Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng cổ bên sông Thiên Đức

ANHTHU| 19/06/2006 07:17

Lễ hội đền Ghềnh hằng năm mở từ ngày mồng một tháng Tám âm lịch đến ngày mười hai là chính hội. Đền Ghềnh nằm ở sát bờ sông Hồng cách đầu cầu Long Biên chừng hơn cây số. Ai đi trẩy hội đền Ghềnh nhiều lần hay mới đi lần đầu đều nhận thấy rằng: Hội đền Ghềnh cũng là hội của bánh đa tráng.

Lễ hội đền Ghềnh hằng năm mở từ ngày mồng một tháng Tám âm lịch đến ngày mười hai là chính hội. Đền Ghềnh nằm ở sát bờ sông Hồng cách đầu cầu Long Biên chừng hơn cây số. Ai đi trẩy hội đền Ghềnh nhiều lần hay mới đi lần đầu đều nhận thấy rằng: Hội đền Ghềnh cũng là hội của bánh đa tráng.

Và cũng là để được “mục sở thị” làng bánh đa, chúng tôi đã tìm về Sủi (Phú Thị - Gia Lâm) một làng quê cổ nhất Thăng Long - Hà Nội nằm bên dòng sông Thiên Đức Giang huyền thoại, hiện còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa đặc sắc của vùng ven đô, trong đó sản sinh ra nghề bánh đa quê truyền thống vùng đồng bằng Bắc bộ.

Dọc theo đường quốc lộ số 5, cách ga Phú Thụy chừng một ki-lô-mét, về bên tay trái, có một con đường chạy giữa cánh đồng, một đầu nối vào đường 5, đầu kia nối với đường đi Dâu - Keo, tới tận vùng đất xưa là thành Luy Lâu. Đó là làng Sủi, tên chữ là Thổ Lỗi, năm 1068 được vua Lý Thánh Tông đổi thành hương Siêu Loại, nay là thôn Phú Thị thuộc xã Phú Thị huyện Gia Lâm.

Làng Phú Thị, tên nôm là kẻ Sủi, theo các nhà nghiên cứu thì “Sủi” có gốc từ âm Việt cổ “S lủi”, qua phiên âm tiếng Hán là Thổ Lỗi, sau đó đổi thành Siêu Loại. Thế kỷ 16-17, văn bia trong chùa ghi tên làng là Phú Thị, từ đó tên gọi này được dùng cho đến nay. Làng Sủi là một làng cổ trong địa bàn cư trú của người Việt cổ xưa thời Hùng Vương. Xưa thuộc Kinh Bắc, cách trung tâm Hà Nội chừng 15 km. Làng ở vào địa thế quý, đẹp, mảnh đất được ca ngợi là “Đất linh sinh nhân kiệt”. Làng Sủi có 12 dòng họ, người cha nào cũng đầy sĩ khí, người mẹ nào cũng đọng chất đôn hậu. Một vùng đất hiếu học và khoa bảng, sản sinh ra nhiều nhân tài cho đất nước. Là một trong 21 làng của cả nước có 10 tiến sĩ nho học trở lên, một địa danh được cả nước biết đến không chỉ về mặt văn hóa mà cả về chính trị. 13 tiến sĩ trong một làng quê thật là quý hiếm. Lạ kỳ đến bất ngờ một nhà 3 tiến sĩ, đồng một triều có 4 thượng thư. Làng khoa bảng nhưng cổng làng, cổng nhà không hề có nét chữ khoa trương. Nếu có ai hỏi thì chủ nhân đều nói: “Ông cha chúng tôi nhân nghĩa để ẩn trong nhà, không được phép bày ra ngoài ngõ. Người làng Sủi quan niệm dù làm bất cứ chức danh gì mộ cũng không xây gạch, đổ bê tông, có vậy mới hòa đồng, biểu hiện về với đất linh hồn như nhau nên mộ như nhau, thật chí lý. Vì thế đến làng Sủi, nhiều người thầm phục: Chất khiêm tốn của người nơi đây thấm sau vào mạch đất, lòng đất.

Cũng như nhiều làng cổ ở vùng đất nghìn năm văn vật, làng Sủi có cái cổng làng bề thế đề ba chữ đại tự “Trung - Nghĩa - Lý” danh hiệu của làng được triều Lê phong tặng và có con đường lát gạch màu son, những mái nhà lợp ngói mũi hài nhấp nhô cao thấp. Lại có cây si, cây đa trước sân đình thọ dễ đến dăm bảy trăm năm, có cây gạo cổ thụ đã đi vào thơ của Thánh Quát: “Cao cao mộc miên thụ/cổ cán hà thành sơ” (tạm dịch: Cao cao một cây gạo/thân cỗi mà thanh cao).

