Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người giúp việc gia đình tự lo bảo hiểm?

Ngọc Hạ| 28/04/2015 08:31

(HNM) - Dành một nghị định và thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình, cho thấy Nhà nước cũng rất quan tâm đến loại hình lao động này.

Đây là một trong những nghề có xu hướng ngày càng phát triển, nhưng tên gọi và quan niệm của mọi người về nghề nghiệp này vẫn còn bị xem nhẹ, ít nhiều có sự phân biệt. Vì vậy, việc quy định cụ thể các điều khoản trong văn bản quy phạm pháp luật vừa để người lao động trong lĩnh vực này không còn bị mặc cảm, vừa giúp công tác quản lý nhà nước được tốt hơn.

Bên cạnh những quy định cụ thể về giao kết hợp đồng lao động giữa người sử dụng và người lao động giúp việc gia đình cũng như giờ giấc nghỉ ngơi, tiền lương, thưởng… thì điều được đông đảo nhân dân quan tâm nhất là quyền lợi về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) của người lao động giúp việc gia đình. Theo đó, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người giúp việc gia đình một khoản tiền tương đương với mức đóng BHXH bắt buộc, BHYT thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về BHXH, BHYT. Đây là điều được nhiều người đánh giá cao về bảo đảm quyền lợi cho người giúp việc.

Tuy nhiên, cách thức để xử lý khoản chi BHXH, BHYT này lại bị bàn tán nhiều. Bởi thay vì việc đóng BHXH cho một cơ quan quản lý như các loại hình lao động khác thì ở đây lại trả trực tiếp cho người giúp việc tự lo. Người giúp việc sẽ tự lo quyền lợi của mình như thế nào khi không ít trong số họ mới chỉ là người chưa trưởng thành, một số đông không biết chữ và đa phần cần tiền mặt để chi tiêu cho cuộc sống.

Ngoài ra, người giúp việc sẽ tiến hành các thủ tục BHXH ở đâu cũng chưa được hướng dẫn. Nếu Luật BHXH đã mở rộng cho người lao động tự do tham gia BHXH tại nơi đăng ký hộ khẩu thường trú thì người giúp việc ở tỉnh này đến tỉnh khác lao động sẽ đóng BHXH ở đâu. Nơi thường trú thì xa, không thường xuyên đi về, nơi tạm trú có được tham gia hay không đều chưa được đề cập rõ.

Có đến 90% số người giúp việc được hỏi đều chưa biết quy định này, nếu biết thì cũng chưa yêu cầu thực hiện vì người giúp việc và người sử dụng lao động đều thỏa thuận khoản lương trọn gói. Và hầu hết người được hỏi đều cho rằng nếu được trả tiền BHXH theo quy định, họ sẽ giữ lại dùng cho cá nhân và gia đình chứ không tìm cách để đóng vào nơi nào đó để chờ hết tuổi lao động mới được hưởng.

Một văn bản quy phạm được nhiều người đồng tình hưởng ứng và đánh giá cao nhưng lại lúng túng chưa biết bắt đầu từ đâu, dẫn tới kết quả khó triển khai trong thực tế. Có lẽ còn phải cần thêm sự hướng dẫn chi tiết, tuyên truyền sâu rộng hơn để chính những người trong cuộc hiểu và tự giác thực hiện, kèm theo đó là quy định trách nhiệm kiểm tra giám sát của cơ quan chức năng, cộng đồng dân cư. Có như vậy, luật mới đi vào cuộc sống hiệu quả, đem lại lợi ích nhiều nhất cho người dân nói chung và người lao động nói riêng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người giúp việc gia đình tự lo bảo hiểm?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.