Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mở hướng mới cho công tác bảo tồn di tích

Minh Ngọc| 06/09/2013 06:37

(HNM) - Văn phòng UNESCO Hà Nội chính thức thông báo 5 công trình kiến trúc có giá trị đặc biệt ở Làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) và công trình khôi phục hầm trú ẩn ở khách sạn Metropole Hà Nội vừa được UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tặng

"Giải thưởng bảo tồn di sản văn hóa" của UNESCO gồm 3 loại: Giải đặc biệt, giải xuất sắc và giải danh dự, do các chuyên gia bảo tồn đến từ nhiều quốc gia trên thế giới lựa chọn. 5 công trình ở Làng cổ Đường Lâm đã vượt qua hàng chục dự án khác để đoạt giải xuất sắc.

Cổng làng Mông Phụ.



Theo xác nhận của BQL di tích Làng cổ Đường Lâm, đầu năm 2013, được sự gợi ý của Giáo sư Tomoda, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu văn hóa quốc tế (Đại học Nữ Chiêu Hòa - Nhật Bản), BQL di tích đã lập hồ sơ 6 công trình kiến trúc tiêu biểu, gồm cổng làng Mông Phụ, chùa Ón, nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh, nhà cổ của các gia đình: Ông Nguyễn Văn Hùng, ông Hà Vĩnh và ông Giang Văn Thuận (thôn Mông Phụ) gửi tới UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. "Tuy chưa có thông báo cụ thể 5/6 công trình được nhận giải là công trình nào nhưng theo quy định của UNESCO, các dự án đủ điều kiện dự giải phải hoàn thành việc tu bổ trong vòng 10 năm qua, công trình mới phải được sử dụng hiệu quả ít nhất một năm, vì thế rất có thể nhà của ông Giang Văn Thuận đang trong quá trình tu bổ chưa được trao giải trong năm nay" - đại diện BQL Làng cổ Đường Lâm cho biết.

Nhận xét về các dự án tu bổ di tích ở Làng cổ Đường Lâm, UNESCO cho rằng, thành quả của dự án chính là nỗ lực khôi phục thành công các công trình bằng gỗ, qua đó giới thiệu giá trị của kiến trúc bằng gỗ bản địa ở Việt Nam, nhất là trong bối cảnh kiến trúc gỗ cổ Việt đang ngày càng bị đe dọa bởi sự xuống cấp, bị bỏ hoang.

Minh chứng cho nhận định này, chủ nhân của một trong 10 ngôi nhà cổ tiêu biểu ở Đường Lâm, ông Nguyễn Văn Hùng cho biết: "Gia đình tôi sống trong ngôi nhà cổ do cha ông để lại. Trước đây, chúng tôi lúc nào cũng sống trong nỗi lo sợ một ngày nào đó nhà mình sẽ bị sập, bị đổ. Sau khi được Nhà nước cấp kinh phí 180 triệu đồng để tu bổ, tôn tạo, gia đình vừa được sống trong nếp nhà tổ tiên, vừa có cơ hội giới thiệu nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương tới đông đảo du khách trong nước, quốc tế".

Cùng với 5 công trình kiến trúc ở Làng cổ Đường Lâm, việc khôi phục hầm trú ẩn tại khách sạn Metropole Hà Nội được UNESCO tặng giải thưởng danh dự. UNESCO đánh giá, dự án đã tiết lộ thêm một lớp trong lịch sử phong phú của khách sạn này, qua đó chứng minh Metropole là một trong những tòa nhà di sản đáng chú ý nhất của Hà Nội.

Hướng mới trong công tác bảo tồn

Đúng như nhận xét của UNESCO, các công trình được trao giải không chỉ có giá trị lịch sử, kiến trúc tiêu biểu, mà chúng còn được tu bổ, bảo tồn hết sức đặc biệt. Chẳng hạn như khi tu bổ chùa Ón, thay vì hạ giải toàn bộ công trình, lựa chọn những cấu kiện còn sử dụng được để tái sử dụng, công trình được giữ nguyên trạng và dùng biện pháp nâng, bẩy để đưa bức tường nghiêng trở về vị trí cũ, sau đó gia cố lại cho chắc. Khi tu bổ ngôi nhà cổ của gia đình ông Nguyễn Văn Hùng vào năm 2008, các cấu kiện gỗ không còn đủ điều kiện tái sử dụng đã được tận dụng triệt để nhằm giữ nguyên nét cổ kính cho ngôi nhà, các chuyên gia đã tìm ra cách cấy ghép gỗ vào bên trong cấu kiện cũ. Giữ nét rêu phong cho cổng làng Mông Phụ, một trong những cổng làng đặc trưng vùng Đồng bằng Bắc bộ, khi trùng tu cổng làng, toàn bộ công đoạn lợp ngói do chính những người thợ có tay nghề cao trong làng thực hiện, còn thợ mộc được lựa chọn từ những làng nghề nổi tiếng xứ Đoài… Qua những ví dụ trên, có thể thấy việc thi công các công trình này có sự kết hợp linh hoạt giữa phương pháp xây dựng thủ công truyền thống với kỹ thuật tu bổ hiện đại trên tinh thần tuân thủ Luật Di sản văn hóa.

Trong thông báo gửi về Việt Nam, UNESCO cũng nhấn mạnh: "Việc trao đổi kiến thức giữa các thợ mộc, các sử gia kiến trúc Việt Nam và các chuyên gia Nhật Bản là yếu tố quyết định trong sáng kiến hợp tác này. Làng cổ Đường Lâm trở thành một mô hình đáng chú ý cho những nỗ lực bảo tồn tại các vùng nông thôn khác ở Việt Nam trong tương lai".

Chiều qua 5-9, ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng BQL di tích Làng cổ Đường Lâm chia sẻ: "Giải thưởng bảo tồn di sản văn hóa năm 2013" là sự ghi nhận những nỗ lực, sáng tạo của các chuyên gia Việt Nam và Nhật Bản trong việc bảo tồn, tu bổ các công trình kiến trúc gỗ ở Đường Lâm, mở ra hướng đi mới cho công tác bảo tồn các công trình nhà cổ". Ông Phạm Hùng Sơn cho biết: Các chuyên gia Nhật Bản, với tình yêu đặc biệt dành cho Việt Nam đã tư vấn, hỗ trợ cho các dự án tu bổ di tích ở làng cổ, từ khâu đánh giá, thiết kế, hạ giải cho đến thi công. Tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của các chuyên gia Nhật Bản, dự kiến trong năm 2014, Đường Lâm sẽ có thêm 10 ngôi nhà cổ được tu bổ theo phương pháp truyền thống của Việt Nam kết hợp với kỹ thuật tiên tiến của Nhật Bản.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mở hướng mới cho công tác bảo tồn di tích

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.