Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều vi phạm cần làm rõ

Bài, ảnh: Thiện Mỹ| 13/09/2014 07:30

(HNM) - Thông tin qua Đường dây nóng (043 8247615-0984316316), người dân thôn Trần Đăng, xã Hoa Sơn (Ứng Hòa) cho biết...


Thực hiện thu hồi đất sai quy trình?

Theo phản ánh của nhiều hộ dân thôn Trần Đăng, xã Hoa Sơn, năm 2003, cán bộ HTX Trần Đăng và UBND xã Hoa Sơn đã vận động 23 hộ xã viên, có tổng diện tích đất nông nghiệp quỹ 1 hơn 11.000m2 (đất giao lâu dài cho các hộ dân theo Nghị định 64/CP) ở cánh đồng Rộc Ngảy, cho doanh nghiệp (DN) thuê trong 10 năm. Trong các cuộc họp, người dân không nắm được nội dung, khi nhận tiền bồi thường, hỗ trợ các hộ dân cũng không được giao biên lai hay hóa đơn mà do DN chi trả. Hết năm 2013, người dân cho rằng thời hạn thuê đất đã hết nên yêu cầu DN phải trả lại ruộng, nhưng yêu cầu không được chấp nhận. Do đó, người dân đã gửi đơn đến UBND xã Hoa Sơn, đề nghị giải quyết. Qua kiểm tra hồ sơ, UBND xã Hoa Sơn trả lời: "Quyết định thu hồi đất và hợp đồng thuê đất do UBND huyện ký có thời hạn thuê đất là 20 năm, không có nội dung nào ghi thời hạn là 10 năm. Việc thanh toán đền bù theo Quyết định của UBND huyện Ứng Hòa phê duyệt và biên bản thỏa thuận đền bù một lần là 24.860 đồng/m2". Song, trả lời này không được các hộ xã viên chấp nhận nên họ đã gửi đơn đến UBND huyện. Ngày 29-8-2014, UBND huyện Ứng Hòa có Thông báo số 150/TB-UBND, trả lời việc đòi lại đất canh tác của 23 hộ dân là không có cơ sở. Ngay sau khi nhận được văn bản này, các hộ dân đã phản ứng gay gắt và một mực khẳng định: "Do thời điểm bị thu hồi đất, người dân không được nhận bất cứ một tài liệu nào bằng văn bản nên việc thu hồi đất của UBND huyện Ứng Hòa đã bị làm sai quy trình, bởi vậy mới có hợp đồng "ma" để hợp thức cho DN thuê 20 năm.

Diện tích ruộng quỹ 1 của 23 hộ xã viên đã bị thu hồi cho DN thuê từ năm 2003.



Qua xem xét bản Thông báo trả lời đơn của UBND huyện Ứng Hòa, có thể thấy UBND huyện chỉ chú trọng làm sáng tỏ giá bồi thường, hỗ trợ, thời gian cho DN thuê đất mà chưa làm rõ quy trình thu hồi đất có đúng quy định hay không; việc người dân không được nhận văn bản, tài liệu gì liên quan đến việc thu hồi đất cũng không được đề cập đến… Thiết nghĩ, để giải quyết dứt điểm vấn đề này, UBND huyện Ứng Hòa cần công khai cho người dân biết các văn bản đã thiết lập khi thu hồi đất, rà soát lại việc thực hiện các bước, quy trình thu hồi đất theo quy định pháp luật để người dân đối chứng. Khi những vấn đề trên được công khai sẽ là cách để chứng minh ai đúng, ai sai...

