Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: Người dân bên sông Đáy “khát” những cây cầu kiên cố

Đức Hải| 31/08/2012 23:53

(HNMO)- Trên sông Đáy đoạn chảy qua các huyện: Chương Mỹ, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức (Hà Nội) đang diễn ra một nghịch cảnh, đó là tiến độ xây dựng các cây cầu kiên cố quá chậm, trong khi người dân hằng ngày vẫn phải qua sông trên những cây cầu phao ọp ẹp, thiếu an toàn.

Từ nhiều năm nay, để đáp ứng nhu cầu qua lại trao đổi buôn bán, sinh hoạt hằng ngày của người dân nên hầu như tại mỗi xã của các huyện ngoại thành Hà Nội có sông Đáy chảy qua đều bắc một chiếc cầu phao tự tạo qua sông. Dọc theo tuyến sông qua địa bàn 4 huyện: Thanh Oai, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Mỹ Đức, số cầu phao đang được bắc qua sông Đáy lên đến hàng chục chiếc, trong đó chỉ tính riêng trên địa bàn huyện ứng Hòa với chiều dài 22 km đê sông Đáy đã có đến hơn 10 chiếc cầu phao.

Các cây cầu đều được chính quyền địa phương sở tại giao cho tư nhân đứng ra đầu tư và thu phí. Vì thế thật đáng lo ngại, để tiết kiệm chi phí đầu tư nên nguyên vật liệu được người ta tận dụng như tre nứa hoặc những tấm gỗ bỏ đi để làm mặt cầu, bên dưới là những chiếc thuyền bằng bê tông, cốt thép hoặc bằng gỗ, nan tre đã được đưa vào sử dụng cả chục năm.

Những chiếc cầu phao trên sông Đáy thuộc địa bàn Hà Nội không bảo đảm an toàn


Ai đã từng đi qua những cây cầu phao này một lần chắc không khỏi cảm giác “rợn tóc gáy” vì cầu chỉ rộng chừng hơn 1m, cái thì không có lan can bảo vệ, cái thì có nhưng sơ sài, qua loa chủ yếu mang tính “đối phó”. Thêm vào đó, đường lên, xuống của những cây cầu phao tự tạo này đều hẹp và rất nguy hiểm bởi độ dốc rất lớn khi dòng sông vào mùa khô.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, những cây cầu phao tự tạo này không có trong bất kỳ tiêu chuẩn quy định nào của nhà nước, do đó không thể bảo đảm an toàn giao thông đường thuỷ, nguy cơ xảy ra tai nạn đối với người qua cầu rất cao. Nguy hiểm hơn nữa, mỗi khi có tàu, thuyền chạy dọc trên sông, các cầu phao này đều phải mở khớp nối để tàu, thuyền đi qua. Trên thực tế, thời gian qua đã từng xảy ra tại nạn chết người người tại các cây cầu phao trên địa bàn các xã Lê Thanh, Phùng Xá và Đại Hưng (huyện Mỹ Đức).

Chậm tiến độ gây lãng phí
Xuất phát từ thực tế trên nên từ nhiều năm nay, người dân sinh sống bên sông Đáy vẫn hằng mong sớm có những cây cầu kiên cố để thay thế những cây cầu phao. Khoảng 10 năm trở lại đây, trên đoạn sông Đáy chảy qua địa bàn 4 huyện kể trên đã có nhiều dự án xây dựng cầu được phê duyệt và triển khai xây dựng như: cầu Tế Tiêu, cầu Phùng Xá thuộc địa bàn 2 huyện Ứng Hòa và Mỹ Đức; cầu Phú Nam An thuộc địa bàn 2 huyện Chương Mỹ và Thanh Oai; cầu Văn Võ nằm trên địa bàn 2 huyện Thanh Oai và Chương Mỹ; cầu Hòa Viên thuộc địa bàn 2 huyện Ứng Hòa và Chương Mỹ. Tuy nhiên, thật đáng xót xa, cho đến nay mới chỉ có 3 cây cầu hoàn thành và đưa vào sử dụng, còn 2 cây cầu Văn Phương và Hòa Viên vẫn ì ạch chưa thể thông cầu cho dù thời gian thi công đã kéo dài 4-5 năm.

Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Văn Phương được khởi công vào tháng 3-2007. Cầu bắc qua sông Đáy, nối liền 2 xã Văn Võ (Chương Mỹ) và Phương Trung (Thanh Oai). Tổng chiều dài của công trình gần 955m (bao gồm phần cầu và đường 2 đầu cầu). Trong đó phần cầu có chiều dài hơn 175m; khổ cầu 8m (bề rộng phần mặt cầu 7m). Tổng mức đầu tư của dự án được phê duyệt lần 1 (tháng 10-2006) là 35 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Sở Giao thông Vận tải Hà Tây (nay là Sở Giao thông Vận tải Hà Nội); Ban Quản lý Dự án Giao thông 1 làm đại diện chủ đầu tư. Theo hợp đồng, thời gian nhà thầu hoàn thành thi công công trình là 660 ngày (kể từ ngày bàn giao mặt bằng đến ngày 15-10-2009). Tuy nhiên, do vướng mắc trong GPMB trên địa bàn huyện Chương Mỹ nên trong phụ lục hợp đồng lần 2 đã kéo dài thời gian hoàn thành thi công đến ngày 15-3-2010. Chính vì thế, ngày 3-12-2009, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã phải có quyết định phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án cầu Văn Phương lên thành 45,08 tỷ đồng. Cho đến thời điểm này, mặc dù đã hoàn thành các hạng mục xây dựng cầu nhưng do vướng mắc giải phóng mặt bằng đường dẫn bên phía Văn Võ nên cầu Văn Phương vẫn chưa thể đưa vào khai thác.

Đã 5 năm rưỡi trôi qua kể từ ngày khởi công nhưng cầu Văn Phương vẫn chưa thể đưa vào khai thác sử dụng


Còn Dự án xây dựng cầu Hòa Viên nối xã Hòa Chính (Chương Mỹ) với xã Viên An (Ứng Hòa) được khởi công xây dựng ngày 27-8-2009. Cầu có chiều dài 189,35m, rộng gần 8m, toàn bộ hệ thống đường đầu cầu và các đường gom được đấu nối vào nút giao với tỉnh lộ 419. Tổng mức đầu tư của dự án được điều chỉnh từ hơn 34,7 tỷ đồng lên hơn 47,5 tỷ đồng. Ban quản lý Dự án giao thông 2 (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) được giao làm chủ đầu tư. Thời gian hoàn thành thi công trong vòng 18 tháng. Tuy nhiên, cũng do vướng mắc giải phóng mặt bằng nên đến nay đã qua 3 năm cầu vẫn chưa thể hoàn thành.

Mục đích đầu tư xây dựng các cây cầu kiên cố trên sông Đáy nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của các huyện ngoại thành phát triển. Việc chậm tiến độ khiến không thể đưa các cây cầu vào sử dụng như kế hoạch đề ra rõ ràng là gây lãng phí tiền của ngân sách nhà nước, hiệu quả đầu tư thấp và người dân 2 bờ sông Đáy vẫn phải tiếp tục “đỏ mắt” chờ… thông cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Người dân bên sông Đáy “khát” những cây cầu kiên cố

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.