Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều bức xúc cần được làm rõ

Nhóm PV Ban bạn đọc| 11/12/2014 07:09

(HNM) - Từ nhiều tháng nay, người dân sống tại chung cư BMM (phường Phúc La, quận Hà Đông) do Công ty Sản xuất thương mại BMM (Công ty BMM) làm chủ đầu tư liên tục có đơn gửi các cơ quan chức năng...


Xây dựng sai phép, vượt tầng

Theo quyết định của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 thì khu nhà ở cao cấp BMM cao 30 tầng nổi, 1 tầng hầm và 1 tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân nơi đây thì công trình này hiện có 32 tầng nổi, 1 tầng hầm. Một cư dân sống tại tầng 5 cho biết, trong hợp đồng mua bán nhà của họ với Công ty BMM ghi rõ "được sở hữu căn hộ 501 ở tầng 5, song khi bàn giao nhà thì lại là căn 501 ở tầng 6. Khi đòi hỏi chủ đầu tư phải bàn giao nhà theo đúng hợp đồng thì chủ đầu tư trả lời tầng 5 là tầng kỹ thuật… (?) Qua thực tế của phóng viên, tầng 5 hiện không phải là tầng kỹ thuật mà cũng là một sàn nhà bao gồm các căn hộ để ở như các tầng khác trong tòa nhà, được ký hiệu là tầng 5A. Hiện tầng 5A đã có một số hộ đến ở. Cũng theo nguồn tin cư dân thì ngoài việc tự chuyển đổi từ tầng kỹ thuật thành tầng để ở, chủ đầu tư còn xây dựng thêm tầng 32, trong khi đó thang máy chỉ có đến tầng 30?

Tòa nhà chung cư BMM.



Tại biên bản kiểm tra của Thanh tra Bộ Xây dựng ngày 17-9-2014, chung cư BMM đã hoàn thiện 1 tầng hầm, 31 tầng nổi và 1 tầng kỹ thuật. Trong đó, từ tầng 5 đến tầng 30 đều được bố trí các căn hộ và tầng kỹ thuật cũng bố trí 6 căn hộ? Theo biên bản của Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy thì tầng 5 được tính là tầng kỹ thuật, nhưng hiện đã được lấp đầy bằng các căn hộ và hiện đã có 2 hộ gia đình đang sinh sống.

Đối chiếu việc xây dựng chung cư BMM trên thực tế với quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 do UBND tỉnh Hà Tây phê duyệt ngày 5-6-2008 thì công trình này có chiều cao 30 tầng, trong đó từ tầng 1 đến tầng 4 được bố trí làm nhà trẻ, siêu thị, sảnh tiếp đón; từ tầng 5 đến tầng 30 là nhà chung cư, tầng áp mái có thể khai thác dịch vụ cà phê. Tại kết quả thẩm định thiết kế cơ sở ngày 7-7-2008 của Sở Xây dựng Hà Tây nêu rõ, tính năng của từng tầng (đến tầng 30). Còn tầng kỹ thuật với diện tích 838m2 bố trí làm khu phục vụ kỹ thuật, hệ thống thang máy… Song, trong cả hai văn bản trên đều không chỉ rõ tầng kỹ thuật được bố trí tại tầng nào của tòa nhà, nằm ở vị trí tầng nổi hay tầng hầm. Do đó, công trình được xác định xây vượt một tầng hay hai tầng cũng là điều còn mập mờ.

Về việc này, ông Nguyễn Văn Bằng - Giám đốc Công ty BMM thừa nhận, công trình đã xây dựng sai phép, vượt tầng. Khi xây xong phần thô, chủ đầu tư đã bị nhiều cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư vẫn đang hoàn thiện hồ sơ pháp lý để hợp thức hóa vi phạm, mặc dù công trình đã đi vào hoạt động ổn định từ đầu năm 2014 (?!).

Nhiều bức xúc cần xử lý dứt điểm

Phản ánh với phóng viên Báo Hànộimới, một số cư dân chung cư BMM bức xúc cho biết, theo quy định tại Điều 6, Quyết định 69/2013/QĐ-UBND ngày 30-12-2013 của UBND TP Hà Nội về sản xuất, cung cấp, sử dụng nước sạch và bảo vệ công trình cấp nước trên địa bàn thành phố, đơn vị cấp nước có trách nhiệm đầu tư đồng bộ đến điểm đấu nối tại các hộ tiêu thụ gồm cả đồng hồ đo nước. Vậy nhưng, người dân ở chung cư BMM phải nộp 1,5 triệu đồng mới được chủ đầu tư xác nhận vào đơn xin cấp nước sạch (?).

Theo lý giải của ông Nguyễn Văn Bằng, sở dĩ Công ty BMM thu số tiền này là do trước đó BMM đã đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước đến từng hộ, nay hộ nào muốn mua nước trực tiếp từ Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông thì phải nộp trả chủ đầu tư chi phí đầu tư ban đầu. Tuy nhiên, theo trả lời của đại diện Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông, hiện nay đơn vị này mới chỉ giúp chủ đầu tư quản lý, ký hợp đồng thu tiền nước đến từng hộ chứ không nhận bàn giao hệ thống hạ tầng cấp nước của tòa nhà, khi tiếp nhận công ty không thu bất cứ khoản phí hay lệ phí nào của người dân. Do vậy, hiện nay chủ đầu tư chung cư BMM vẫn đang quản lý vận hành hệ thống cấp nước sạch của tòa nhà và bán nước đến hộ, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông mới chỉ tiếp nhận và bán nước đến 60 hộ trên tổng số gần 200 hộ dân đến ở.

Liên quan đến công tác PCCC của chung cư BMM, ông Nguyễn Văn Bằng thừa nhận, đến nay tòa nhà vẫn chưa được nghiệm thu hạng mục này mặc dù đã bàn giao nhà cho các hộ dân đến ở từ đầu năm 2014. Trong đợt kiểm tra về công tác PCCC tại chung cư BMM hồi tháng 8 vừa qua, Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty BMM vì đưa công trình vào sử dụng khi chưa được cơ quan có thẩm quyền tổ chức nghiệm thu PCCC. Sau khi bị xử phạt, công ty đã chấp hành nghiêm, đồng thời hoàn thiện đầy đủ hồ sơ theo quy định, trình các cơ quan chức năng xem xét nhưng đến nay vẫn chưa được nghiệm thu. Nhiều cư dân sống tại chung cư lo lắng khi hệ thống PCCC không được nghiệm thu, nếu chẳng may xảy ra sự cố cháy nổ thì tính mạng, tài sản của cư dân lấy gì bảo đảm?

Ngoài những tố giác nêu trên, cư dân chung cư BMM còn kiến nghị việc một số thiết bị của tòa nhà bị sai lệch so với hợp đồng mua bán nhà ở. Đặc biệt, khi chính thức bàn giao căn hộ, chủ đầu tư có nghĩa vụ cấp thẻ bảo hành chất lượng công trình cho khách hàng, thế nhưng đã gần một năm trôi qua, đến nay chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện cam kết trên. Ngược lại, về phía chủ đầu tư cũng bất bình khi nhiều gia đình đã về ở chung cư gần một năm nay, nhưng cũng chưa nộp một đồng phí dịch vụ nào…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều bức xúc cần được làm rõ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.