Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Cơ sở để khôi phục nghệ thuật ca trù cổ rất vững chắc"

HA OANH| 24/03/2006 07:42

Hồ sơ quốc gia về

Hồ sơ quốc gia về "Nghệ thuật ca trù của người Việt" dự kiến hoàn thành vào tháng 7 để đề nghị UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.

Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan (người chịu trách nhiệm khoa học trong việc lập hồ sơ) sau cuộc điền dã kéo dài 9 tháng qua 15 tỉnh, thành trong cả nước để thu thập tư liệu về ca trù đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi sau.

Chúng ta dựa vào cơ sở nào để khôi phục nghệ thuật ca trù cổ, thưa nhạc sĩ?

- Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan: Trước khi bắt đầu tiến hành lập hồ sơ quốc gia về ca trù, bản thân tôi đã có nhiều năm nghiên cứu về loại hình nghệ thuật này và đã tập hợp được khoảng 3.000 trang tư liệu về ca trù.

Bên cạnh số tư liệu này, chúng tôi còn tìm thấy tại các địa phương khá nhiều các di tích, văn bia liên quan tới ca trù của các giáo phường xưa để lại.

Hơn nữa, chúng tôi tìm được gần 20 nghệ nhân ca trù cao tuổi như nghệ nhân Nguyễn Thị Trúc, Phó Thị Kim Đức ở Hà Tây, Nguyễn Thị Kim, Ngô Đức Bình ở Thanh Hóa, Nguyễn Phú Đẹ ở Hải Dương...

Họ đã cung cấp cho chúng tôi những kiến thức rất sâu sắc về nghệ thuật ca trù. Cơ sở để khôi phục nghệ thuật ca trù cổ của chúng ta rất vững chắc. Mặt khác, trong 10 năm nay, rất nhiều địa phương đã tự mình gióng lên ý thức khôi phục, gìn giữ loại hình nghệ thuật này bằng nhiều hành động cụ thể. Ví dụ như ở Quảng Bình, một nghệ nhân 94 tuổi tên là Thướu đã giúp xây dựng CLB Ca trù Quảng Trạch từ 1999, hiện rất phát triển. Hay ở Đông Môn, Hải Phòng cũng vậy.

* Trong quá trình điền dã về ca trù, điều gì khiến nhạc sĩ cảm thấy bất ngờ nhất về nghệ thuật này?

- Bất ngờ nhất là sức ảnh hưởng, bao trùm của hát ca trù lên đời sống văn hóa của người dân nhiều địa phương khi xưa.

Ở làng Đẻn, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa hiện nay vẫn còn thờ một đào nương, tận bây giờ vẫn còn giữ được bộ xiêm y của đào nương này khi bà rời cung đình về truyền nghề hát cho làng này.

Hay ở làng Gạo, Nam Định có câu chuyện rất hay: Vào thời Lý làng này có đình nhưng để cho dân có chỗ xem hát, người ta đã xây dựng một cái đình gọi là đình Đũm, bằng cách cuốn rơm vào trong cột tre lắp thành đình cho dân nghe hát thờ. Ở Bắc Ninh thì có tới 10 đình làng thờ Doãn Công và Đào Nương vợ ông. Hàng loạt các di tích, văn bia có liên quan đến ca trù có thể tìm thấy ở rất nhiều làng xã trong cả nước.

* Theo nhạc sĩ, điều gì đã khiến ca trù có được sự ảnh hưởng mạnh mẽ, sâu sắc đó?

- Nghệ thuật ca trù hoàn toàn khác với các nghệ thuật khác là nó có sự truyền đời từ đời này sang đời khác theo tổ chức, theo dòng họ.

Ca trù đã được các triều đại phong kiến cho nó một tổ chức chặt chẽ là các ty giáo phường.

Mỗi ty giáo phường  được chia nhỏ ra thành những giáo phường, mỗi phường là một dòng họ. Vì thế di tích dòng họ cũng gắn với di tích về ca trù. Chỉ riêng việc theo dòng họ, nối đời này qua đời khác đã khiến ca trù gắn với tính thiêng, với tâm linh của dòng họ.

* Về mặt nghệ thuật, đâu là điểm độc đáo nhất để ca trù xứng đáng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, thưa nhạc sĩ?

- Trước hết phải kể đến nghệ thuật vừa ca hát vừa đánh phách của đào nương. Đây là một nét hết sức độc đáo vì giữa đánh phách và hát có sự đối kỵ nhau về tiết tấu. Bên cạnh đó là cây đàn đáy.

Đàn đáy là nhạc cụ duy nhất trên thế giới chỉ tham gia vào một nghệ thuật. Cây đàn này lại có những phương thức diễn tấu rất cao với các ngón đánh kỹ thuật. Nó cũng là cây đàn duy nhất mà người ta chỉ dùng nửa cần làm phím, cấu tạo đặc biệt này nhằm mục đích tạo ra một âm trầm trong bè.

Tiếp đến là sự đối kỵ về âm sắc giữa đàn và giọng hát. Tiếng hát thì cao vút, thanh mảnh còn đàn thì trầm. Sự đối kỵ này đã thể hiện ý thức về âm nhạc rất cao.

Và không thể không nhắc đến trống chầu. Đây là nhạc cụ không phải của nhạc công mà là do người thưởng thức cầm đánh với một vai trò hết sức quan trọng là thưởng phạt, khen chê và hướng dẫn cho người nghe. Nó đòi hỏi người chơi phải am hiểu văn thơ và am hiểu âm nhạc, tức là đòi hỏi một khán giả cao cấp.

* Nhạc sĩ đánh giá như thế nào về ca trù cổ hiện nay?

- Đương nhiên, không thể so sánh Thúy Hòa với các nghệ nhân trong các giáo phường thuở xưa còn lại như cụ Nguyễn Thị Trúc, Phó Thị Kim Đức, Nguyễn Thị Kim... Những nghệ nhân tài hoa như vậy còn rất ít, nhiều cụ đã không thể hát được nữa.

Qua sưu tầm và lắp ghép những mảnh ký ức của các nghệ nhân thì chúng ta mới chỉ tập hợp được gần 30 làn điệu trên tổng số 47 làn điệu của ca trù. Các nghệ nhân và dòng tộc ca trù đều đang có ý thức giữ gìn nó và vẫn có những ca nương trẻ hát rất hay.

Theo TTO

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Cơ sở để khôi phục nghệ thuật ca trù cổ rất vững chắc"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.