Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người Tràng An

TUYETMINH| 23/03/2006 11:28

Dân Thủ đô ta xưa, hay tự hào mình ở thủ đô một nước

Dân Thủ đô ta xưa, hay tự hào mình ở thủ đô một nước "văn hiến", ở đất "nghìn năm văn vật". Các cụ sống theo nền nếp "lễ giáo" từ nghìn xưa để lại. Xã hội gồm sự liên hệ của những nhóm người: Vua và tôi (dân), cha và con, thầy và trò, anh và em, chồng và vợ, bè và bạn. Người nọ có nhiệm vụ với người kia. Vua được tôn, vì chăm dân; nhưng giữa vua và dân, thì dân là trọng.

Sự mong mỏi của người dân có một thế giới "đại đồng", được "coi trẻ nhà khác như trẻ nhà mình, coi người già nhà khác như người già nhà mình". Ai cũng lo" dạy con" vì sợ rằng "nuôi mà không dạy, thì con gần như cầm, thú". Dạy con, bắt đầu là Hiếu, rồi Đễ, Trung với nước, Tín với bạn bè. Lễ là việc có tổ chức, sắp xếp, lễ phép. Nghĩa là công bằng, bổn phận phải làm, Liêm là trong sạch. Sỉ là biết xấu hổ. Ngoài giáo dục cổ truyền ấy, người ta cũng học đức "bác ái" của Phật, tính thanh tao của Lão.
Tiếng nói là chung cho cả nước, nhưng nhiều địa phương có tiếng nói hơi khác nhau. Tiếng ở Hà Nội, không có giọng riêng, nói dễ quen.

Đất Kinh kỳ ngàn năm, nơi có triều đình, có những trường học lớn, diễn ra những khoa thi cao nhất, cả những khoa đặc biệt, như "Bác học hoành từ", "Minh kinh", nơi có những thầy đạo cao, đức vọng, như Mạc Đĩnh Chi, Chu Văn An. Nơi có "Lăng Yên Các" treo tranh vẽ các danh tướng, có cảnh vườn Thượng Lâm, có cảnh hồ, sông bát ngát, đã tạo nên những người dũng cảm và tài hoa, khéo tay và lịch sự. Được thêm đóng góp của các tỉnh, con người ấy càng đẹp và càng mạnh hơn.

Ngoài ra, các khu vực phố phường, vì công việc, vì phong khí mà con người có những nét riêng. Phía Tây Hồ Gươm, một vùng từ thôn Tự Tháp, Hàng Trống, Chân Cầm, Vũ Thạch, Kim Cổ, quanh phường Báo Thiên, là nơi đi lại của các văn nhân, sỹ tử, ảnh hưởng các trường Dưỡng Am, Hồ Đình. Phía cửa sông Tô Lịch lên Hàng Đậu, các trường Phương Đình và Cúc Hiên; hễ gần đến ngày "Bình văn" là các đình chùa chật ních, những thầy đồ từ các tỉnh về, trọ để đi nghe giảng. Từ Hàng Buồm, Hàng Bè, đến Cầu Đất, đi lại những người da sạm, râu hùm, những người hồ hới, đi mành ra Bắc, vào Nam. Ở Ngũ Xã với Hàng Bừa, rộn tiếng bễ, tiếng búa quai của những người lực lưỡng, đúc đồng, nấu gang. Ở giữa thành, Hàng Gai, Hàng Đào như là khu vực của các vị ngoài hào hoa và trong phong nhã .

Các dãy làng quanh thành có tên là Kẻ Bưởi, Kẻ Mọc, Kẻ Lủ, Kẻ Mơ, thì bà con nông thôn cũng hay gọi Hà Nội là "Kẻ Chợ". Vì là kẻ chợ, nên lịch lãm có khi hóa ra kênh kiệu, buôn bán cũng có lúc lá phải, lá trái.

Nhưng "người Tràng An" rõ ràng là người cần cù, cứng rắn, vẻ thanh lịch, đôi lúc hào hoa, yêu văn, yêu hoa, sành mỹ thuật, ăn mặc đơn sơ và trang nhã, nói lời văn vẻ dễ nghe, dễ hòa hợp với bà con phường, xóm, hay động lòng vì việc nghĩa, tình người, ghét cay ghét đắng những chuyện tục tằn kệch cỡm, hoạnh họe, lố lăng, đê tiện... Người Tràng An ở với nhau, "biết nhịn", "biết nể", "biết ngượng", "suy bụng ta ra bụng người". Trong thôn phố, có việc là chạy sang thăm hỏi ngay, ở với nhau chu tất, ăn ý, không "bỏ được lòng nhau". Tình người rõ ràng ở chỗ: Nhà ai có trẻ lạc, là chạy đến nhà cụ Phúc Hậu, bận gì cụ cũng bỏ, đi rao, tìm khắp nơi; khách nhà quê ra, đi mãi, nóng, nhọc thì thấy ngay bên đường một vại nước vối ngon với mấy cái bát sạch. Người ta tóm cả cái thanh, cái cao, cái lịch sự, ẩn ý vào hai chữ "thanh lịch".

Và khi đón bà con các tỉnh về, tiếp các khách phương xa đến, người ta nhắc nhau giứ lấy "vẻ thanh lịch của người Tràng An".

Theo KTĐT

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người Tràng An

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.