Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tránh phát sinh thêm công trình “siêu mỏng, siêu méo”

Nguyễn Quân| 30/05/2015 07:05

(HNM) - Thường trực HĐND TP Hà Nội vừa giám sát việc chấp hành pháp luật về quản lý trật tự xây dựng đô thị; việc xử lý công trình



Qua đó, nhằm đánh giá tình hình chấp hành pháp luật về quản lý trật tự xây dựng đô thị, xử lý công trình "siêu mỏng, siêu méo" trên địa bàn thành phố; làm rõ kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, đồng thời xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, các ngành. Báo Hànộimới đã nhận được một số ý kiến về vấn đề này, xin giới thiệu với bạn đọc.


Chủ động ngay từ quy hoạch

Tuyến đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài (đoạn từ Bảo tàng Dân tộc học đến quốc lộ 32) do UBND quận Cầu Giấy làm chủ đầu tư thuộc địa bàn hai phường Quan Hoa và Dịch Vọng. Qua rà soát cho thấy, tuyến đường này có 25 trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng và có nguy cơ xuất hiện "siêu mỏng, siêu méo". Đến nay, UBND quận đã vận động hợp thửa, hợp khối được 11 trường hợp, còn 12 trường hợp không đủ điều kiện đề nghị thu hồi sử dụng vào mục đích công cộng, 2 trường hợp đề xuất tồn tại, chỉnh trang 1 tầng. Đáng lưu ý, trong lúc chờ đợi vận động hợp thửa, hợp khối và làm các thủ tục thu hồi, thì UBND các phường Quan Hoa và Dịch Vọng phải cắt cử cán bộ trông coi sát sao, tránh việc các hộ dân tranh thủ xây dựng kiên cố "siêu mỏng, siêu méo". Việc cắt cử cán bộ trông coi khiến cho công việc khác bị trễ nải, chậm giải quyết. Thiết nghĩ để không còn trường hợp tương tự, Nhà nước khi lập quy hoạch và phê duyệt quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường, thì việc thiết kế đô thị cần thực hiện trước khi phê duyệt dự án xây dựng tuyến đường. Việc này nhằm quản lý quy hoạch kiến trúc, cấp phép xây dựng theo quy hoạch khi GPMB mở đường, xử lý triệt để hiện tượng công trình "siêu mỏng, siêu méo".

Nguyễn Thế Hưng (Phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy)
Giải quyết rất khó khăn

Quận Đống Đa có 19 trường hợp nhà "siêu mỏng, siêu méo" tồn tại trước năm 2005. Thời gian qua, UBND quận đã nỗ lực trong vận động hợp thửa, hợp khối, nhưng công tác này rất khó khăn và gần như bế tắc, bởi đa số các hộ đã sử dụng khoảng đất đó lâu dài, ổn định, hiện đang là nơi ở, kinh doanh. Trong quá trình vận động hợp thửa, các hộ dân đều có nguyện vọng chỉnh trang để tiếp tục tồn tại. Dù thửa đất bé, nhưng lại có giá trị lớn vì ở mặt phố, nên không phải hộ nào cũng có tiền để mua hợp thửa. Còn có tình trạng "bắt bí" nhau, người mua muốn mua rẻ, người bán muốn bán đắt nên không có tiếng nói chung trong vấn đề hợp thửa. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng chưa có nguồn ngân sách để thực hiện GPMB, đền bù, tái định cư để thu hồi vào mục đích công cộng, nên các trường hợp tồn đọng vẫn cứ tồn tại. Để không còn tình trạng trên tái diễn, trong quy hoạch lập dự án xây dựng các tuyến đường, thành phố cần quy định rõ về công tác GPMB, trong đó nêu rõ trách nhiệm của các đơn vị được giao là chủ đầu tư thực hiện các dự án xây dựng các tuyến đường mới mở phải thực hiện điều tra, bố trí nguồn kinh phí để thu hồi các thửa đất không đủ điều kiện tồn tại, nhằm tránh phát sinh các công trình "siêu mỏng, siêu méo" sau GPMB.

Trương Văn Được (Phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa)
Bất cập từ chính những quy định tạm thời

Năm 2014, Sở QH-KT ban hành hai văn bản hướng dẫn. Văn bản số 264/QĐ-QHKT ngày 20-1-2014 hướng dẫn tạm thời về quản lý xây dựng, kiến trúc hai bên tuyến đường Vành đai 1 (Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu) quy định thửa đất sau thu hồi: Nếu có diện tích nhỏ hơn 4m2 thì tổ chức thu hồi; nếu có diện tích từ 4m2 đến 15m2 và có cạnh nhỏ hơn 3,2m thì cho phép chỉnh trang tồn tại 1 tầng và cao không quá 4,5m hoặc bàn giao cho quận sử dụng vào mục đích công cộng; nếu thửa đất có diện tích lớn hơn 15m2 và có cạnh nhỏ hơn 3m thì khuyến khích hợp thửa, hợp khối hoặc chỉnh trang cho tồn tại 1 tầng cao không quá 4,5m. Theo văn bản số 3382/QHKT-TTNCKTĐT ngày 25-8-2014 hướng dẫn tạm thời về quản lý xây dựng, kiến trúc hai bên tuyến đường Vành đai 2 và các tuyến đường giao thông mới mở trên địa bàn thành phố, đối với thửa đất sau khi thu hồi có diện tích nhỏ hơn 15m2 và có cạnh nhỏ hơn 3m thì khuyến khích hợp thửa, hợp khối, nếu không được sẽ phải thu hồi. Đối với thửa đất sau khi thu hồi có diện tích lớn hơn 15m2 và có cạnh nhỏ hơn 3m thì khuyến khích hợp thửa, hợp khối hoặc cho chỉnh trang tồn tại 1 tầng cao không quá 4,5m.

Như vậy nội dung hai văn bản cùng giải quyết một vấn đề nhưng lại có sự khác nhau về biện pháp xử lý đối với thửa đất có diện tích nhỏ hơn 15m2 và có một cạnh nhỏ hơn 3m. Hai văn bản trên không thống nhất với nội dung của Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 6-5-2011 của UBND TP Hà Nội. Cũng chính từ khi có hai văn bản hướng dẫn trên của Sở QH-KT, nên công tác xử lý "siêu mỏng, siêu méo" trên địa bàn một số quận có biểu hiện chùng xuống. Nhiều hộ dân ở các quận khác so sánh, viện dẫn văn bản của Sở QH-KT để không thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tránh phát sinh thêm công trình “siêu mỏng, siêu méo”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.