Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người Thị trưởng của Hà Nội xưa

TRONGQUANG| 29/12/2005 09:56

Ở Hà Nội, có một con đường mới mở nhưng đã xanh rợp bóng cây. Con đường thênh thang nối cửa ngõ phía Tây ra đại lộ Láng - Hòa Lạc, nơi tụ hội của những công trình lớn của Thủ đô như Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, Trung tâm Hội nghị Quốc gia, siêu thị Big C... Con đường đẹp và mới đó mang tên vị Chủ tịch đầu tiên của Hà Nội (năm 1945-1946) và là người giữ cương vị Chủ tịch Hà Nội lâu nhất, 23 năm (từ 1954 đến năm 1977): Bác sĩ Trần Duy Hưng.

Chủ tịch Trần Duy Hưng, người từng 23 năm làm Chủ tịch UBND Tp Hà Nội.

Ở Hà Nội, có một con đường mới mở nhưng đã xanh rợp bóng cây. Con đường thênh thang nối cửa ngõ phía Tây ra đại lộ Láng - Hòa Lạc, nơi tụ hội của những công trình lớn của Thủ đô như Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, Trung tâm Hội nghị Quốc gia, siêu thị Big C... Con đường đẹp và mới đó mang tên vị Chủ tịch đầu tiên của Hà Nội (năm 1945-1946) và là người giữ cương vị Chủ tịch Hà Nội lâu nhất, 23 năm (từ 1954 đến năm 1977): bác sĩ Trần Duy Hưng.

"Chúng tôi đã cùng nhau đưa Hà Nội đi đầu"

"Tôi biết và quý anh Hưng trước CM Tháng Tám. Cả hai thời kỳ anh ấy làm Chủ tịch Hà Nội thì tôi giữ cương vị Bí thư. Anh Hưng cùng với các đồng chí bên Ủy ban đã thực hiện tốt những chủ trương lớn của Trung ương và Thành ủy".

Ông Nguyễn Văn Trân, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, cùng thời với Chủ tịch Trần Duy Hưng, nay đã ngót nghét 90 tuổi nhưng giọng vẫn sang sảng, kể vanh vách những chuyện khó quên về cái thời Hà Nội kiêu hãnh "đi đầu cả nước trong chiến đấu và sản xuất".

Hà Nội đã đi đầu trong CM Tháng Tám. Sau năm 1954, đạt năng suất lúa cao nhất miền Bắc, trước cả Thái Bình. Rau xanh cũng đứng đầu miền Bắc, chăn nuôi cũng vậy. Xí nghiệp công nghiệp địa phương cũng làm gương cho các tỉnh. Hà Nội tự học cách thiết kế và xây dựng nhà lắp ghép để chuyển giao mô hình cho các tỉnh. Trong kháng chiến chống Mỹ, Hà Nội là nơi có thanh niên lên đường nhập ngũ nhiều nhất. Trong tất cả các phong trào của Hà Nội, đều có sự thống nhất cao trong Thành ủy và được Chính quyền mà đứng đầu là anh Trần Duy Hưng triển khai triệt để. Anh có nhiều công lao cho sự phồn vinh của Hà Nội và đất nước. Bên Ủy ban hồi đó, cạnh anh Hưng còn có các trí thức - tư sản yêu nước  Hà Nội  như anh Khuất Duy Tiến, Nghiêm Tử Tình,Trịnh Văn Bô.

Theo lời kể của ông Trân, thời ông làm Bí thư và ông Hưng làm Chủ tịch, Hà Nội đã từng có  những chính sách đột phá mạnh mẽ.

Hồi những năm 60, Nhà nước có chính sách phân phối nhà cho công chức. Hà Nội đã triển khai bán căn hộ cho cán bộ theo cách trả dần để thành phố thu được ít tiền mà người sử dụng thì có quyền sửa chữa cho đẹp hơn. "Chúng tôi biết một số Bộ không đồng tình nhưng có sự thống nhất cao trong Thành ủy, chúng tôi vẫn làm. Nhưng làm được một thời gian thì phải dừng vì có Bộ phản đối mạnh quá" - ông Trân kể.

