Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội phấn đấu là địa phương điển hình về lối sống văn hóa

Võ Lâm| 30/05/2013 05:37

(HNM) - Ngày 29-5, Ủy viên BCT, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã chủ trì Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 5 (khóa VIII) về



Kết quả thực hiện Nghị quyết giúp Hà Nội khẳng định vai trò là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa những giá trị văn hóa cao quý của dân tộc. Tuy nhiên, thành phố xác định còn nhiều việc phải làm để xứng tầm với bề dày lịch sử nghìn năm văn hiến của Thăng Long - Hà Nội.

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị trao Bằng khen cho các tập thể xuất sắc. Ảnh: Bá Hoạt


Nỗ lực bảo tồn và phát triển

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 5 (khóa VIII), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã nỗ lực đưa sự nghiệp văn hóa phát triển mạnh mẽ từ việc xây dựng cơ sở vật chất đến các sản phẩm văn hóa. Việc hợp nhất TP Hà Nội với tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) cùng 4 xã thuộc tỉnh Hòa Bình theo Nghị quyết của Quốc hội càng làm phong phú hơn thành quả thực hiện Nghị quyết. Kết quả thực hiện Nghị quyết TƯ 5, nhất là từ sau ngày 1-8-2008 đến nay có nhiều điểm nổi bật. Việc xây dựng con người và môi trường văn hóa luôn được chú trọng, tạo chuyển biến rõ rệt. Nổi bật là, ngành giáo dục - đào tạo Hà Nội đã biên soạn, đưa vào giảng dạy đại trà bộ tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch - văn minh cho học sinh Hà Nội".

Hà Nội luôn đi đầu cả nước trong thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Nhiều mô hình như: Gia đình văn hóa, làng văn hóa, tổ dân phố, đơn vị văn hóa… đã phát huy hiệu quả, nhân lên trong cộng đồng những nét đẹp văn hóa. Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội được quan tâm chỉ đạo, tạo chuyển biến tích cực. Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU của BTV Thành ủy, đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô đã nghiêm túc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới theo tinh thần "Vui tươi - Lành mạnh - Tiết kiệm". Phong trào văn hóa, văn nghệ được tổ chức sôi nổi, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, tạo môi trường văn hóa lành mạnh... Công tác quản lý nhà nước về văn hóa, nhất là về lĩnh vực văn học, nghệ thuật, bảo tồn và phát huy các giá trị, di sản văn hóa đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nhiều công trình văn hóa được xây dựng, gắn với tu bổ, tôn tạo và nâng cấp, như: Tứ trấn Thăng Long, Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Cổ Loa, Hoàng thành Thăng Long… Nhiều tư liệu, hiện vật quý được sưu tầm, phát hiện, đưa vào khai thác, phục vụ nhân dân, góp phần làm rạng rỡ truyền thống Thủ đô nghìn năm văn hiến…

Thành phố xây dựng, hoàn thiện thể chế và chính sách văn hóa, ban hành Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Hàng nghìn tỷ đồng đã được thành phố đầu tư nâng cấp, xây mới các thiết chế văn hóa quan trọng, như: Bảo tàng Hà Nội; Thư viện Hà Nội; các nhà hát Đại Nam, Kịch Hà Nội, Kim Đồng, Ca - Múa - Nhạc Thăng Long, Cải lương, Rối Thăng Long, Xiếc Hà Nội; Công viên Hòa Bình... đáp ứng ngày càng cao nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân, phục vụ sự nghiệp phát triển văn hóa Thủ đô trước mắt và lâu dài. Nhiều công trình văn hóa đồ sộ, có giá trị lớn đã được hoàn thành, như: Tủ sách "Thăng Long ngàn năm văn hiến"; "Tổng tập 1000 năm văn hiến Thăng Long"; sách "Cẩm nang tri thức 1000 năm văn hiến"... Đặc biệt, thành phố đã tổ chức thành công Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao.

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 5, Thủ đô tiếp tục xứng đáng là trung tâm văn hóa hàng đầu của cả nước, là nơi hội tụ, kết tinh, lan tỏa những giá trị cao quý nhất của dân tộc. Đây cũng là ý kiến đánh giá của Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo TƯ, Phó Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết TƯ 5 Vũ Ngọc Hoàng tại hội nghị; khẳng định sự nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô trong thời gian qua.

Giải quyết những yêu cầu đang đặt ra

Nghiêm túc nhìn nhận hạn chế, Ban Thường vụ Thành ủy nêu rõ: Sự phát triển của văn hóa Thủ đô chưa tương xứng với tiềm năng và vai trò trung tâm văn hóa lớn của cả nước. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" chưa đồng đều ở các nội dung; có địa phương còn chạy theo thành tích. Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội nhiều nơi thực hiện chưa nghiêm. Sự sa sút trong nét đẹp văn hóa ứng xử của một bộ phận người dân Thủ đô là một vấn đề bức xúc, đáng lo ngại. Nét đẹp "Thanh lịch của người Tràng An" đang dần bị lối sống ảnh hưởng văn hóa ngoại lai, thực dụng lấn át. Tình trạng coi nhẹ các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp; tệ nghiện hút, mê tín dị đoan… đang tác động tiêu cực đến đạo đức, nhân cách của không ít người, đặc biệt là thế hệ trẻ. Trong khi đó, công tác quản lý trên nhiều lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu.

