Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Diện mạo mới của Thủ đô Hà Nội

Nhóm PV Nội chính| 01/07/2013 05:35

LTS: Sau hơn 3 năm chuẩn bị, tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIII, Luật Thủ đô đã được thông qua và chính thức có hiệu lực từ hôm nay (1-7-2013).



Đây là những tiền đề quan trọng mở ra triển vọng to lớn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô văn minh hiện đại, đáp ứng niềm mong mỏi của nhân dân Hà Nội và cả nước. Nhận trọng trách thiêng liêng từ lịch sử và từ sự tin tưởng, kỳ vọng của nhân dân cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô với tinh thần trách nhiệm cao đang không ngừng nỗ lực phấn đấu để từng bước cụ thể hóa, biến những cơ chế đặc thù thành động lực phát triển, mang lại diện mạo mới, tầm vóc mới cho mảnh đất được coi là "trái tim" của cả nước.

Bài 1: Diện mạo mới của Thủ đô Hà Nội

Từ một thành phố chỉ rộng 152km2, với 53 nghìn dân sinh sống sau khi tiếp quản năm 1954, qua 4 lần điều chỉnh địa giới hành chính, đến nay Thủ đô Hà Nội đã có diện tích 3.344km2, dân số 7,3 triệu người, trở thành đô thị có diện tích lớn nhất nước và là một trong 17 thủ đô có quy mô lớn trên thế giới. Mở rộng địa giới hành chính đã tạo cho Hà Nội nhiều cơ hội phát triển cả về kinh tế, xã hội, cơ sở hạ tầng và cảnh quan đô thị, song cũng đặt thành phố trước nhiều thách thức đòi hỏi phải được giải quyết như bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ về hệ thống cơ chế, chính sách phát triển, thu hẹp dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, phát triển quy hoạch hiệu quả bền vững...

Việc đưa Luật Thủ đô vào cuộc sống giúp Hà Nội có nhiều cơ hội phát triển cả về kinh tế, xã hội và khẳng định vị thế của thành phố hơn nghìn năm tuổi. Ảnh: Huy Hùng


Đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn

Trong bối cảnh nêu trên, Luật Thủ đô được xây dựng và thông qua trên cơ sở Nghị quyết số 11/NQ-TƯ ngày 6-1-2012 của Bộ Chính trị về Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020. Kế thừa, nâng cấp Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội năm 2000, Luật Thủ đô đã tạo lập những cơ sở pháp lý ổn định lâu dài, vững chắc, vừa giúp cho Hà Nội phát triển đúng tầm vóc trong tương lai, vừa giải quyết những vấn đề mang tính thời sự, những khó khăn, bức xúc đang đặt ra hằng ngày, hằng giờ trong quá trình phát triển của thành phố.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ý kiến góp ý, phản hồi từ đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, dư luận báo chí và nhân dân, Luật Thủ đô đã có những bổ sung, điều chỉnh phù hợp, bảo đảm tính khả thi. Sự ra đời của Luật Thủ đô không phải là dành cho Hà Nội đặc quyền, đặc lợi mà là nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật áp dụng cho một đơn vị hành chính đặc thù - đô thị đặc biệt, tạo ra cơ chế phù hợp với yêu cầu về xây dựng, phát triển Thủ đô phục vụ sự nghiệp chung của cả nước.

Ngay tại Điều 2, Luật Thủ đô quy định: Thủ đô nước CHXHCN Việt Nam là Hà Nội. Thủ đô là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Với vai trò, trọng trách lớn, Luật Thủ đô đã xác lập cơ chế đặc thù cho Hà Nội trong cả 7 lĩnh vực: Quy hoạch; Văn hóa; Giáo dục - Đào tạo; Khoa học - Công nghệ; Môi trường - Đất đai; Kinh tế - Tài chính; An ninh - An toàn xã hội. Đây là những tiền đề quan trọng thúc đẩy sự phát triển toàn diện của Thủ đô.

Việc đưa Luật Thủ đô vào cuộc sống không chỉ có ý nghĩa quan trọng với Hà Nội trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô mà còn là điều kiện để người dân Hà Nội thể hiện trách nhiệm, là "chìa khóa" để Thủ đô vươn mình hội nhập và khẳng định vị thế.