Trong thời kỳ chiến tranh, hàng hóa khan hiếm, Hà Nội "liều" cho các hộ tư nhân sản xuất thủ công một số mặt hàng thiết yếu trở lại. "Lúc đó, Bộ Thương mại phản đối quyết liệt nhưng Hà Nội cứ làm. Nhờ vậy mà chúng tôi cải thiện thêm được chút ít đời sống cho cán bộ, nhân dân trong lúc khó khăn. Ngay trong thời kỳ chống Mỹ, Đại hội Đảng bộ của chúng tôi hai kỳ liền đã diễn ra theo cách: Không chuẩn bị danh sách Ban chấp hành mới mà bầu tự do, và kết quả cũng rất tốt. Chủ trương này được thống nhất cao trong Thành ủy rồi báo cáo lên Ban Tổ chức Trung ương. Trên không tán thành lắm nhưng cũng không phản đối..."

Ông Trân kể nhiều, rất nhiều chuyện về người Thị trưởng Hà Nội cả một thời Hà Nội khó khăn, Hà Nội chiến đấu và dựng xây mà thế hệ họ rẫt đỗi tự hào là "mình luôn đi đầu..." Có hôm tôi vừa nghe Nhà máy Dệt 8/3 kêu thiếu điện, Nhà máy Cơ khí kêu thiếu nguyên liệu đã lại thấy chủ tịch TP ở đó và tìm được cách gỡ..."

Trong đám tang bác sĩ Trần Duy Hưng, có những người nông dân, tiểu thương từng chịu ơn lòng tốt của Chủ tịch thành phố đã đến xin chịu tang như một người con trong gia đình.

Nhưng bác sĩ Trần Duy Hưng cũng là thị trưởng của tương lai. Kỹ sư Lê Tâm, Chủ nhiệm đầu tiên của khoa xây dựng, ĐH Bách khoa Hà Nội, kể lại một câu chuyện. Khoảng năm 1968, trong một lần cùng nhau đi bộ trên đê sông Hồng, Chủ tịch Hà Nội tỏ ý băn khoăn: Vì sao Hà Nội về cơ cấu kiến trúc tổng thể lại quay lưng về phía sông Hồng. Vì sao chúng ta chưa mạnh dạn làm mới Thủ đô bằng cách để con đê sông Hồng to rộng kia kia trở thành một thực thể của Hà Nội cho đúng với tên gọi của Thủ đô và nâng tầm của Hà Nội ngàn năm văn hiến?

37 năm sau ngày ông đi bộ trên triền đê và suy tưởng, Hà Nội đã khác xa lắm. Thành phố không chỉ ôm gọn sông Hồng vào trong mình mà còn mở rộng ra nhiều phía, vươn cao và tiến xa, có lẽ là nhiều hơn cả mơ ước của ông thị trưởng Hà Nội thời đó. Nhưng Hà Nội còn cần phải hơn thế, về nhiều mặt.

"Bác và Chú cùng học làm lãnh đạo"

"Cha tôi nhậm chức Chủ tịch TP lần đầu tiên, năm 1946, khi ông 33 tuổi..."  ông Trần Tiến Đức nói

Bác sĩ Trần Duy Hưng sinh năm 1912 trong một gia đình trung lưu ở thôn Hòe Thị, xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Ông là bạn đồng môn với các bác sĩ Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ. Năm 30 tuổi, bác sĩ Trần Duy Hưng đã nổi tiếng là một bác sĩ đa khoa giỏi, với sự trợ giúp của cô em gái, ông mở một bệnh viện tư ở phố Thợ Nhuộm... Bác sĩ Trần Duy Hưng còn là một lãnh tụ của phong trào Hướng đạo sinh ở khu vực Bắc Bộ (một phong trào thanh niên trí thức tự nguyện làm các việc nhân đạo theo mô hình của Pháp và các nước phương Tây - Huynh trưởng lúc đó là cụ Hoàng Đạo Thúy). Ông rất có uy tín trong giới thanh niên nên giới cầm quyền cũng phải kiêng nể - Ông Đức kể: Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, Bảo Đại có mời bác sĩ Trần Duy Hưng ra làm Bộ trưởng Thanh niên nhưng ông đã từ chối.

Sau này, trong đợt gặp Bác Hồ tại Đại hội Quốc dân ở Tân Trào, huynh trưởng Hướng đạo sinh Hoàng Đạo Thúy đã kể thêm nhiều về bác sĩ Trần Duy Hưng với Bác Hồ.

Sau ngày Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 khoảng một tuần, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm nhà bác sĩ Trần Duy Hưng và đề nghị ông làm thị trưởng Hà Nội. Bác sĩ Trần Duy Hưng nói: "Cảm ơn Cụ" nhưng đề nghị chọn người xứng đáng hơn, vì mình "chỉ biết khám chữa bệnh, không quen làm lãnh đạo". "Cha tôi kể rằng, lúc đó Cụ Hồ nói: "Bản thân tôi cũng chưa bao giờ lãnh đạo một đất nước, chúng ta phải vừa làm vừa học thôi".

