Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không thể dạy Lịch sử kiểu “3 trong 1”!

Nguyễn Huy| 23/11/2015 07:25

(HNM) - Theo Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) lấy ý kiến góp ý, môn Lịch sử sẽ được tích hợp cùng bộ môn Đạo đức công dân và Quốc phòng thành bộ môn


Ai cũng biết, Lịch sử là một bộ môn quan trọng, có vai trò lớn trong việc hình thành nhân cách, lối sống của học sinh. Qua môn học Lịch sử, học sinh (HS) sẽ biết, hiểu về các tấm gương sáng tạo, ý chí vươn lên, đấu tranh vượt khó của các nhà cách mạng, nhà khoa học… trong từng giai đoạn lịch sử. Sâu xa hơn nữa là hiểu được giá trị trong cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, giàu và nghèo, hậu quả của xung đột lợi ích…


HS có thích môn Sử hay không phụ thuộc nhiều vào nội dung kiến thức trong SGK và phương pháp truyền đạt của giáo viên (ảnh minh họa).


Lịch sử cũng là bộ môn có tính hệ thống. Phải có kiến thức xuyên suốt từng thời kỳ mới có thể hình dung được "bức tranh" về quá trình phát triển. Nếu chỉ "tích hợp", "trộn lẫn" cùng 2 môn học khác, được truyền đạt theo kiểu vụn vặt thì HS có thể sẽ hiểu méo mó, sai lệch về lịch sử. HS sẽ không thấy được tầm quan trọng, sự đóng góp của con người, xã hội lịch sử đối với sự phát triển hiện tại. Tuy là một môn học quan trọng, song từ trước tới nay môn học này thường chưa tạo được sự hứng thú, yêu thích của một bộ phận học sinh. Khi là một môn học độc lập đã vậy, nếu "tích hợp" có thể càng khiến bộ môn này khó tìm được chỗ đứng xứng đáng trong lòng HS.

Ngày 17-11, Ban Xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (Bộ GD-ĐT) có văn bản cho biết: Môn Sử không chỉ tích hợp "3 trong 1" với 2 nội dung khác mà còn được học lồng ghép trong văn, địa và các hoạt động trải nghiệm khác với thời lượng 3 tiết/tuần. Điều này bảo đảm tính thống nhất, giúp người học, người dạy dễ dàng vận dụng, tổng hợp các kiến thức khác nhau để giải quyết vấn đề. Môn Sử chỉ bị giảm khối lượng kiến thức chứ không bị "xóa sổ" như dư luận đang lo ngại.

Nhiều người cho rằng "ghép" là đúng vì HS không hứng thú với môn Sử, học môn Sử quá buồn chán, tẻ nhạt. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong kỳ thi THPT năm 2015 chỉ có hơn 152.000 HS đăng ký thi môn Sử, chiếm 15,3% trong tổng số gần 1 triệu HS cả nước. Rất nhiều cụm thi thậm chí không có thí sinh dự thi môn này. Kết quả thi môn Sử năm 2015 cũng rất kém, có tới 1.200 thí sinh bị điểm liệt, đứng thứ 2 về bộ môn có nhiều thí sinh bị điểm liệt nhất, sau môn toán.

Thực tế, HS thờ ơ với môn Sử không phải vì môn học này chán. Tiên trách kỷ, trước hết phải xem lại… phương pháp dạy Sử. Nếu cứ bắt HS "nhai" Sử bằng các số liệu cũ mèm, như chiến thắng A diễn ra vào ngày… tháng… năm… phá bao nhiêu lô cốt, diệt bao nhiêu địch, bắt sống bao nhiêu tên... thì đương nhiên chán. HS cũng chẳng tìm thấy ý nghĩa lịch sử từ những số liệu khô cứng đó. Vì vậy các em sẽ không thấy hứng thú, không thấy tầm quan trọng của lịch sử.

Có mấy ai nhớ năm nào Isaac Newton phát minh ra định luật Vạn vật hấp dẫn nhưng câu chuyện tình cờ dẫn dắt suy nghĩ của ông (quả táo rơi vào đầu) lại được lưu truyền mãi. Ít người biết Nguyễn Huệ tiến quân ra Thăng Long diệt bao nhiêu quân đối phương nhưng người ta nhớ cuộc hành quân thần tốc năm đó (một người nằm võng, hai người cáng, thay nhau nghỉ, vừa đi vừa thổi cơm để di chuyển suốt ngày đêm, đến nơi sớm hơn dự tính, giành chiến thắng vì đã tiến công bất ngờ)…

Lịch sử muốn hấp dẫn, dễ hiểu, nhất là đối với trẻ em thì cần phải thông qua các câu chuyện sinh động, thú vị. Các em cũng có thể rút ra ý nghĩa lịch sử ngay từ nhân vật, chi tiết đó. Vì vậy, Sử chưa hấp dẫn học sinh vì chương trình dạy quá khô cứng, vĩ mô. Người dạy cũng lại quá máy móc "truyền" kiến thức giống như máy đọc. Do vậy, cần thay đổi cách học, cách dạy Sử chứ không phải sửa chữa bằng một biện pháp khô cứng khác: giảm khối lượng kiến thức, ghép Lịch sử vào các môn học khác là hy vọng môn học sẽ sinh động hơn, học sinh có thể yêu Sử! Như thế chẳng khác nào "chẩn bệnh một đằng, bốc thuốc một nẻo"!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không thể dạy Lịch sử kiểu “3 trong 1”!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.