Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tại xã La Phù (huyện Hoài Đức): Vì sao lò mổ trái phép chưa bị xử lý?

Đỗ Hà| 23/07/2016 07:05

(HNM) - Ngay trong khu dân cư đông đúc của thôn Độc Lập, xã La Phù (huyện Hoài Đức), từ năm 2014 đến nay, có tới 4 khu đất nông nghiệp bị biến thành nơi giết mổ gia súc (GMGS) trái phép của 8 chủ lò mổ.

Một lò mổ trái phép xây dựng trên đất nông nghiệp tại thôn Độc Lập.


Hoạt động GMGS diễn ra hằng ngày, tiếng lợn kêu, xe máy, ô tô vận chuyển hàng ra, vào lò mổ gây ồn ào; nước thải trong quá trình giết mổ được xả thẳng ra hệ thống kênh mương gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng…, ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt của nhân dân trong thôn. Vậy mà không hiểu vì lý do gì, các lò mổ trái phép này vẫn chưa bị xử lý?

Lò mổ “3 không”

Tiếp xúc với phóng viên Báo Hànộimới, nhiều người dân rất bức xúc về các lò GMGS (chủ yếu là lợn) trái phép đang hoạt động trên địa bàn thôn Độc Lập. Bà Nguyễn Hồng H. nhà gần lò GMGS xây dựng trên khu đất nông nghiệp của hộ ông Nguyễn Phan Hưng, đồng Vệ Xóm cho biết, kể từ ngày lò GMGS hoạt động, cuộc sống, sinh hoạt người dân xung quanh bị đảo lộn. Khoảng 2-3h sáng, khi người dân đang yên giấc thì bị đánh thức bởi tiếng lợn kêu, tiếng xe máy, ô tô ra vào lò mổ, hoạt động giết mổ kéo dài đến khoảng 5h. Đến chiều, khoảng 13-15h, hoạt động GMGS lại tiếp diễn, phá tan sự yên tĩnh của vùng quê vốn yên bình. “Người dân đã nhiều lần làm đơn, phản ánh trực tiếp với chính quyền địa phương trong các cuộc họp, tiếp xúc cử tri, đề nghị sớm xử lý dứt điểm các lò GMGS trái phép trên địa bàn, vậy mà đến nay các lò vẫn ngang nhiên hoạt động” - bà H. bức xúc.

Tìm hiểu thực tế tại địa phương và tiếp cận một số hồ sơ liên quan, phóng viên được biết, từ cuối năm 2014, tại thôn Độc Lập xuất hiện lò GMGS đầu tiên xây dựng trên đất nông nghiệp. Đến giữa năm 2015, một số người tiếp tục đến thôn Độc Lập thuê đất nông nghiệp, xây dựng lều lán và một số hạng mục công trình để hành nghề GMGS. Quan sát của phóng viên cho thấy, các lò GMGS ở đây được xây dựng rất sơ sài. Các chủ lò chủ yếu xây dựng tường lửng (khoảng 1,5m), sau đó làm khung sắt, lợp mái tôn. Có chủ lò làm khung nhà bằng gỗ, lợp bằng tấm lợp prôximăng, lợp phên tre, nứa; nền nhà được lát xi măng hoặc gạch men; việc giết mổ được thực hiện thủ công.

Theo đại diện lãnh đạo xã La Phù, tất cả các lò mổ đều “3 không”: Không Giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP; kinh doanh không đúng ngành nghề được cấp trong Giấy chứng nhận kinh doanh; không có hệ thống xử lý nước thải. Không những mất VSATTP, các lò GMGS còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do toàn bộ lượng nước thải sau khi giết mổ được các chủ lò xả thẳng ra hệ thống cống rãnh thoát nước của thôn và khu đất nông nghiệp phía sau. Thống kê của UBND xã La Phù, đến đầu năm 2016, tại thôn Độc Lập có 8 chủ lò giết mổ đang thuê đất nông nghiệp của 4 hộ dân gồm: Nguyễn Hưng Tiến (647,5m2); Nguyễn Hưng Tuấn (310,5m2); Nguyễn Phan Quyền (248,75m2) và Nguyễn Phan Hưng (116m2) để hành nghề.

Bao giờ xử lý?

Khi được hỏi, vì sao các chủ lò GMGS hoạt động trái phép kéo dài, sử dụng đất nông nghiệp để xây dựng lò GMGS khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, mà chính quyền không xử lý, ông Nguyễn Hữu Khoa - Phó Chủ tịch UBND xã La Phù cho biết, trước khi 4 hộ có đất nông nghiệp kể trên cho các chủ lò GMGS thuê, một số hộ đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, xây nhà tạm, lều lán, tường bao… để chăn nuôi, trồng cây. Chính quyền xã đã lập biên bản đình chỉ thi công, xử phạt hành chính, đề nghị tháo dỡ công trình, song các hộ vẫn cố tình vi phạm. Đặc biệt, sau khi thuê đất của 4 hộ, 8 chủ lò giết mổ cải tạo và xây dựng thêm một số hạng mục phục vụ việc GMGS.

Thời điểm này, UBND xã tiếp tục lập biên bản vi phạm, tạm giữ một số thiết bị, thậm chí đã phá dỡ phần công trình đang thi công trên khu đất của hộ ông Quyền; đề nghị HTX La Phù, Công ty Điện lực Hà Đông ngừng cung cấp điện đối với các hộ vi phạm. Thế nhưng, bất chấp lệnh ngừng thi công, các hộ vẫn hoàn thiện công trình và đưa vào sử dụng. Ông Khoa cũng thừa nhận, vi phạm vẫn tồn tại do chính quyền xã không xử lý dứt điểm từ khi phát sinh.

Đầu năm 2016, với sự vào cuộc tích cực trong tuyên truyền, vận động, chủ lò giết mổ thuê khu đất của hộ ông Hưng đã dừng hoạt động, một số lò khác hoạt động cầm chừng. Ngày 30-3-2016, UBND xã đã ban hành các quyết định cưỡng chế đối với 4 chủ sử dụng đất, yêu cầu các hộ phải tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, thời gian thực hiện 15 ngày, thế nhưng đã quá thời hạn thực hiện hơn 3 tháng, các lò mổ vẫn hoạt động bình thường(!?).

Giải thích lý do chưa thực hiện các quyết định cưỡng chế, ông Khoa cho hay, do thời gian vừa qua, cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung cho công tác bầu cử, kiện toàn các chức danh… nên xã chưa tổ chức cưỡng chế.

Vi phạm đã quá rõ, đề nghị UBND huyện Hoài Đức sớm chỉ đạo các lực lượng chức năng, UBND xã La Phù xử lý, giải tỏa dứt điểm các lò GMGS trái phép.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tại xã La Phù (huyện Hoài Đức): Vì sao lò mổ trái phép chưa bị xử lý?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.