Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các trại chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Đỗ Hà| 12/12/2016 07:02

(HNM) - Người dân xã Thạch Thán đang phải chịu đựng ô nhiễm môi trường do nước thải, thức ăn thừa trong chăn nuôi của các hộ nuôi lợn tại khu đồng Sen, đồng ­Nội chưa xử lý đổ ra kênh mương.

Các tuyến kênh tiêu nước tại khu đồng Sen, đồng Nội (xã Thạch Thán) đều đen kịt vì nước thải.


Đây là phản ánh của người dân thôn Dương Cốc, xã Đồng Quang (Quốc Oai) tới Đường dây nóng, Báo Hànộimới. Để tìm hiểu phản ánh của người dân, phóng viên tới khu đồng Sen và đồng Nội - khu chăn nuôi tập trung của xã Thạch Thán. Mới đặt chân đến đầu khu vực chăn nuôi xa khu dân cư này, chúng tôi đã ngạt thở bởi mùi hôi thối đặc trưng của nghề chăn nuôi lợn bốc lên nồng nặc. Một số kênh mương chảy quanh khu vực đều có màu đen kịt, đặc quánh, bốc mùi hôi thối. Nguyên nhân là do nhiều hộ chăn nuôi lợn tại khu vực này đã xả thẳng phân lợn, nước thải, thức ăn thừa chưa qua xử lý ra môi trường.

Đáng chú ý nhất phải kể đến trang trại chăn nuôi lợn thương phẩm với quy mô 1.800 con của hộ ông Đỗ Văn Thiết. Quan sát bên sườn trái khu trang trại, phóng viên thấy một bể lớn được che lưới đen là bể chứa chất thải từ chăn nuôi lợn, sát cạnh là tuyến kênh lộ thiên rộng hơn 2m, đen kịt, đặc quánh bởi chất thải từ lợn. Nước thải từ trang trại này chảy ra tuyến kênh chạy quanh khu trang trại, sau đó thoát ra kênh tưới, tiêu chạy dọc đường 421B (hướng từ Thạch Thán đi Cấn Hữu).

Trao đổi với phóng viên, ông Lương Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Thán thừa nhận tình trạng xả thải phân lợn, nước thải ra kênh mương gây ô nhiễm môi trường, vì tại khu chăn nuôi tập trung này vẫn còn 22/73 hộ chăn nuôi lợn các loại (quy mô bình quân 50-60 con/lứa trở lên) chưa xây dựng hầm bioga. Với các hộ dân đã có hầm bioga, thì hầm xây dựng nhỏ, quy mô chăn nuôi lại lớn nên chỉ giải quyết vấn đề thu hồi khí sinh học để tận thu làm nhiên liệu, không giải quyết triệt để được ô nhiễm nguồn nước và mùi hôi thối. Trước phản ánh của người dân, UBND xã đã nhiều lần phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện kiểm tra, nhắc nhở các hộ thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, song do kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống xử lý môi trường quá lớn nên các hộ chăn nuôi chưa có kinh phí đầu tư xây dựng.

Về giải pháp nhằm giảm ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi lợn, ông Nguyễn Hữu Thưởng, cán bộ Phòng TN-MT huyện Quốc Oai cho biết, trước mắt phòng sẽ phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức, năng lực cho người chăn nuôi. Huyện đang giới thiệu một đơn vị tư vấn về khảo sát và tư vấn cho hộ ông Đỗ Văn Thuyết lắp đặt hệ thống xử lý môi trường, hầm bioga, máy sục khí... Nếu hoạt động tốt sẽ tiếp tục tuyên truyền để nhân rộng trong khu chăn nuôi tập trung của xã Thạch Thán. Đồng thời khuyến khích các hộ có thể lắp đặt, ứng dụng các công nghệ chi phí đầu tư thấp, có hiệu quả để xử lý chất thải.

Trước thực trạng ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi gây ra tại xã Thạch Thán, cùng với việc thực hiện các giải pháp kể trên, người dân ở đây mong muốn các cơ quan chức năng huyện Quốc Oai và xã Thạch Thán tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm những hộ cố tình xả thải gây ô nhiễm môi trường; buộc họ phải áp dụng các công nghệ xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các trại chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.