Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng Đông Xã

TUYETMINH| 21/03/2006 15:50

(HNMĐT)- Làng Đông Xã vốn là một thôn của làng Yên Thái tách ra thành một xã độc lập từ đời Duy Tân (1907 - 1915), nay thuộc cụm 4 phường Bưởi, quận Tây Hồ, thời Lê nằm trong phường Yên Thái của Kinh thành Thăng Long; thời Nguyễn thuộc tổng Trung, huyện Vĩnh Thuận. Đây là một làng cổ ở ven hồ. Tục truyền thời Hùng Vương đã có dân sinh cơ lập nghiệp.

(HNMĐT)- Làng Đông Xã vốn là một thôn của làng Yên Thái tách ra thành một xã độc lập từ đời Duy Tân (1907 - 1915), nay thuộc cụm 4 phường Bưởi, quận Tây Hồ, thời Lê nằm trong phường Yên Thái của Kinh thành Thăng Long; thời Nguyễn thuộc tổng Trung, huyện Vĩnh Thuận. Đây là một làng cổ ở ven hồ. Tục truyền thời Hùng Vương đã có dân sinh cơ lập nghiệp.

Dân làng Đông xã có nghề làm giấy dó từ rất lâu đời. Tục truyền nghề này có từ giữa thời Lý (đầu thế kỷ XII), do ông Thái Luân từ Trung Quốc truyền cho dân các làng vùng Bưởi là : Yên Thái, Hồ Khẩu, Võng Thị. Sở dĩ nghề giấy du nhập vào đây sớm vì làng nằm ven Hồ Tây, ven sông Hồng và sông Tô, tiện lợi cho việc chuyênb chở, ngâm vật liệu để chế biến thành giấy và chở sản phẩm đi các nơi tiêu thụ. Sản phẩm của nghề giấy ở đây lúc đầu là giấy bản và giấy moi, đến đầu thế kỷ XVII dân làng cải tiến kỹ thuật làm được giấy sác để nhà vua dùng vào việc viết sắc phong cho thần, phong chức tước cho quan lại, viết chiếu, chỉ.

Đông Xã có một di tích quan trọng có từ thời Lý, gắn với biểu tượng vật linh của người Việt cổ, của văn minh Việt thời đại các vua Hùng dựng nước và của tư tưởng trung quân. Đó là đền Đồng Cổ. Sử cũ ghi lại vào một đêm tháng Ba năm Mậu Thìn (1028), Vua Lý Thái Tông vừa mới lên ngôi được một ngày, chiêm bao thấy một người xưng là thần núi Đồng Cổ (trống đồng) ở Đan Nê (Thanh Hoá - tương truyền là nơi trú ngụ của thần trống đồng) hiện lên nói rằng, sẽ có ba vương là Vũ Đức, Đông Chinh và Dực Thánh (đều là anh em ruột của vua) làm loạn, cần dẹp ngay. Vua tỉnh đậy, sai quân phòng bị. Quả nhiên, sáng hôm sau, ba vị vương trên đem quân vào thành nổi loạn để cướp ngôi, sử cũ gọi là “loạn ba vương”.

Cuộc nổi loạn bị dẹp ngay. Sau sự kiện trên, Vua Lý Thái Tông phong tước vương cho thần núi Đồng Cổ, lại cho dựng miếu thần ở bên hữu thành Đại La, chính là đền Đồng Cổ hiện nay và quy định cứ đến ngày mồng 4 tháng Tư hàng năm, làm lễ “Minh thệ” (ăn thề) tại đền này, cho lập đàn, cắm cờ xí tại đền, vua và các quan trong triều từ Cửa Đông đi đến đền, dàn đội ngũ, treo gươm giáo trước thần vị rồi làm lễ tế bằng cỗ thái lao (trâu, bò, lợn, dê), lấy máu của các con vật hiến tế này hòa vào rượu rồi cùng uống máu ăn thề. Các quan có mặt đều phải uống rượu máu và đọc lời thề : “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, xin thần minh giết chết”, những người vắng mặt trong buổi “Minh thệ” sẽ bị đánh 80 trượng. Các vương triều Trần - Lê vẫn duy trì nghi lễ quốc gia này. Thời Trần, hội thề Đồng Cổ là một hội lớn, dân Kinh thành và bốn phương về xem chật phố phường.

Đền Đồng Cổ hiện nay nằm trên khu đất cao, trông ra sông Tô Lịch, gồm Tam quan, các tòa Tiền tế, Trung tế và Hậu cung. Bên trong còn giữ được 12 đạo sắc của các niên hiệu : Cảnh Hưng, Chiêu Thống, Quang Trung, Cảnh Thịnh, Thiệu Trị, Tự Đức (từ 1740 - 1883). Tuy có kiến thức đơn giản, nhưng đền Đồng Cổ thật sự là một di tích có giá trị đặc biệt vì gắn với trống đồng, với một lễ hội độc đáo, mang ý nghĩa giáo dục luân lý, đạo đức sâu sắc, lòng trung thành với Tổ quốc từ thời Lý.

TS. Bùi Xuân Đính

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làng Đông Xã

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.