Dân làng Sủi tự hào về cụm di tích đình - đền - chùa độc đáo ở quê nhà, càng tự hào về những tên tuổi vẻ vang gắn với cụm di tích ấy. Đình làng Sủi thờ Thần Hoàng làng là Tây Vị Đại Vương Đào Liên Hoa tướng quân - người có công giúp Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân, dựng nên nghiệp lớn. Tương truyền, trang Thổ Lỗi là nơi đóng quân của Ngài, chắc không ít trai tráng trong làng đã theo dưới cờ của Ngài lập công với nước. Đền làng Sủi thờ một người phụ nữ tài sắc vẹn toàn nổi tiếng trong lịch sử, đó là Nguyên Phi Ỷ Lan, cô thôn nữ trang Thổ Lỗi được Lý Thánh Tông đón về làm vợ, hệt như chuyện cô Tấm ướm giày mà trở thành hoàng hậu ngày xưa. Chùa Sủi tên là Đại Dượng Tự, vốn là nơi Nguyên Phi Ỷ Lan về cầu tự, sinh được Thái tử Càn Đức, rồi cho xây lại từ năm 1115. Sân đền có cái giếng cổ, bà Ỷ Lan về cầu tự tắm nước giếng này được dân gian lưu truyền đồng nhất với cô Tấm - nhân vật cổ tích thần kỳ trong truyện Tấm - Cám. Quần thể cụm di tích còn dựng một nhà văn bia để tôn vinh những người con ưu tú khác của quê hương. Nhà thơ xuất chúng, lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương Cao Bá Quát. Mười vị tiến sĩ Nho học qua các đời, 4 vị là Thượng thư và một vị là thầy học của quan đại thần Nguyễn Nghiễm - thân phụ thi hào dân tộc Nguyễn Du. Cụ cử Vũ Thạc (Nguyễn Huy Đức) bậc danh sư đã đào tạo hàng nghìn học trò danh giá, trong đó có nhà yêu nước nổi tiếng Lương Văn Can. Các nhà thơ tài danh Nguyễn Huy Lượng và Cao Bá Nhạ, các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Làng Sủi từ lâu đã là một làng lớn, dân số năm 1927 đã có 900 nhân khẩu, hiện có trên 1800 nhân khẩu lớn nhất xã. Làng có 3 thế mạnh trong việc xây dựng đời sống: Đất rộng, ruộng đất vượt quốc lộ 5 sang giáp Đa Tốn. Đồng ruộng phì nhiêu, lại có thêm nghề phụ nổi tiếng làm bánh đa, chăn nuôi gia súc, gia cầm, món tương quê chẳng kém tương Bần và cả nghề thêu dệt tơ tằm. Đặc biệt hơn, làng còn có nghề học để làm thầy, không chỉnhà giàu mà cả nhà nghèo cũng cố gắng cho con đi học. Từ thế kỷ 18 đến 19 làng có 10 tiến sĩ nho học trở lên, nơi có gần 30 vị tri phủ, tri huyện, tri châu, nhất là tứThượng thư đồng triều (1735 - 1740). Có Nguyễn Huy Lượng người nổi tiếng hàng đầu về văn thơ nôm, cuối thế kỷ 18 có Cao Bá Quát tài văn thơ vào hàng kiệt xuất đến mức vua Tự Đức phải thốt lên: “Văn như Siêu Quát vô tiền Hán” (Văn như ông Siêu, ông Quát thì tiền Hán không còn đáng kể nữa). Nhân dân tôn ông là bậc “thánh thơ” “Thần Siêu - Thánh Quát”. Về nghề dạy học: Ngoài vài chục cụ đồ, thầy giáo kế tiếp nhau qua các thế hệ dạy con em trong làng và các vùng lân cận, còn có nhiều cụ là Đông Các Đại học sĩ, Hàn lâm, tư nghiệp ở Quốc Tử Giám. Cử nhân Lương Văn Can lãnh tụ Đông Kinh Nghĩa Thục người có đóng góp lớn vào sự nghiệp trồng người, đào tạo nhân tài đất nước.

Làng Sủi luôn là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, về đóng góp sức người sức của cho đất nước. 48 liệt sĩ đã hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến. Thời kỳ cả nước đi lên XHCN phong trào học tập lại tiếp nối rầm rộ. Tới nay số người có bằng cử nhân trên 220 người trong đó có 7 tiến sỹ, 15 thạc sĩ, và gần 200 vị làm nghề dạy học, nhờ ân đức của tổ tiên và nhờ các hoạt động trên, nhiều nhà nghiên cứu, báo chí, truyền hình, các sinh viên đại học, cao học... đã về đây sưu tầm tư liệu viết sách, báo, làm luận án, đề tài khoa học, làm phim... Từ khi chính sách kinh tế mở cửa ra đời và giờ đây khu công nghiệp vừa và nhỏ chính thức khai trương ở cánh đồng làng thì cuộc sống và bộ mặt quê hương đã có sự đổi thay từng ngày. Nhà tranh không còn, nhà cao tầng mọc lên khắp các xóm. Ti vi, xe máy, điện thoại phát triển nhanh và nhiều nhất xã. Đường làng ngõ xóm rộng rãi phong quang, được trải bê tông phẳng lì, hệ thống tiêu thoát nước đồng bộ, sự đổi mới ấy đã được nhà văn Cao Văn Tuế hậu duệ của “Thánh Quát” viết một phóng sự về làng Sủi của mình: “Đường làng mưa chẳng lấm giầy” trong cuộc viết dự thi “Hà Nội Thủ đô yêu dấu của chúng ta” do báo Hànộimới tổ chức năm 1999, và bài viết đã được tặng giải nhất.

Về làng Sủi hôm nay, gặp bất kỳai họ cũng đều nói: Có cuộc sống hôm nay người dân làng Sủi không bao giờ quên công đức của tổ tiên xưa đã chọn nơi đây lập nghiệp và dày công vun đắp. Không bao giờ quên được công lao to lớn của Bác Hồ vị cứu tinh của dân tộc, của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh đã đem lại phồn vinh cho đất nước, quê hương. Không quên những gia đình đã mất mát về người và tài sản qua hai cuộc kháng chiến. Không quên những công lao đóng góp của các liệt sĩ, những cán bộ, đảng viên và dân làng, những tấm gương sáng về nghĩa tình. Hãy để một làng cổ bên sông Thiên Đức Giang quý báu như thế mãi mãi trường tồn cùng Thăng Long - Hà Nội. Hãy biết vun đắp cho làng Sủi trở thành điểm đến cho mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế.

Kiều Linh - Khánh Vy

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng cổ bên sông Thiên Đức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.