Biến đặc thù thành động lực

Điều 8, Luật Thủ đô quy định "Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô phải bảo đảm xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường; bảo đảm quốc phòng, an ninh, kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của Thủ đô với các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ trong Vùng Thủ đô và cả nước". Bám sát quy định này, trên cơ sở bản Quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tháng 7-2011), công tác quy hoạch được thành phố đặc biệt chú trọng. Với một mô hình cấu trúc mới, Hà Nội sẽ là chùm đô thị với đô thị trung tâm phát triển đến Vành đai 4 cả hai bên sông Hồng, 5 đô thị vệ tinh (Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên, Sơn Tây, Sóc Sơn) và các thị trấn sinh thái. Hướng tới sự phát triển bền vững, các đô thị trung tâm được phân cách bởi vành đai xanh, hành lang xanh chiếm tới gần 70% diện tích tự nhiên của thành phố. Diện tích đất ở, nhà ở trong các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới đã được thành phố cụ thể hóa trong đó các hành lang xanh được chú trọng đặc biệt. Đến thời điểm này, đã có 30/32 đồ án quy hoạch chung xây dựng các huyện, thị xã, thị trấn và các đô thị vệ tinh đã được phê duyệt, trong đó đã thông qua hội đồng thẩm định 8 đồ án.

Ở lĩnh vực giao thông, song song với việc đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, Hà Nội đã và đang bắt nhịp với xu hướng chung của các đô thị hiện đại là phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn. Trong tương lai không xa, người dân Hà Nội và du khách Thủ đô sẽ được sử dụng các tiện ích của hệ thống giao thông công cộng bao gồm đường sắt đô thị (tàu điện ngầm, tàu điện trên cao), đường sắt một ray, xe buýt nhanh, xe buýt. Lúc đó, đường sắt đô thị, xe buýt nhanh sẽ là xương sống cho giao thông công cộng của thành phố, góp phần giải tỏa tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay. Theo quy hoạch phát triển giao thông của Hà Nội, đến năm 2020, Thủ đô Hà Nội sẽ có một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh và hiện đại.

Cùng với phát triển mới, vấn đề cải tạo, gìn giữ khu vực phố cổ, phố cũ, các giá trị văn hóa đã được thành phố chú trọng triển khai. Hàng trăm biệt thự cổ trong khu vực nội thành đã được kiểm đếm, lên kế hoạch bảo tồn. Từ những quy định tại Điều 16 Luật Thủ đô, Hà Nội đã cụ thể hóa và tìm ra các nhóm giải pháp để cải tạo hơn một nghìn chung cư cũ lâu nay vẫn bế tắc. Trong nội thành, Hà Nội chủ trương không mở rộng diện tích sử dụng đất và quy mô giường bệnh của các bệnh viện hiện có; không xây dựng mới khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Quy định tại Điều 9 của Luật Thủ đô, Thủ tướng Chính phủ quyết định biện pháp và lộ trình di dời một số cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi nội thành; di dời một số bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp ra khỏi nội thành hoặc xây dựng cơ sở khác của các bệnh viện, cơ sở này ở bên ngoài nội thành là điều kiện pháp lý giúp Hà Nội thực hiện một chủ trương đã có từ lâu nhưng chưa thể triển khai.

Có thể nói, Luật Thủ đô không chỉ mang lại cho Hà Nội những điều kiện cần và đủ mà còn là bước đột phá tạo động lực giúp giải quyết những vướng mắc trong tiến trình xây dựng và phát triển bền vững. Trân trọng cơ hội, trách nhiệm được Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao phó, nhân dân cả nước tin tưởng, gửi gắm, ngay từ khi Luật Thủ đô được thông qua, thành phố Hà Nội đã từng bước cụ thể hóa, biến đặc thù thành lợi thế hành động. Một diện mạo mới của Hà Nội dần được hiện hữu rõ nét. Hiện đại hơn, to đẹp hơn nhưng vẫn giữ được những nét cổ kính, thâm nghiêm của thành phố hơn nghìn năm tuổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Diện mạo mới của Thủ đô Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.