Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhận thức rõ giá trị lễ hội để ứng xử cho đúng

28/02/2015 03:15

(HNM) - Những ngày qua, dư luận


"Cướp hoa tre" là phong tục truyền thống

Trước tiên, phải khẳng định tục "cướp hoa tre" cầu may là một trong các hoạt động gây náo động nhất, mang phong tục truyền thống tại lễ hội Gióng ở đền Sóc. Đây là tục lệ được mô tả rõ trong hồ sơ công nhận di tích quốc gia đặc biệt dành cho quần thể kiến trúc khu di tích đền Sóc, cũng như trong hồ sơ UNESCO công nhận lễ hội đền Gióng là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Quan điểm của lãnh đạo Sở VH-TT&DL Hà Nội phản đối hành vi bạo lực, phản cảm, quá khích trong việc làm sai lạc tục lệ truyền thống này, bởi không thể cầu may thông qua hành động giành giật, tranh cướp đến mức ẩu đả. "Cướp hoa tre" là hoạt động hoạt náo, vui vẻ, có lanh lẹ, có may mắn thì lộc sẽ đến tay, chứ đánh nhau để giành lộc thì không bao giờ lộc đến. Chúng tôi khẳng định, sự cố tranh lộc ở đền Sóc không đến mức "hỗn chiến kinh hoàng" như một số thông tin trên mạng phản ánh. Tuy nhiên, ngay sau vụ việc, lãnh đạo Sở yêu cầu BTC lễ hội rút kinh nghiệm và tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, có hành vi văn minh, đúng mực trong lễ hội.
Ông Trương Minh Tiến Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội

Cần tuyên truyền để nhận diện rõ giá trị của phong tục

Tôi không trực tiếp chứng kiến sự vụ "hỗn chiến" ở lễ hội Gióng đền Sóc, nên cũng khó có thể biết vụ việc thực tế diễn ra thế nào. Tuy nhiên, ở góc độ là bạn đọc, cũng là người làm công tác nghiên cứu về di sản văn hóa, tôi có thể nêu một số ý kiến về việc này. Thứ nhất, phải khẳng định chuyện gây "hỗn chiến" để cướp hoa tre cầu may (nếu có) là hành vi phản văn hóa, không được để tái diễn. Thứ hai, cũng cần lưu ý là với các lễ hội thu hút hàng vạn người như hội Gióng, thực tế rất khó tránh khỏi những chuyện lộn xộn, quan trọng là sự việc sớm được can thiệp ổn định ngay, không gây hậu quả nghiêm trọng. Thứ ba, phải khẳng định tục "cướp hoa tre" là một trong các hoạt động làm nên giá trị di sản văn hóa phi vật thể của lễ hội Gióng ở đền Sóc cần được duy trì. Với các tục lệ truyền thống ở các lễ hội khác cũng vậy, điều quan trọng nhất là các nhà quản lý và chính quyền địa phương cần phải tuyên truyền cho nhân dân hiểu ý nghĩa văn hóa, nhận diện rõ giá trị của phong tục truyền thống để từ đó có cách ứng xử đúng nhất.
PGS, TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia

Nói "hỗn loạn tới nỗi diễn ra ẩu đả" là chưa khách quan

Liên quan đến cảnh lộn xộn tại lễ hội đền Gióng, ngày 25-2, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vương Văn Bút đã ký ban hành công văn số 41/BC-UBND nêu rõ: "Việc một số trang mạng nêu có hiện tượng "thanh niên đua nhau cướp lộc đầu năm tại lễ hội đền Gióng 2015, hỗn loạn tới nỗi diễn ra ẩu đả khiến du khách tham gia không khỏi hoảng sợ" là chưa khách quan, không đúng với bản chất của sự việc". Trên thực tế, tục "cướp lộc" là một trong những nghi thức lâu đời của lễ hội sau màn rước kiệu. Trong đoàn rước có một số thanh niên cầm gậy bảo vệ kiệu, khi khiêng kiệu do đoàn người vào xem hội đông gây ra xô đẩy, một số người bảo vệ bị ngã, dẫn tới xô xát. Tuy nhiên, sự việc đã được các lực lượng chức năng can thiệp, không có trường hợp nào bị thương.
Ông Đoàn Văn Sinh - Trưởng phòng VH-TT huyện Sóc Sơn

Bảo đảm an ninh trật tự là nhiệm vụ hàng đầu

Để lễ hội diễn ra thành công thì công tác an ninh, trật tự phải được coi là nhiệm vụ hàng đầu. Với tinh thần ấy, lễ hội chùa Hương năm nay được BTC đặc biệt chú trọng với việc huy động hơn 200 cán bộ, chiến sĩ công an của thành phố, huyện và xã nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho mùa lễ hội. Cũng do làm tốt công tác này, nên từ ngày mùng Hai Tết đến nay, công tác ANTT tại lễ hội vẫn bảo đảm, chưa xảy ra vụ việc gì tại các điểm đền, chùa, động chính. Đặc biệt, Ban quản lý đã cùng với đội kiểm tra liên ngành, kiểm tra thường xuyên các cửa hàng ăn, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; không treo móc thịt gia súc, gia cầm phản cảm; kiên quyết không để hiện tượng vui chơi có thưởng, cờ bạc… diễn ra tại lễ hội.
Ông Nguyễn Chí Thanh - Trưởng ban Quản lý khu di tích và danh thắng Hương Sơn (Mỹ Đức)

Công tác tổ chức phải được chuẩn bị chu đáo

Trên địa bàn huyện Mê Linh có khoảng 20 lễ hội, trong đó lễ hội Đền thờ Hai Bà Trưng tổ chức với quy mô lớn. Năm nay là năm chẵn kỷ niệm 1975 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, BTC đã tổ chức long trọng lễ rước kiệu Hai Bà theo nghi lễ truyền thống. Do có sự chuẩn bị chu đáo, công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên của các ngành chức năng nên lễ hội Đền thờ Hai Bà Trưng đã thành công, không có bất cứ sự cố nào xảy ra. Bởi vậy, theo tôi, công tác chuẩn bị phục vụ lễ hội phải thực sự chu đáo, khớp nối nhịp nhàng, khẩn trương từ các khâu thì mới thành công.
Ông Phan Văn Luật - Trưởng phòng VH-TT huyện Mê Linh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhận thức rõ giá trị lễ hội để ứng xử cho đúng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.