Theo ông Đức, thành công lớn nhất của bác sĩ Trần Duy Hưng trong lần làm Chủ tịch Ủy ban hành chính Hà Nội 1945 - 1946 là tập hợp được các tầng lớp nhân dân Hà Nội dưới ngọn cờ của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Việc đầu tiên mà Chính quyền Hà Nội lúc đó làm được là cứu đói, thứ hai là những chương trình củng cố chính quyền và một trong những chương trình quan trọng trong đó là bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Có những cuộc tiếp xúc với hàng ngàn cử tri, nhờ trả lời tốt tất cả các câu hỏi của từng người dân, bác sĩ Trần Duy Hưng đã giúp liên danh của Chính phủ giành được 6 ghế  ở QH khóa 1 trong cuộc đọ sức với 180 ứng cử viên của các tổ chức khác.

Những câu chuyện của ông Trần Tiến Đức đã đem đến cho người nghe một thông điệp giản dị nhưng sâu sắc rằng, chính Bác Hồ đã hướng dẫn bác sĩ Trần Duy Hưng làm thị trưởng theo cách đúng nhất, đáp ứng đòi hỏi lúc đó.

"Năm 1958, cải tạo công thương nghiệp, em ruột của ông cụ có cửa hàng nước mắm - bị cải tạo theo diện tư sản, tất cả vốn liếng vào hợp doanh, phải đi nơi khác bán hàng. Cô phàn nàn với cha tôi, ông nói: 'Đây là chủ trương của Nhà nước rồi. Cô phải cố gắng thôi, tôi không giúp được gì'. Nhà tôi có ba con trai thì hai người đi bộ đội, các con khác cũng không hưởng ưu tiên gì.

Ngày thường, nếu không quá bận, ai cần cũng có thể gặp cha tôi. Ông có một cuốn sổ ghi lại hầu hết những cuộc gặp với từng người dân và những nguyện vọng của họ với những ký hiệu đánh dấu về những trường hợp đã hoặc chưa giải quyết.

Hồi những năm 60, nhiều đêm, cha tôi cùng cụ Hồ Đắc Điềm - phụ trách bình dân học vụ - đạp xe đến từng lớp học xem người ta dạy và học thế nào. Cứ đến, rồi ngồi vào lớp học, không hỏi han gì cả. Năm 1962, khi mới từ Liên Xô về nước, tôi vẫn còn nhớ rất rõ vào một đêm Chủ nhật, sau khi có điện thoại báo nước sông Hồng lên mức báo động cấp 3, ông bảo tôi: 'Con đi cùng cha đến kiểm tra các điếm canh bên Đông Anh, Từ Liêm nhé!'. Trừ những lúc tiếp khách, lễ lạt đặc biệt, cha tôi vẫn tự lái xe" - ông Đức kể.

"Những ngày Hà Nội bị đánh bom, cha tôi đến tất cả những nơi có nhà đổ, người chết, cùng băng bó cho những người bị thương. Có một lần, người bảo vệ cùng về mặt tái xanh bảo tôi: 'Tôi sợ cha cậu thật đấy, ông tự tay nhặt từng miếng thịt nát của các nạn nhân...'. Cha tôi bảo: 'Nhiều người khác có thể làm điều đó nhưng nhìn cha làm, người dân sẽ bớt bị hoảng loạn vì 'Ông Chủ tịch đang ở đây, cùng chúng ta'. Khi khó khăn, cùng cực nhất, người dân cần nhìn thấy người lãnh đạo ở bên cạnh mình.

Cha tôi làm những việc đó rất tự nhiên bởi ông đã là nhuần nhuyễn tinh thần thiện nguyện, vì cộng đồng và cách thuyết phục nhiều tầng lớp người dân từ khi còn thanh niên, là lãnh đạo Hướng đạo sinh. Tinh thần, phong cách của Hướng đạo sinh rất phù hợp với phong cách của lãnh đạo Cách mạng thời đó".

Nguyên Bí thư thành ủy Nguyễn Văn Trân nhận xét: "Ông Hưng là một lãnh đạo TP được dân tín nhiệm..." Lời khen giản dị vậy thôi nhưng có nó một cách chân thực và bền vững, thật không dễ dàng đối với một ông "thị trưởng" Hà Nội - Thủ đô văn hóa.

Theo VNN

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người Thị trưởng của Hà Nội xưa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.