Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân: Luồng nghề vẫn tắc?

Lê Nguyễn| 16/01/2016 07:07

(HNM) - Ngày 6-1-2016, Bộ GD-ĐT đã trình Chính phủ khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân với mục tiêu hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Đây là lần đầu tiên, khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam được thể hiện thành sơ đồ cụ thể tới từng cấp học, bậc học. Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận là khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân vẫn chưa thể hiện rõ mục tiêu phân luồng HS sau giáo dục cơ bản - vấn đề bức thiết được đặt ra từ hàng chục năm nay.

Là người thường xuyên theo dõi, quan tâm đến những chủ trương, quyết sách về giáo dục, tôi cho rằng việc Bộ GD-ĐT xây dựng và đề xuất Chính phủ đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân là yêu cầu cần thiết, nhất là khi đang tích cực triển khai Nghị quyết 29-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT. Có thể thấy rõ nguyên do của sự cần thiết này. Đó là cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân hiện còn bị phân mảng, sự liên kết các bộ phận (giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, giáo dục ĐH) còn lỏng lẻo. Những bất cập, tồn tại diễn ra trong thời gian dài vừa qua là tình trạng mất cân đối trong cơ cấu trình độ, từ đó dẫn đến tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ", chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực của xã hội trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Từ đây, có thể hiểu vì sao đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân lần này của Bộ GD-ĐT nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận đến vậy. Nghị quyết 29-NQ/TƯ đặt ra yêu cầu đổi mới giáo dục theo hướng mở, đẩy mạnh phân luồng sau THCS và định hướng nghề nghiệp ở THPT. Nhưng, dường như đề án vẫn chưa đề cập và có phương án giải quyết vấn đề rất bức thiết đặt ra từ hàng chục năm nay đối với giáo dục nói riêng và xã hội nói chung là phân luồng HS sau giáo dục cơ bản. Theo tờ trình, cơ cấu giáo dục không thay đổi về cấu trúc so với Luật Giáo dục. Cụ thể, giáo dục cơ bản vẫn ổn định 9 năm cho mọi đối tượng, mọi địa bàn; cấp THPT là 3 năm như hiện nay nhưng HS có thể chọn trong 3 luồng là định hướng chung, định hướng kỹ thuật, công nghệ hoặc định hướng năng khiếu (nghệ thuật, thể thao).

Bộ GD-ĐT chưa đề cập rõ nên HS chưa biết sẽ lựa chọn các luồng theo điều kiện gì, các môn học, lĩnh vực của từng luồng ra sao... Tôi cho rằng, không nhất thiết tất cả HS đều phải học hết lớp 12 rồi mới phân luồng. Các em chỉ cần học hết lớp 9, từ đó, tùy theo nguyện vọng, khả năng, có thể chuyển sang học nghề. Trong quá trình học nghề, các em vẫn có thể tiếp tục hoàn thiện kiến thức văn hóa phổ thông và đáp ứng tốt yêu cầu rèn luyện kỹ năng, tay nghề ngay từ sớm. Nếu tất cả đều vào lớp 12, có lẽ ít học sinh muốn quay lại học trung học nghề hoặc trung cấp nghề. Thực tế diễn ra thời gian qua là minh chứng rõ nét. Đó là còn tồn tại tâm lý sính bằng cấp, coi vào ĐH là con đường tốt nhất để lập nghiệp, chưa kể đến việc mạng lưới đào tạo nghề còn bất hợp lý, mới chỉ tập trung ở đô thị và vùng kinh tế phát triển, ảnh hưởng tới việc phân luồng tại chỗ ở địa phương. Theo tôi, việc phân luồng học nghề ngay từ sau THCS cũng sẽ góp phần làm cho "đầu vào" ở bậc ĐH có chọn lọc hơn, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo ở bậc học này.

Bên cạnh đó, nếu xây dựng ba loại hình học ở THPT thì các trường THPT hiện nay có đáp ứng được yêu cầu giáo dục hay không? Để thực hiện chương trình này, có thể phải hình thành loại hình trường THPT mới hay không? Đó là những câu hỏi cần có lời giải đáp cụ thể, rốt ráo, từ đó mới có thể tạo được sự đồng thuận trong việc tìm ra đáp án rõ ràng cho việc khai thông con đường học nghề cho HS.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân: Luồng nghề vẫn tắc?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.