Nhà nước miễn, HTX vẫn thu

Chứng minh bằng một loạt các "phiếu báo thanh toán các khoản dịch vụ - vụ xuân 2013", các xã viên chỉ cho chúng tôi khoản thu sai quy định, đó là khoản "tưới tiêu: 5,5kg thóc/sào". Nhiều xã viên HTX Trần Đăng cho rằng, khoản thu này sai vì theo quy định tại Nghị định 143/2003/NĐ-CP ngày 28-11-2003 và Nghị định 115/2008/NĐ-CP ngày 14-11-2008 quy định, các hộ xã viên sản xuất nông nghiệp là đối tượng được Nhà nước miễn thủy lợi phí. Trong khi các địa phương lân cận đều miễn thủy lợi phí cho xã viên từ năm 2009, nhưng riêng HTX Trần Đăng vẫn tổ chức thu khoản này. Tính chung cả 2 vụ lúa trong một năm, xã viên đã phải trả 10kg thóc/sào, quy ra tiền vào thời điểm hiện nay là khoảng 62.000 đồng/sào. Theo tính toán của người dân, với tổng diện tích đất nông nghiệp của thôn Trần Đăng khoảng 5.300 sào thì số thủy lợi phí mà HTX Trần Đăng thu được sẽ hơn 300 triệu đồng/năm (tính số chẵn và vào thời điểm hiện tại). Trong khi đó, mỗi năm HTX Trần Đăng được Nhà nước hỗ trợ tiền thủy lợi khoảng 180 triệu đồng? Vậy, số tiền thu thủy lợi phí của người dân này được HTX sử dụng thế nào, liệu có vào túi cá nhân?

Đối chiếu khoản thu này với quy định của 2 Nghị định nêu trên và Quyết định 36/2013/QĐ-UBND ngày 10-9-2013 của UBND thành phố Hà Nội, chúng tôi nhận thấy phản ánh của người dân là có cơ sở. Tại Điều 7 của Quyết định 36/2013/QĐ-UBND quy định mức thu thủy lợi phí, tiền nước và mức trần dịch vụ thủy lợi nội đồng trên địa bàn thành phố nêu rõ: Miễn thủy lợi phí đối với diện tích đất nông nghiệp trong hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân nông dân bao gồm những người có hộ khẩu thường trú tại địa phương… Không những vậy, từ năm 2009 đến nay HTX Trần Đăng còn thu không đúng quy định giá bán điện đối với các hộ sử dụng điện 3 pha. Cụ thể, thôn Trần Đăng có 20 hộ ký hợp đồng mua điện 3 pha dùng cho sản xuất, nhưng khi thu tiền, HTX không phân loại theo khung giờ cao điểm, giờ thấp điểm, cũng không theo thang, bậc số điện… mà chỉ có một mức giá lên đến 2.532đ/kWh. Sau khi người dân có đơn tố cáo, tháng 7-2014, HTX đã giảm gần một nửa mức thu so với các tháng trước đó, còn 1.388đ/kWh?!

Thừa nhận khoản thu thủy lợi phí không đúng quy định và việc áp giá điện sai, ông Trần Khắc Hải, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Trần Đăng lý giải: Khoản thu thủy lợi phí đã được thông qua Đại hội xã viên, được xã viên đồng ý. Trong nhiều năm qua, khoản thu này được công khai, minh bạch và sử dụng vào việc xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương như: Kè mương trạm bơm cửa Đình, kè mương Mả Khoát, xây dựng một số cống ở ngoài đồng… Mức thu thủy lợi phí không phải năm nào cũng là 10kg thóc/sào vì có vụ chỉ thu 2-3kg thóc/sào, tùy tình hình thực tế. Khoản thủy lợi phí HTX thu sai nhưng nếu không có khoản tiền này thì khi xây dựng các công trình thủy lợi, giao thông nội đồng thì người dân phải đóng góp. Nay người dân đều được hưởng lợi từ các công trình đó, tiền thủy lợi HTX thu không phải vì lợi ích của cá nhân hay của một nhóm người. Trong thời gian tới, HTX sẽ tiến hành đại hội đại biểu xã viên bất thường để công khai số thủy lợi phí đã thu, số tiền đã chi dùng vào việc xây dựng công trình và xin ý kiến xã viên về cách xử lý khoản thu sai này. Còn về tiền điện, HTX sẽ mời 20 hộ có hợp đồng mua điện 3 pha đến để họp và tính toán số tiền chênh lệch và thỏa thuận với các hộ về cách xử lý…

Theo lời ông Chủ tịch UBND xã Hoa Sơn Nguyễn Đức Phương thì những nội dung tố cáo thu tiền sai quy định này đang được tổ công tác của xã xác minh, hiện chưa có kết quả. Song, chúng tôi cũng đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của Đảng ủy, HĐND và UBND xã Hoa Sơn trong công tác kiểm tra, giám sát khi trong suốt 5 năm qua những khoản thu sai trên không bị chấn chỉnh. Thử hỏi, nếu không có đơn tố cáo của người dân thì những vi phạm này sẽ tiếp nối đến bao giờ?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều vi phạm cần làm rõ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.