Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyện về người đội trưởng đội múa CLB Thiếu nhi Hà Nội

Tuệ Diễm| 02/06/2013 06:34

(HNM) - Đó là nghệ sĩ Phùng Kim Nguyệt, từ năm 10 tuổi đã là đội trưởng đội múa của CLB Thiếu nhi Hà Nội, được múa, hát cùng Bác Hồ, được diễn chương trình văn nghệ chào mừng các nguyên thủ quốc gia tới thăm Bác tại Phủ Chủ tịch.



Khi rời Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh sinh sống, bà cũng là người tiên phong mở sân khấu cho thiếu nhi với những điệu múa dân gian miền Bắc. Ở tuổi 66, giờ bà vẫn hóm hỉnh rằng mình là... thiếu nhi "già".

Nghệ sĩ Phùng Kim Nguyệt ôn lại ký ức tuổi thơ qua ảnh.


Những ký ức không phai

Trong buổi trò chuyện với chúng tôi, vừa cười rạng rỡ, vừa hóm hỉnh, nghệ sĩ Phùng Kim Nguyệt cho biết: "Tôi là thiếu nhi "già" vì già rồi vẫn chơi với thiếu nhi". Dễ hiểu thôi, bởi giờ đã bước sang tuổi 66 nhưng mỗi lần tiếng nhạc vang lên, tiếng líu ríu trẻ thơ ùa tới, những điệu múa, những bước chân của bà lại nhịp nhàng, uyển chuyển đến lạ.

Nghệ sĩ Phùng Kim Nguyệt sinh ra ở phố Hàng Đồng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) trong gia đình truyền thống nghệ thuật, với ba chị em gái là nghệ sĩ Kim Dung, Kim Chi, Kim Khánh đều là biên đạo múa. Từ nhỏ, Phùng Kim Nguyệt đã được học múa, đến 10 tuổi sinh hoạt tại CLB Thiếu nhi Hà Nội (nay là Cung Văn hóa thiếu nhi Hà Nội). Trong dòng hoài niệm của mình, nghệ sĩ Phùng Kim Nguyệt bảo với tôi, điều bà luôn tự hào là những ngày sinh hoạt tại CLB Thiếu nhi Hà Nội, bởi rất nhiều lần bà với vai trò là đội trưởng cùng các bạn nhỏ vinh dự được vào biểu diễn văn nghệ phục vụ Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch. "Ngày ấy chúng tôi thường hay múa các điệu như "Dâng hoa Bác", "Đếm sao", "Đôi bạn". Không ít lần nhóm múa được múa chung cùng Bác. Mỗi một lần có nguyên thủ các quốc gia đến thăm, CLB lại vinh dự được Bác cho gọi đến Phủ Chủ tịch để biểu diễn, chào đón quan khách. Sau mỗi lần diễn, các em thiếu nhi ùa chạy đến với Bác như đến với người Cha già, gần gụi, thân thương lắm. Bao nhiêu lần được gặp, múa hát phục vụ Bác là tôi òa khóc, nước mắt nhòe đi vì xúc động. Sau khi diễn văn nghệ xong, bác hay cho chúng tôi kẹo và luôn âu yếm dặn dò "Các cháu phải làm ngàn điều hay, việc tốt!". Cả nhóm đồng thanh "Dạ, vâng ạ". Câu dặn dò của Người tôi luôn khắc ghi tâm trí và sẽ mang nó đến suốt cuộc đời" - Nghệ sĩ Phùng Kim Nguyệt nghẹn lại khi nhắc về Bác Hồ.

Gây dựng phong trào múa hát cho thiếu nhi miền Nam

Bởi nhà đã có tới ba cô con gái theo con đường nghệ thuật nên khi kết thúc học phổ thông, gia đình định hướng cho Phùng Kim Nguyệt đi học tại Trường ĐH Bách khoa. Nhưng cái "nghiệp" đã đeo vào người thì không thể cưỡng lại. Sau khi gây dựng phong trào văn nghệ tại trường xong, Phùng Kim Nguyệt đột ngột bỏ học giữa chừng để thi vào Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội và học Khoa Thanh nhạc.

