Theo dõi Báo Hànộimới trên

Góp tâm sức gìn giữ văn hóa dân tộc

Đỗ Hiền| 16/07/2013 06:33

(HNM) - Một không gian chưa đủ quy mô để gọi là bảo tàng nhưng thừa đồ sộ để bất cứ một triển lãm hay một phòng trưng bày nào ở Việt Nam khao khát.

Năm 1990, một chữ "Duyên" đã đưa chàng trai Nguyễn Minh, lúc đó mới ngoài 30 tuổi từ một nhân viên của Công ty Xe điện Thống Nhất đến với nghiệp sưu tầm tranh khi ông mua được hàng chục bức tranh quý trong bộ sưu tập của cụ Đức Minh, người được coi là nhà sưu tập tranh lớn nhất Việt Nam.

Nhà sưu tầm Nguyễn Minh giới thiệu các tác phẩm trong bộ sưu tập của mình.


Hơn 20 năm đã qua nhưng niềm hân hoan khi mua được những bức tranh quý đầu tiên của các họa sĩ thế hệ đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương vẫn không phai mờ trong ông khi nhắc đến "Thả diều" (Nguyễn Tiến Trung), "Cô dân quân" (Bùi Xuân Phái), "Thành đồng Tổ quốc" (Nguyễn Sáng); hay tranh phố của Bùi Xuân Phái… Đến nay, với "Chiều về" (Lê Quốc Lộc), "Phiên chợ vùng cao" (Phạm Văn Đôn), "Nguyễn Du đi săn" (Nguyễn Đức Nùng), "Tổ đóng tàu lắp ráp trên cao" (Nguyễn Cao Thương), "Vịnh Hạ Long" (Lê Quốc Lộc), "Hồ Chủ tịch" (Mai Văn Hiến), "Bạn tôi" (Bùi Xuân Phái)..., nhà sưu tầm Nguyễn Minh đã tự tạo cho riêng mình một không gian nghệ thuật đáng quý.

Trong bộ sưu tập đồ sộ ấy, có nhiều bức tranh Nguyễn Minh phải cất công lặn lội sang nhiều nước khác nhau để tham gia đấu giá và mua lại với mức cao. Có bức ông mua ở Thái Lan. Có tác phẩm lại tình cờ gặp được ở một cuộc đấu giá tại Hồng Kông hay đôi lần tìm được một bức họa quý tận bên Pháp, Mỹ hay Singapore… Cứ nghe thấy bạn bè mách ở đâu có đấu giá tranh mà có tranh của các họa sĩ Việt Nam thời kỳ đầu là Nguyễn Minh tìm đến. Ông kể về những chuyện đó như một thứ tín ngưỡng của đời mình: "Trong các cuộc đấu giá tranh ở nước ngoài, tôi thấy nhiều người không tiếc tiền mua những tác phẩm của dân tộc mình bị thất lạc. Tôi tự nhủ là người Việt Nam, cần phải góp tâm sức nhỏ để mang những giá trị nghệ thuật quý giá của Việt Nam về quê hương, gìn giữ văn hóa dân tộc. Tôi mong rằng còn nhiều người nữa cũng quan tâm đến việc này".

Gần đây, giới hội họa Việt Nam lại được hân hoan đón bốn bức tranh của Vũ Cao Đàm: "Loves in a landscape", "Two lovers" (tái hiện cuộc gặp gỡ giữa Thúy Kiều và Kim Trọng)…, một bức của họa sỹ Trần Quang Trân là "West Lake, Hanoi" về quê nhà khi nhà sưu tầm Nguyễn Minh công bố ông đã đấu giá thành công chúng ở Mỹ và Hồng Kông. Những bức tranh khác, hầu hết được nhà sưu tầm Nguyễn Minh mua trực tiếp tại nhà của các cố họa sĩ. Ông cho hay, những bức tranh đó đều là một tài sản lớn cả về vật chất và tinh thần của gia đình họa sĩ nên không dễ mua. Có những bức ông phải đi lại cả chục lần, đợi dăm bảy cuộc họp gia đình họ, mới được sở hữu. Cũng có nhiều lúc thất bại. Một tập ảnh dày lưu lại những khoảnh khắc ông được gia đình các họa sĩ trao gửi các bức tranh quý, ông giữ cẩn thận không khác gì các tác phẩm.

Có hàng trăm bức tranh quý treo trong nhà, ngoài thú vui thưởng thức, nhà sưu tầm Nguyễn Minh luôn trăn trở về cách bảo quản để kéo dài tuổi thọ các tác phẩm hội họa này. "Tranh sơn mài thì phải để ở tầng trên cho thoáng. Mùa xuân, hè luôn phải bật điều hòa để bảo đảm nhiệt độ thích hợp cho tranh khỏi phai màu, cong vênh. Nhưng khó giữ hơn cả vẫn là tranh giấy. Sợ nhất là vào mùa nồm, độ ẩm không khí cao khiến các bức tranh giấy rất dễ bị ẩm, mốc, phải lựa chỗ treo chúng thật kỹ", Nguyễn Minh kể.

Nhiều người yêu tranh xa gần trong và ngoài nước nghe tiếng ông có bộ sưu tầm quý tìm đến xem tranh và Nguyễn Minh sẵn sàng mở lòng giới thiệu với họ từng bức tranh. Giờ đây, tâm nguyện lớn nhất của nhà sưu tầm tranh này là làm sao tìm cho kỳ đủ tác phẩm của 118 họa sĩ thế hệ thứ nhất của Trường Mỹ thuật Đông Dương. Rồi khi đã hòm hòm, ông sẽ mở một cuộc triển lãm cho người yêu tranh khắp nơi được thỏa sức thưởng thức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góp tâm sức gìn giữ văn hóa dân tộc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.