Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải quyết hay không là ở chính quyền cơ sở

Linh Nguyễn| 25/07/2015 07:23

Tuần qua, dư luận xôn xao câu chuyện một bức tường còn lại sau khi giải phóng mặt bằng, mở đường trên đường Nguyễn Văn Huyên (quận Cầu Giấy), được rao bán với giá 1 tỷ đồng. 1 tỷ đồng cho bức tường dài hơn 10m, rộng khoảng 14cm là cái giá không tưởng.

Nếu không có bức tường án ngữ này, chắc chắn nhà phía trong sẽ thành nhà mặt đường, giá trị tăng lên nhiều lần. Vậy, ai sẽ mua bức tường có giá không tưởng này? Chắc chắn, nếu có mua, chỉ có một khách hàng duy nhất là chủ nhà bên trong. Câu chuyện bức tường 1 tỷ đồng là ví dụ rõ nhất, sinh động nhất cho những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong xử lý nhà "siêu mỏng, siêu méo".

Theo báo cáo giám sát của HĐND TP Hà Nội, trong khi thành phố vẫn còn 174 trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện diện tích để xây dựng hoặc đã xây dựng thành những công trình có kiến trúc kỳ quặc, chưa được xử lý dứt điểm, thì trên những tuyến đường mới mở như Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 2,5, Kim Mã - Trần Phú, Nguyễn Văn Huyên… phát sinh thêm 442 trường hợp nhà "siêu mỏng, siêu méo" mới. Thành phố đã ban hành nhiều quy định giải tỏa, xử lý nhà thuộc diện này, trả lại mỹ quan cho đô thị; thậm chí từ khi lập hồ sơ giải phóng mặt bằng mở đường sẽ đồng thời thu hồi ngay những thửa đất không đủ điều kiện xây dựng. Nhưng sở dĩ nhà "siêu mỏng, siêu méo" vẫn phát sinh là do còn nhiều điểm chưa rõ, chẳng hạn căn cứ thu hồi đất là gì? Nếu thu hồi đất làm đường thì có chỉ giới mở đường. Những thửa đất không đủ điều kiện thường nằm ngoài chỉ giới này, nếu thu hồi phải lập dự án khác, chứ không đơn giản nói thu là thu. Thêm nữa, một căn cứ quan trọng là quy hoạch chi tiết hay thiết kế đô thị hai bên tuyến đường hầu như chưa có, hầu hết đất đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, nên đã khó lại càng khó.

Phương án hợp thửa, hợp khối công trình là phương án "đẹp" nhất, vừa không phải thu hồi đất, vừa giải quyết được nhà "siêu mỏng, siêu méo". Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng đạt được thỏa thuận. Hộ phía ngoài mặt đường muốn bán với giá cao, hộ phía trong chỉ muốn mua lại phần đất cắt xén với giá rẻ. Tâm lý thường là nhà bên ngoài cho rằng nhà bên trong ra mặt phố sẽ có giá trị tăng nhiều lần, trong khi nhà bên trong nghĩ mình không mua thì chẳng ai mua. Không thỏa thuận được, chính quyền cũng chỉ biết vận động để tìm tiếng nói chung chứ chẳng thể can thiệp sâu vì đó là tài sản riêng. Thế nên, nhiều khi chính quyền còn đang lúng túng chưa biết xử lý hướng nào thì người dân đã tranh thủ ngày đêm xây dựng gấp rút, đến khi đường xong thì xây nhà "siêu mỏng, siêu méo" cũng đã xong.

Trở lại câu chuyện bức tường có giá 1 tỷ đồng, được biết chính quyền địa phương khẳng định, tất cả các trường hợp đất không đủ điều kiện xây dựng, nếu không thỏa thuận hợp thửa, hợp khối được, đều phải thu hồi. Giá tiền bồi thường theo khung giá đất của thành phố. Mục đích sử dụng là làm công trình công cộng như bảng tin, đặt cột ATM, nhà chờ xe buýt… Như vậy, giá bức tường rẻ hơn nhiều so với cái giá 1 tỷ đồng. Qua đây, có thể thấy giải quyết triệt để hay không nhà "siêu mỏng, siêu méo" còn phụ thuộc vào quyết tâm của chính quyền địa phương. Về lâu dài, có lẽ nên tính đến phương án quy hoạch, thiết kế rõ ràng, đồng bộ hai bên tuyến phố, đưa ra phương án kiến trúc cụ thể và chế tài với trường hợp cố tình không chấp hành. Còn nhớ, Hà Nội đã từng tính phương án thu hồi đất cả hai bên đường, thiết kế xây dựng đồng bộ. Nếu thực hiện được, không chỉ thành phố có những con đường đẹp, tuyến phố khang trang, mà còn có nguồn thu không nhỏ bù cho kinh phí mở đường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết hay không là ở chính quyền cơ sở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.