Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải quyết triệt để các vấn đề dân sinh

Nhóm PV Ban Bạn đọc| 31/01/2017 07:54

(HNM) - Tết Nguyên đán Đinh Dậu đến vào dịp TP Hà Nội vừa có một năm 2016 thành công trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể là bằng sự nỗ lực vượt khó của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, TP Hà Nội tiếp tục có sự phát triển vượt bậc về kinh tế, văn hóa, xã hội; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; an sinh xã hội.



Ông Bùi Trường Ân (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông): Mong giao thông bớt “nóng”

Từ nhiều năm nay, tình trạng ùn tắc giao thông (UTGT) tại Thủ đô luôn là đề tài nóng được đề cập thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, gây bức xúc cho người dân và cán bộ quản lý. Nhiều giải pháp đã được đặt ra nhưng chưa đem lại kết quả khả thi. Đằng sau sự khó chịu, mệt mỏi của dòng người chen chân đứng một chỗ trong khói bụi, tiếng ồn là cả hàng nghìn tỷ đồng thiệt hại về kinh tế, mất an toàn trật tự xã hội… Cuối năm 2016, đã có nhiều giải pháp quyết liệt nhằm cải thiện tình trạng giao thông thành phố: Khai trương tuyến buýt nhanh BRT, phân lại luồng tuyến vận tải tránh đường đi xuyên tâm, hoàn thành các cầu vượt tại các nút giao thông, trưng cầu ý tưởng chống UTGT… Mong rằng sang năm mới Đinh Dậu 2017 thành phố tập trung mạnh vào các nhóm giải pháp giảm UTGT đã nêu.

Bà Nguyễn Thị Phương (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy): Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

Hà Nội có hơn 200 chung cư cao tầng vi phạm phòng cháy chữa cháy (PCCC). Ai cũng biết và có thể từng chứng kiến, chỉ một sự cố cháy nổ nhỏ ở tòa nhà chung cư thì tình trạng hỗn loạn đến mức nào, chưa nói đến hậu quả thiệt hại tài sản và con người có thể xảy ra. Ngoài trách nhiệm của chủ đầu tư (CĐT) chưa thực hiện đúng quy định PCCC thì còn trách nhiệm của cơ quan, đơn vị đã được phân công rõ tại Luật PCCC. Cụ thể: CĐT muốn xây dựng phải có thiết kế hệ thống PCCC được phê duyệt, trước khi đưa vào sử dụng phải có biên bản xác nhận nghiệm thu PCCC của cơ quan chức năng… nhưng vẫn để "lọt" chung cư chưa bảo đảm an toàn PCCC. Trong khi đó, nhiều chung cư cũ, tái định cư thiếu hẳn hạng mục PCCC hoặc có thì đã hỏng hóc không thể hoạt động khi cần thiết. Mong rằng, thành phố sớm bố trí ngân sách để trang bị, sửa chữa, thay thế các hạng mục PCCC tại nhà chung cư tái định cư, bảo đảm luôn vận hành tốt; đồng thời tổ chức tuyên truyền, tập huấn, thiết lập các lực lượng PCCC tại chỗ, kịp thời “tác chiến” khi xảy sự cố theo phương châm phòng cháy hơn chữa cháy.

Chị Nguyễn Hương Liên (Khu đô thị Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm): Người tiêu dùng cần được ăn sạch, uống sạch

Sống ở thành phố, nhưng nhiều gia đình đã tìm mọi cách để mua thực phẩm ở quê mang ra với mong muốn có sự yên tâm về nguồn gốc nông sản, thực phẩm. Hà Nội là nơi có nhu cầu tiêu thụ thực phẩm cao nhưng nguồn cung mới đáp ứng khoảng 60% lượng thực phẩm, rau quả tươi chỉ ở mức khiêm tốn 18%. Vì vậy lượng thực phẩm, hoa quả nhập khẩu khá lớn, trong đó phải kể đến số lượng nguồn hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trà trộn là không thống kê được. Rau sạch cũng mới dừng lại ở tên gọi, nhãn mác chứ chưa có dấu hiệu đặc trưng để người tiêu dùng dễ dàng phân biệt, chọn lựa. Quản lý giết mổ gia súc, gia cầm vẫn còn hạn chế; hơn 1.000 điểm giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư không chỉ gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn mất vệ sinh môi trường. Người dân mong rằng, sang năm mới, việc bảo đảm an toàn thực phẩm sẽ được thành phố quan tâm hơn nữa thông qua việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ...

Anh Tạ Đức Tuấn (phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng): Đẩy nhanh công tác cấp sổ đỏ

Đặt mục tiêu đến hết tháng 6-2017, Hà Nội sẽ cơ bản hoàn thành công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, Thành ủy Hà Nội yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác cấp sổ đỏ. Bên cạnh việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng mô hình tổ chức “Cấp sổ đỏ một cấp” thì việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, khẩn trương thực hiện đưa một số công đoạn điều chỉnh, bổ sung thủ tục lên mạng, tiến tới thực hiện cấp sổ đỏ qua mạng…, giúp người dân sớm xác lập quyền sở hữu tài sản. Tuy nhiên, cùng với việc chậm trễ cấp sổ đỏ tại các tòa nhà chung cư mới thì việc cấp sổ đỏ cho người mua nhà thuộc sở hữu nhà nước cũng đang bị “tắc”. Mong rằng các cấp chính quyền thành phố chỉ đạo sớm giải quyết các trường hợp tồn đọng hồ sơ cấp sổ đỏ kịp thời hạn như Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo.

Anh Bùi Đức Vượng (xã Tam Đồng, huyện Mê Linh): Giảm ô nhiễm vệ sinh, tăng nước sạch

Hằng ngày, khu vực ngoại thành thải ra lượng lớn rác thải sinh hoạt kèm chất thải chăn nuôi nhưng thiếu quy trình thu gom đạt chuẩn nên phần lớn là xả trực tiếp ra sông hồ, đồng ruộng gây ô nhiễm nghiêm trọng. Trong khi đó, người dân nhiều huyện vẫn chưa có nước sạch để sử dụng, phải dùng nước giếng khoan, nước sông hồ dẫn tới không bảo đảm vệ sinh, an toàn. Thống kê đến nay cho thấy, Hà Nội hiện mới có 4 đơn vị kinh doanh nước sạch cấp nước đến gần 50% dân số Thủ đô, chủ yếu là ở 10 quận và trung tâm một số huyện, thị xã. Vì vậy, trước thông tin thành phố đẩy mạnh kêu gọi xã hội hóa, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư để "hút" các doanh nghiệp tham gia đầu tư lĩnh vực nước sạch là một tín hiệu vui với người dân ngoại thành. Tôi mong các dự án này sẽ sớm triển khai, đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân ngoại thành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết triệt để các vấn đề dân sinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.