Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần người bắt quả tang vi phạm

Ngọc Hạ| 05/12/2016 06:56

Tăng gấp 10 lần mức phạt so với hiện nay, Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành vào tháng 2-2017 sẽ đủ sức răn đe đối với người vi phạm.

Chẳng hạn, với hành vi vứt, thải, bỏ đầu mẩu thuốc lá không đúng quy định có thể phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng (quy định hiện hành chỉ từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng), vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng quy định phạt đến 3 triệu đồng và vứt rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố, vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc vào hệ thống thoát nước mặt trong khu đô thị sẽ bị phạt cao nhất là 7 triệu đồng. Tuy nhiên, không ít người cho rằng, nếu không tăng cường kiểm tra, kiểm soát, cử người có thẩm quyền phát hiện, lập biên bản hành vi vi phạm hay trang bị các thiết bị ghi hình phạt nguội thì không thể có cơ sở để ra quyết định xử lý vi phạm.

Thực tế mức xử phạt vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo Nghị định 179/2013/NĐ-CP và Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội… hiện nay đến mức 2 triệu đồng cũng không phải là thấp nhưng số trường hợp xử phạt ở mức khiêm tốn vì vướng quy trình xử lý. Để ra quyết định phạt thì phải căn cứ biên bản vi phạm hành chính. Nhưng chính quyền phường, xã cho biết không đủ lực lượng để chốt trực bắt quả tang vi phạm, nhân viên môi trường thì không có thẩm quyền xử phạt, nhiều người dân còn sợ đấu tranh với người vi phạm vì e ngại bị trả thù… Muốn thay đổi cơ bản tình trạng vệ sinh môi trường hiện nay, mức phạt là một phần quan trọng, nhưng điều quyết định thành công lại nằm ở trình tự thủ tục xử phạt sao cho hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần người bắt quả tang vi phạm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.