Đây là những vấn đề trọng tâm được đặt ra nhằm khắc phục trong quá trình thực hiện nghị quyết trong thời gian tới. Thành phố xác định, tiếp tục xây dựng văn hóa Hà Nội xứng tầm vị thế Thủ đô của cả nước, phấn đấu trở thành địa phương tiêu biểu về lối sống và phong cách ứng xử văn hóa. Thời gian tới, thành phố phấn đấu tạo bước chuyển biến trong xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa lành mạnh. Toàn thành phố tập trung xây dựng nếp sống văn minh và môi trường văn hóa phong phú, lành mạnh; phát triển đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa; giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội. Bên cạnh đó, thành phố đẩy mạnh công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy mạnh mẽ các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tiếp cận có chọn lọc các tinh hoa văn hóa nhân loại; coi đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người, cho sự phát triển bền vững.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhấn mạnh: Thăng Long - Hà Nội là nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng tinh hoa văn hóa của đất nước. Vì vậy, toàn thể nhân dân, các cấp, ngành cần tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, xây dựng văn hóa Thủ đô thực sự tiêu biểu cho nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo nền tảng tinh thần vững chắc cho sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH Thủ đô (Hànộimới trích đăng bài phát biểu của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị trong số báo này).

Trích phát biểu của Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị tại Hội nghị:

Xây dựng văn hóa Thủ đô thực sự tiêu biểu cho nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (*)

… Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; thể hiện tầm cao, chiều sâu trí tuệ và trình độ phát triển; đồng thời, văn hóa cũng thể hiện bản sắc, truyền thống và sức mạnh của dân tộc. Do vậy, những giá trị của văn hóa có sức sống vô cùng bền vững và lan tỏa, làm nên sự trường tồn của mỗi quốc gia, dân tộc. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết TƯ 5 (khóa VIII), đề nghị các cấp, các ngành, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố tiếp tục lãnh đạo thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết, đồng thời, tập trung thực hiện một số nội dung chủ yếu sau:

- Tiếp tục nâng cao nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của MTTQ và các đoàn thể nhân dân trên mặt trận văn hóa. Cần quan tâm giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, văn hóa với kinh tế; giữa hội nhập, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; bảo tồn, phát huy văn hóa Thăng Long với văn hóa các vùng, miền của Thủ đô và cả nước; rút ngắn khoảng cách về phát triển văn hóa giữa khu vực nông thôn và thành thị…

- Tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước trên các lĩnh vực văn hóa, nhất là trong quản lý hoạt động dịch vụ văn hóa, quản lý biểu diễn nghệ thuật, quản lý di tích, lễ hội, quản lý hệ thống thông tin đại chúng… nhằm khắc phục những yếu kém hiện nay. Đặc biệt quan tâm tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác quản lý văn hóa ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu phân cấp quản lý văn hóa cho phòng văn hóa thông tin các quận, huyện, thị xã.

- Thực hiện các biện pháp thích hợp, đưa phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", xây dựng nếp sống văn minh đi vào chiều sâu, để văn hóa thực sự thấm sâu vào mọi khía cạnh đời sống của người Hà Nội, để mỗi người dân Thủ đô hiểu được vai trò, trách nhiệm của mình và tầm quan trọng của việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trong sự nghiệp chung xây dựng văn hóa Thủ đô.

- Trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phải lấy nền tảng gia đình là hạt nhân để giáo dục truyền thống, đạo đức, lối sống cho mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ. Cần quan tâm giáo dục cho con em chúng ta về lối sống, nếp sống từ trong gia đình, nhà trường đến ngoài xã hội; xây dựng những chuẩn mực văn hóa ứng xử, giao tiếp, văn hóa tham gia giao thông, văn hóa giữ gìn vệ sinh môi trường… Ngành văn hóa cần sớm xây dựng, triển khai Đề án "Xây dựng hệ thống quy tắc văn hóa ứng xử trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư".

- Tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật, tạo ra những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thiết thực phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước. Đầu tư có chiều sâu cho các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp; khuyến khích phát triển hoạt động văn nghệ quần chúng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân Thủ đô. Tăng cường đầu tư và sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa trên địa bàn.

- Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển văn hóa với phát triển du lịch, góp phần quảng bá những nét đẹp văn hóa, nâng cao vị thế của Thủ đô trong khu vực và trên thế giới, tích cực đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, phát triển thành phố. Mở rộng các hình thức giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa. Đồng thời, không ngừng nâng cao cảnh giác, chủ động đấu tranh có hiệu quả chống lại các âm mưu "diễn biến hòa bình" trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa của các thế lực thù địch.

Thăng Long - Hà Nội là nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng tinh hoa văn hóa của đất nước. Nói đến văn hóa Thăng Long - Hà Nội là nói đến đỉnh cao của trí tuệ, đỉnh cao của chủ nghĩa nhân văn Việt Nam. Vì lẽ đó, tôi mong muốn toàn thể nhân dân Thủ đô, tất cả các cấp, các ngành tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, xây dựng văn hóa Thủ đô thực sự tiêu biểu cho nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo nền tảng tinh thần vững chắc cho sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế của Thủ đô và đất nước…

(*) Đầu đề do Báo Hànộimới đặt.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội phấn đấu là địa phương điển hình về lối sống văn hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.