Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý mái che, mái vẩy: Cần xem xét cơ chế đặc thù

Bài, ảnh: Duy Biên| 30/05/2015 07:11

(HNM) - Để đạt được kết quả cao, đặc biệt là dành được sự ủng hộ của người dân, các cơ quan chức năng cần xem xét, xây dựng tiêu chí cụ thể về việc xử lý mái che, mái vảy…

Từ đầu năm 2015 đến nay, thực hiện Kế hoạch số 02/KH-BCĐ ngày 5-1-2015 của Ban chỉ đạo thành phố tiếp tục thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị", các quận, huyện, ngành chức năng đã đồng loạt ra quân triển khai công tác xử lý mái che, mái vẩy lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; biển hiệu quảng cáo sai quy định trên các tuyến đường phố. Từ giữa tháng 3 đến nay, 21 phường thuộc quận Đống Đa đã xử lý hơn 1.000 trường hợp mái che, mái vẩy, mái hiên di động; tháo dỡ gần 500 biển quảng cáo, biển hiệu sai quy định... Tại quận Thanh Xuân, tuyến đường Nguyễn Trãi được thành phố chọn làm điểm thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị" nên từ ngày 25-5 UBND quận đã chỉ đạo các phường có tuyến đường đi qua, phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường xử lý vi phạm trật tự đô thị trên tuyến. Đối với quận Hai Bà Trưng, ngày 31-3-2015, UBND quận đã ban hành Kế hoạch số 58/KH-UBND về việc chỉnh trang, phá dỡ bục bệ, mái che, mái vẩy, mái hiên di động, cầu dẫn xe, biển quảng cáo, biển hiệu, biển quảng cáo rao vặt sai quy định trên các tuyến phố thuộc địa bàn quận...

Nhiều hộ kinh doanh ở phố Hàng Đào vẫn kéo bạt để vừa che nắng, vừa đối phó với cơ quan chức năng.


Có thể nói, việc ra quân chỉnh trang đô thị, phá dỡ bục bệ, mái che, mái vẩy, mái hiên di động, cầu dẫn xe, biển quảng cáo, biển hiệu, biển quảng cáo rao vặt sai quy định trên các tuyến phố, thực hiện "Năm trật tự văn minh đô thị và bảo đảm trật tự an toàn giao thông 2015" đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân trên địa bàn các quận, huyện. Tuy nhiên, nhiều người dân cho rằng việc xử lý như hiện nay có nhiều bất cập cần khắc phục vì ảnh hưởng đến cuộc sống và kinh doanh của những hộ ở mặt phố.

Theo quy định, nếu hộ dân làm mái che, mái vẩy vượt ra ngoài diện tích căn hộ sẽ bị cơ quan chức năng dỡ bỏ, trả lại sự phong quang cho vỉa hè. Vậy nhưng, tại một số tuyến phố không có hoặc có ít cây xanh, thường xuyên bị nắng mưa tác động trực tiếp, nhiều người dân mong muốn các cơ quan chức năng xem xét cho hưởng quy chế đặc thù. Tại đây, cơ quan chức năng xây dựng bộ tiêu chuẩn về mái che, mái vẩy phù hợp với cảnh quan, vừa bảo đảm mỹ quan đô thị, vừa bảo đảm cuộc sống cho người dân. Ông Phạm Văn Viên - Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa cho biết, trong quá trình xử lý mái che, mái vẩy, UBND phường nhận được nhiều ý kiến của người dân kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét cơ chế đặc thù về mái che, mái vẩy để vừa bảo đảm cuộc sống.

Theo ông Nguyễn Thế Tuấn, Chủ tịch UBND phường Ngọc Lâm (quận Long Biên), thực hiện sự chỉ đạo của UBND quận, phường Ngọc Lâm và 14 phường của quận thực hiện nghiêm về việc tháo dỡ mái che, mái vẩy lấn chiếm vỉa hè. Tuy nhiên, qua khảo sát của phường, tại tuyến phố Ngọc Lâm vào buổi chiều có một số hộ bị "nắng xiên" nên người dân cũng kiến nghị được che bạt để chống nắng…

Việc thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị 2015" là cần thiết để bảo đảm trật tự, mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, để việc thực hiện các tiêu chí văn minh đô thị bền vững, phù hợp với thực tế, bảo đảm sinh hoạt của người dân, bên cạnh xử lý nghiêm vi phạm, đối với các tuyến phố đặc thù mà nhà dân thường xuyên bị mưa nắng tác động, thiết nghĩ, các cơ quan quản lý cần xem xét cho phép có hệ thống mái che di động theo tiêu chuẩn thống nhất, đồng bộ về kích thước, màu sắc... tạo sự văn minh và ổn định đời sống người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý mái che, mái vẩy: Cần xem xét cơ chế đặc thù

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.