Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần sự đồng thuận của người dân

Hồng Cương| 04/07/2015 06:02

(HNM) - Đường dây nóng Báo Hànộimới nhận được phản ánh, thắc mắc của bạn đọc về việc triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo quy hoạch tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm. Những thắc mắc của người dân xoay quanh vấn đề giá cả hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB), chế độ chính sách…

Được biết, ngày 15-11-2013, UBND TP Hà Nội có Văn bản số 8688/ UBND-KH&ĐT, về việc chấp thuận chỉ định nhà đầu tư thực hiện Dự án đầu tư xây dựng công trình theo quy hoạch tại xã Ninh Hiệp. Dự kiến chức năng sử dụng đất là làm chợ và dịch vụ thương mại, nhà ở thấp tầng. Địa điểm xây dựng dự án tại trung tâm xã, thuộc các ô đất quy hoạch xây dựng nông thôn mới xã Ninh Hiệp giai đoạn đến năm 2020. Thời gian và tiến độ thực hiện dự kiến từ năm 2014 đến năm 2016.

Tiếp đó, ngày 23-1-2014, UBND thành phố có Văn bản số 624/ UBND-NNNT, dựa trên cơ sở đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường, giao UBND huyện Gia Lâm chỉ đạo Ban GPMB của huyện thực hiện công tác GPMB theo quy hoạch. Toàn bộ kinh phí thực hiện do chủ đầu tư là Công ty TNHH Tập đoàn thương mại Tuấn Dung chịu trách nhiệm chi trả. Ngày 12-2-2015, UBND thành phố cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Tuấn Dung thực hiện dự án "Đầu tư xây dựng công trình theo quy hoạch tại xã Ninh Hiệp, Gia Lâm". Theo đó, diện tích đất nghiên cứu của dự án là gần 55.000m2; trong đó diện tích đất đầu tư xây dựng khu nhà thấp tầng hơn 49.000m2; diện tích đầu tư xây dựng khu chợ và dịch vụ thương mại hơn 5.900m2. Tuy nhiên, cho đến nay, một số hộ dân nằm trong diện GPMB của dự án vẫn chưa đồng ý với mức bồi thường giá đất.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Dương Văn Tuấn, Trưởng ban Bồi thường GPMB huyện Gia Lâm cho biết, trong khu vực phạm vi dự án có hai loại đất: Đất nông nghiệp được giao theo Nghị định 64/CP; còn lại là đất thuê thầu của xã. Trước mắt, huyện Gia Lâm tập trung GPMB diện tích đất nông nghiệp, gồm gần 14.300m2, liên quan đến 164 hộ dân và 962m2 đất kênh mương. Đến thời điểm này, đã có 122 hộ dân nhận hỗ trợ với số tiền khoảng 8 tỷ đồng và diện tích đã bàn giao hơn 10.400m2. Còn lại 42 hộ với diện tích hơn 3.800m2 (với số tiền hỗ trợ đền bù khoảng 2,9 tỷ đồng), huyện đã phê duyệt phương án và làm đầy đủ các quy định pháp luật.

Một số hộ dân có ý kiến giá bồi thường thấp và đề nghị chủ đầu tư dự án phải thỏa thuận với người dân về giá đền bù, hỗ trợ. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, UBND TP Hà Nội và các cơ quan chức năng đã nghiên cứu kỹ kiến nghị của người dân, từ đó trả lời, giải đáp rất rõ ràng. Đồng thời, UBND huyện đã căn cứ, áp dụng đúng các quy định của UBND TP Hà Nội về đền bù, hỗ trợ GPMB. Trên cơ sở đó, đã có thêm 7 hộ dân kê khai kiểm đếm diện tích đất. Để bảo đảm tiến độ dự án và phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tạo thuận lợi xây dựng nông thôn mới, ngày 12-6-2015, UBND huyện Gia Lâm đã ban hành các quyết định cưỡng chế và tống đạt đến các hộ dân.

Thiết nghĩ, dự án Đầu tư xây dựng công trình theo quy hoạch tại xã Ninh Hiệp, Gia Lâm đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, khi đưa vào sử dụng không chỉ cải tạo cơ sở hạ tầng mà còn phục vụ đời sống của người dân địa phương. Trước các kiến nghị của người dân, đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục tìm tiếng nói chung để giải quyết vụ việc có hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần sự đồng thuận của người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.