Sau đó, Phùng Kim Nguyệt kết duyên cùng một chàng sinh viên miền Nam ra Hà Nội tập kết. Sau khi đất nước thống nhất bà theo chồng vào TP Hồ Chí Minh sinh sống. Thời điểm này, các hoạt động giải trí như cải lương vẫn chiếm ưu thế trong văn hóa của người Nam bộ. Vốn là diễn viên múa, cái nghề đòi hỏi sự kết hợp của nhiều yếu tố khéo léo, dẻo dai, năng động nên từ ngày chuyển vào TP Hồ Chí Minh sinh sống và làm việc, bà cùng con gái nhỏ cố gắng đi diễn múa khắp các sân khấu. Lúc ban đầu họ chỉ múa phụ họa, sau rồi thành các tiết mục, tác phẩm múa mang tính giáo dục, ý nghĩa văn hóa nhất định. Ấn tượng đầu tiên của loại hình nghệ thuật có nội dung giáo dục chính là vở diễn "Trị An âm vang mùa xuân" do Phùng Kim Nguyệt dàn dựng và thể hiện đã đoạt Huy chương vàng diễn viên múa xuất sắc. Bà cũng vinh dự nhận Huy chương Vì sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam. Từ một diễn viên múa xuất sắc, với tính cách năng động, khả năng sáng tạo, nghệ sĩ Phùng Kim Nguyệt dần vươn lên nắm các vai trò quan trọng như: Biên đạo múa, giảng viên thanh nhạc và cũng là một MC chuyên nghiệp trong các rạp hát tại TP Hồ Chí Minh từ những năm 1980-1990. Cũng khoảng thời gian này, bà còn đảm nhiệm vai trò đạo diễn, biên đạo múa tại Nhà hát Hòa Bình, Nhà hát Bến Thành…

Kể đến đây bà lại cười rất tươi và bảo, suốt thời gian đó, bà luôn ấp ủ gây dựng một phong trào học, biểu diễn múa cho thiếu nhi. Từ năm 1990, nghệ sĩ Phùng Kim Nguyệt đã tạo được sân chơi cho thiếu nhi TP Hồ Chí Minh khi rèn giũa để các em biểu diễn vào tối thứ bảy và chủ nhật hằng tuần tại Nhà hát Hòa Bình (quận 3). Người dân miền Nam đã vô cùng ngạc nhiên rồi thích thú khi thấy các em thiếu nhi thành phố mang tên Bác uyển chuyển nhịp nhàng trên sân khấu với những điệu múa tái hiện các trò chơi dân gian miền Bắc như "Rồng rắn lên mây", "Mèo bắt chuột", "Ô ăn quan"... Sân khấu riêng dành cho thiếu nhi được bà khai màn không chỉ làm hài lòng các bạn nhỏ, mà còn làm say lòng các thế hệ người miền Bắc vào Nam khi họ thấy được ở đó ký ức tuổi thơ. Tài năng và hăng say với công việc, nghệ sĩ Phùng Kim Nguyệt được chọn mặt gửi vàng khi xây dựng kịch bản sân khấu hóa, nhân dịp chào mừng TP Hồ Chí Minh tròn 300 tuổi với chương trình "Sài Gòn - 300 năm"…

Không chỉ đắm mình dưới ánh đèn sân khấu, người dân nơi Phùng Kim Nguyệt sống (đường Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh) cũng yêu mến người nghệ sĩ bởi bà là một hạt nhân hoạt động văn nghệ sôi nổi nhất. Đích thân bà đã đi vận động từng người già tham gia các CLB văn nghệ, khiêu vũ dành cho người cao tuổi. Bà còn trực tiếp dàn dựng chương trình "Liên hoan tiếng hát ba thế hệ" tại quận Bình Thạnh và được người dân cũng như chính quyền địa phương ủng hộ nhiệt tình. Thậm chí, bà còn hình thành nếp sinh hoạt văn nghệ khá thú vị tại địa phương thông qua việc cứ hai năm một lần, các thế hệ trong gia đình gồm ông bà, cha mẹ và con cháu thường tụ họp lại để cùng nhau ca múa. Chương trình ý nghĩa này được duy trì trong nhiều năm và hiện trở thành phong trào văn hóa quần chúng nổi bật nhất tại quận Bình Thạnh và TP Hồ Chí Minh.

Không ít người lầm tưởng, người nghệ sĩ khi đắm đuối với nghiệp thường không tròn vai với gia đình. Tuy nhiên, trường hợp cô bé biểu diễn cho Bác Hồ năm xưa thì lại khác, vẫn là một người bà, một người mẹ cần mẫn lo cho cháu con. Sinh trưởng tại TP Hồ Chí Minh nhưng con cháu bà đều nói giọng Hà Nội, ăn món ăn Hà Nội do chính bà nấu, đặc biệt thích uống nước mơ, nước sấu, nước trà. Nói về việc dạy dỗ con cháu, nghệ sĩ Phùng Kim Nguyệt tự hào: "Như bao người nói Hà Nội là đất sinh ra những con người thanh lịch, hào hoa và đa tài. Tuy nhiên thanh lịch, hào hoa, đa tài là cái đích "thành người" dù bất cứ nơi đâu. Vậy nên tôi luôn dạy các con, muốn trở thành con người hào hoa thì phải rèn luyện, phải ham học hỏi, ham làm, đừng nghĩ rằng mình "gốc" Hà Nội thì đã có sẵn tính đó…!".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện về người đội trưởng đội múa CLB Thiếu nhi Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.