biệt đã triển khai từ tháng 4-2013 đến nay, dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 10-6 tới và họp thông qua hồ sơ trong tháng 6. Riêng hồ sơ của di tích chùa Hương do có địa hình nhiều núi phức tạp, diện tích rộng nên tiến độ đo đạc bản đồ không kịp, phải giãn tiến độ. Di tích làng cổ ở Đường Lâm đã hoàn thành đúng tiến độ, sẽ được báo cáo UBND TP để xin lịch tổ chức họp thông qua hồ sơ.

Cũng theo ông Tuân, nhìn chung các địa phương đã có tích cực trong việc quản lý, bảo tồn đồ thờ tự, nhưng kết quả còn chưa tương xứng. Nhiều di tích vẫn còn hiện trượng bày nhiều hiện vật sai với nội dung, tính chất của di tích. Việc công đức các hiện vật không phù hợp với di tích như đèn đá kiểu Nhật Bản, sư tử đá kiểu Trung Quốc hoặc việc dựng bia công đức tuỳ tiện trong khuôn viên di tích cũng gây mất mĩ quan, phản cảm…

Theo thống kê từ năm 2012, Hà Nội có khoảng 600 di tích xuống cấp nghiêm trọng, cần trùng tu gấp với chi phí ước tính lên tới 600 tỷ đồng, trong đó phải trông chờ nhiều vào từ nguồn xã hội hoá. Đây cũng là một trong những vấn đề nhận được nhiều ý kiến bàn thảo, đóng góp tại cuộc họp.

Ông Vũ Hoài Phương, Trưởng phòng VHTT quận Tây Hồ cho biết, nguồn ngân sách nhà nước cấp cho công tác quản lý, tu bổ các di tích hiện rất khó khăn, nhất là với các di tích được phân cấp cho địa phương quản lý. Riêng tại quận Tây Hồ, hiện có 80% di tích đã được xã hội hoá. Kể từ khi thành lập quận (năm 1996) đến nay, đã thu hút được 800 tỷ cho việc tôn tạo, trùng tu và quản lý các di tích.

Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở VHTT&DL cũng nêu bật tinh thần khuyến khích các quận huyện chủ động sáng tạo, thúc đẩy xã hội hoá để đẩy nhanh công tác xếp hạng di tích, phục vụ tốt hơn nữa trong công tác quản lý, tu bổ và tôn tạo.

Trong khi chưa có quy chế quản lý, tiếp nhận đồ thờ tự, Sở đề nghị BQLDT các địa phương cần thận trọng trong việc tiếp nhận những hiện vật không phù hợp, đồng thời tiến hành thống kê, tổ chức giám định cổ vật, đồ thờ để lập hồ sơ khoa học các di vật, đồ thờ có trong di tích.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội cần khoảng 6.000 tỷ đồng để “cứu” di tích xuống cấp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.