Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quả cau Cao Nhân xuất ngoại

ANHTHU| 10/06/2006 08:28

Lâu nay, nhiều người mới chỉ biết đến các loại nông sản nổi tiếng như bưởi Phúc Trạch, Đoan Hùng, cam Bố Hạ, xoài Nha Trang, vải thiều Thanh Hà... nhưng nếu nói đến cau Cao Nhân thì nhiều người còn lạ. Ấy vậy mà đã hàng chục năm nay, cứ đều đặn, cau Cao Nhân (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) xuất sang thị trường Trung Quốc một cách khá ổn định!

Vườn cau Cao Nhân được trồng trong mỗi gia đình

Lâu nay, nhiều người mới chỉ biết đến các loại nông sản nổi tiếng như bưởi Phúc Trạch, Đoan Hùng, cam Bố Hạ, xoài Nha Trang, vải thiều Thanh Hà... nhưng nếu nói đến cau Cao Nhân thì nhiều người còn lạ. Không chỉ những người dân thường mà ngay cả đến những người nghiện trầu cũng có thể không biết. Ấy vậy mà đã hàng chục năm nay, cứ đều đặn, cau Cao Nhân (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) xuất sang thị trường Trung Quốc một cách khá ổn định!

Theo kinh nghiệm của những người ăn trầu, quả cau Cao Nhân không quá to nhưng tròn đều, vỏ xanh mỡ. Đặc biệt, với giống cau được tuyển chọn và kỹ thuật chăm sóc riêng, quả cau Cao Nhân luôn cho thu hoạch vào thời điểm đắt nhất. Trước cũng chẳng ai để ý nhiều lắm đến loại “đặc sản” này mà chỉ biết mang cau tươi lên Hà Nội để bán. Nhưng từ khi chính sách thông thương giữa Việt Nam và Trung Quốc được thực hiện, người Cao Nhân đã có một nghề mới: sơ chế cau xuất khẩu. Quả cau Cao Nhân xuất khẩu có lúc lên tới 9 -10 nghìn đồng một quả. Không đủ cau xuất khẩu, người Cao Nhân lại đi thu mua ở khắpnơi từ Nam chí Bắc.

Chúng tôi trở lại Cao Nhân lần này đúng vào đầu vụ cau. Ông Hoàng Văn An, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, mùa làm cau của người Cao Nhân bắt đầu từ khoảng tháng 4 dương lịch cho đến tháng 1, tháng 2 năm sau. Đầu mùa, người Cao Nhân vào miền Nam làm cau sớm rồi ra Đà Nẵng, về Nghệ An, cuối cùng là về Bắc Giang và Hải Phòng. Chính vì thế, ở thời điểm đầu mùa này, người Cao Nhân vợi bớt đến phân nửa. Ông An cho biết, nếu vào chính vụ tại Cao Nhân, tức là vào khoảng tháng 10, tháng 11, chỉ cần đến đầu xã đã ngửi thấy mùi cau luộc thoang thoảng thơm như mùi bánh chưng. Rồi suốt dọc dài mọi con đường trong xã, người ta tãi cau ra để vừa tuyển lựa, vừa tận dụng chút nắng hanh hao đầu đông. Những quả cau được sấy khô tóp lại trông giống như quả trám nhăn nheo theo thớ dọc của nó.

Rẽ vào một lò sấy cau bên đường, anh Quý, một chủ lò mới từ Thành phố Hồ Chí Minh về cho biết, để có được 1 tấn cau xuất khẩu, người Cao Nhân phải thu mua được khoảng 5 tấn cau tươi. Sau khi vặt ra thành từng quả rời, chọn bỏ những quả cau già, cau điếc và những quả bị giập, nứt, người ta cho vào luộc sôi trong khoảng 3 - 4 tiếng rồi vớt ra, để ráo vỏ. Cau luộc lại được đưa lên lò sấy trong 5 ngày đêm liên tục. Để đầu tư cho một cơ sở có khoảng trên 100 lò sấy cũng không cần quá nhiều vốn. Chỉ cần có một mặt bằng rộng chừng 150 đến 200 mét vuông, vài nghìn gạch xây với vôi vữa có lưới căng ở giữa và 100 chiếc lò than tổ ong là đã thành một cơ sở tương đối lớn, có thể sấy được 50 tấn cau tươi một lúc... Tổng số vốn cũng chỉ khoảng 50 triệu đồng. Đơn giản là thế nhưng không phải ai cũng làm được. Để quả cau ngon, đẹp phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ luộc và sấy này.Phải luộc làm sao cho cau vừa chín, ngấm đủ nước thì quả cau mới ngọt. Khi sấy lại phải đảo cau liên tục cho cau nhăn đều theo thớ dọc của nó. Những quả nhăn ngang hoặc nhăn nhỏ quá đều bị loại hoặc đưa xuống loại hai...Hoàn thành các công đoạn trên, mỗi mẻ cau cũng mất đến cả chục ngày với khoảng 10 công.

Gần hai chục năm người Cao Nhân làm cau xuất khẩu (từ năm 1988) nhưng chỉ có hai năm là cau “được giá” (năm 1990 và 1994), khi đó một quả cau cũng bán được 10 nghìn đồng tiền Việt Nam. Anh Hoàng Văn Phong, một trong những chủ lò lớn nhất Cao Nhân cho biết, vụ cau năm đó, riêng lò nhà anh đã thu lãi tới gần 300 triệu đồng. Ngoài những năm được giá, trung bình mỗi năm, những lò như nhà anh vẫn xuất khoảng 50 tấn cau khô với tổng số vốn luân chuyển lên tới hàng tỉ đồng. Làm cau xuất khẩu, người dân xã Cao Nhân đã tìm được một nguồn thu đáng kể. Ngoài việc tạo công ăn việc làm cho hơn 600 lao động thường xuyên, hiện nay toàn xã đã có 40 hộ có ôtô chở hàng và 20 ôtô du lịch. Diện tích đất trồng cau cũng lên đến mức kỷ lục, hơn 200ha trên tổng diện tích 557ha đất tự nhiên. Hầu như nhà nào cũng trồng vài sào cau. Người Cao Nhân lấy quả cau làm nguồn sống chính. Người già không bươn bải đi xa được thì ở nhà trồng cau, lớp trẻ nhanh nhạy, năng động thì đi khắp nơi thu gom cau về sấy. Xa quá như trong Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nghệ An thì mở luôn lò tại chỗ, thuê nhân công làm rồi chở cau khô về. Ông An còn cho biết, ở ngay tại xã Cao Nhân có khoảng 25 cơ sở sấy cau lớn, mỗi cơ sở có từ 60 đến 100 lò và khoảng 35 cơ sở nhỏ, có từ 10 đến 30 lò sấy cau.

Quả cau, miếng trầu vốn là một nét văn hóa rất riêng của Việt Nam đã được người Cao Nhân đem xuất khẩu, quảng bá ra thế giới. Không chỉ thế, quả cau còn được coi là một trong những nguồn kinh tế chủ yếu giúp người Cao Nhân thoát nghèo và từng bước vươn lên làm giàu!

Quốc Quốc

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quả cau Cao Nhân xuất ngoại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.