Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Lộ trình thận trọng và phức tạp là vì chất lượng phim"

LANHUONG| 22/03/2006 09:57

Để xây dựng bộ phim truyện phục vụ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, TP.Hà Nội đã thực hiện một lộ trình khá thận trọng và phức tạp: Tổ chức hội thảo cho các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hoá, các nhà hoạt động điện ảnh góp ý nâng cao kịch bản

Để xây dựng bộ phim truyện phục vụ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, TP.Hà Nội đã thực hiện một lộ trình khá thận trọng và phức tạp: Tổ chức hội thảo cho các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hoá, các nhà hoạt động điện ảnh góp ý nâng cao kịch bản "Thái tổ Lý Công Uẩn" của Thiên Phúc, sau đó mời 10 đạo diễn điện ảnh viết kịch bản đạo diễn cho phim để vừa khắc phục những khiếm khuyết mà hội thảo đã vạch ra, vừa phát huy cá tính sáng tạo nâng cao chất lượng kịch bản, vừa thể hiện năng lực của mình.

Sau 3 tháng, chỉ có 3 kịch bản (KB) được nộp lại. Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn đứng tên hai KB khác nhau. KB còn lại đứng tên đạo diễn Lưu Trọng Ninh. Trong khi các đạo diễn đang sửa chữa tiếp KB theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định thì biên kịch Thiên Phúc cho rằng, các đạo diễn đã vi phạm tác quyền khi viết lại KB của anh. Chúng tôi trò chuyện với đạo diễn Đỗ Minh Tuấn xung quanh vấn đề này.

´ Có ý kiến cho rằng, các đạo diễn được mời bỏ cuộc gần hết vì thời gian quá gấp. Vậy anh đã vượt qua khó khăn đó như thế nào để có 2 KB theo 2 phương án khác nhau?

- Tôi may mắn hơn các đồng nghiệp khác là đã có 5 năm nghiên cứu lịch sử tư tưởng ở Viện Triết học trước khi làm điện ảnh, sau đó, trong hơn 30 năm qua, tôi tiếp tục nghiên cứu viết sách báo về văn hoá VN. Hơn nữa, tôi là nhà văn đã viết nhiều sách và viết hàng chục KB điện ảnh, nên 3 tháng với tôi là thời gian không quá ngắn.

´ Nhưng chất lượng của các kịch bản đó ra sao?

- Tôi đã suy nghĩ và ấp ủ bộ phim về Thăng Long từ hai chục năm nay. Vào giữa thập kỷ 1980, GS Nguyễn Hồng Phong - nay đã mất - đã bàn với tôi về việc làm một bộ phim về Thăng Long. Vào giữa thập kỷ 1990, Phó GS - TS sử học Nguyễn Hải Kế đã sao cho tôi nhiều tư liệu lịch sử về Thăng Long để bàn nhau làm một phim truyện nhựa. Vì thế mà tôi có nhiều cảm xúc và ý tưởng để viết KB.

Ông Nguyễn Trọng Tuấn - Thư ký hội đồng - khi trả lời Báo Thể thao & Văn hoá cho biết, hội đồng đánh giá KB của chúng tôi cao hơn KB của Thiên Phúc, nếu KB Thiên Phúc chỉ thoả mãn 20% yêu cầu thì của chúng tôi thoả mãn tới 70%.

´ Anh nghĩ sao về phản ứng của Thiên Phúc về việc đạo diễn viết lại KB văn học đã được chọn làm phim?

- Theo chỗ tôi biết, hội đồng chọn KB của Thiên Phúc mặc dù chất lượng chưa cao là vì họ hy vọng vào việc sửa chữa nâng cao của đạo diễn. Nếu lại dựa vào sự quyết định lựa chọn đó để không cho đạo diễn sửa chữa hay viết lại, như tác giả KB đang làm, thì đó là thái độ đi ngược lại thông lệ có bao năm nay của ngành điện ảnh.

´ Nhưng KB của Thiên Phúc đã được TP.Hà Nội chọn để làm phim qua các văn bản pháp lý như anh ấy đã công bố?

- Nếu bây giờ một công trình xây dựng cầu cống, nhà cao tầng bị phát hiện thiếu ximăng, sắt thép trầm trọng, thì có phải dỡ ra để đổ lại bêtông không, hay chủ thầu cứ đưa ra giấy phép xây dựng để khăng khăng không cho thay đổi và sửa chữa? Hầu như toàn bộ ý kiến của các chuyên gia phát biểu trong buổi hội thảo tổ chức ngày 6.9.2005 đều phê phán chất lượng KB của Thiên Phúc. Sau đó, hầu hết các đạo diễn tham gia viết KB đạo diễn đều cho rằng KB dở, chưa đủ tầm.

TPHN đã thể hiện một bản lĩnh quản lý rất năng động khi không ngại điều chỉnh các quyết định pháp lý cho phù hợp nhất với yêu cầu thực tế. Khi tổ chức cuộc thi viết KB, TPHN cũng đã tuyên bố KB được giải nhất sẽ làm phim kỷ niệm. Nhưng sau khi xem xét, HN đã quyết định đưa KB phim về Lý Công Uẩn vào sản xuất, dù nó chỉ được giải nhì. Nếu cứ khăng khăng nói như Thiên Phúc, thì việc KB của anh ấy được chọn cũng trái với một văn bản nào đó ban hành trước đó.

- Xin cảm ơn anh.

Theo LĐ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Lộ trình thận trọng và phức tạp là vì chất lượng phim"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.