Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mỗi nơi một kiểu

Bảo Nga| 11/07/2017 06:50

(HNM) - Sau thời gian triển khai kế hoạch lập lại trật tự công cộng khu vực lòng đường, vỉa hè, hầu hết các tuyến đường, phố thuộc khu vực nội đô trên địa bàn Hà Nội đã được chính quyền địa phương kẻ vạch, phân định khu vực để xe và phần đường dành cho người đi bộ.


Hai hàng xe trên cùng vỉa hè trước cổng Cung Thiếu nhi Hà Nội (quận Hoàn Kiếm).


Theo Khoản 5, Điều 1, Quyết định số 17/2015/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng hệ thống đường đô thị trên địa bàn thành phố ban hành kèm theo Quyết định số 15/2013/QĐ-UBND ngày 9-5-2013 của UBND TP Hà Nội, việc sử dụng hè phố, lòng đường làm nơi để xe phải tuân thủ các quy định: “Điểm để xe phải cách nút giao thông tối thiểu 20m tính từ mép đường giao nhau, vị trí để xe phải được sơn kẻ vạch rõ ràng; tại những khu vực để xe không được cắm cọc, chăng dây, rào chắn…; phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ có bề rộng tối thiểu đạt 1,5m; xe đạp, xe máy phải xếp thành hàng (chỉ sắp xếp một hàng), quay đầu xe vào trong, cách tường phía giáp nhà dân hoặc công trình trên vỉa hè 0,2m; trường hợp đặc thù thực hiện theo phương án khác thì phải được liên ngành Sở Giao thông - Vận tải, Công an TP Hà Nội chấp thuận…”.

Điểm đỗ xe trên phố Trung Kính (quận Cầu Giấy).


Quy định rõ ràng là thế, song thực tế áp dụng tại các địa phương lại mỗi nơi mỗi kiểu. Đơn cử, tại các tuyến phố như Trung Kính, Cầu Giấy, Nguyễn Phong Sắc, Lê Văn Lương, Giảng Võ, Xã Đàn, Nguyễn Lương Bằng, Hàng Bông… vỉa hè được kẻ vạch, bố trí điểm để xe máy, xe đạp áp sát nhà dân theo hướng đầu xe quay vào trong theo đúng quy định. Trong khi đó, tại các tuyến phố như Hàng Trống, Bà Triệu, Lý Thái Tổ… vị trí để phương tiện lại được đẩy ra sát mép hè. Cũng tại các tuyến phố này, nơi thì quy định đầu xe hướng ra ngoài, chỗ lại hướng vào trong. Thậm chí, ngay trên cùng tuyến phố Hàng Trống, trong khi dãy bên số chẵn xe được xếp thẳng hàng sát mép hè theo hướng quay đầu ra ngoài, nhưng phía dãy số lẻ, đầu xe lại hướng vào trong. Sáng tạo hơn, toàn bộ vỉa hè trước cửa Cung Thiếu nhi Hà Nội (36 Lý Thái Tổ) còn được tận dụng để bố trí đến hai hàng xe, mỗi hàng quay theo một hướng.

Không chỉ thiếu nhất quán trong việc kẻ vạch phân định phần đường dành cho người đi bộ và điểm để xe trên vỉa hè, ngay cả những tuyến đường có vỉa hè hẹp vẫn được các phường biến thành nơi để xe, khiến người đi bộ bị đẩy xuống lòng đường. Thậm chí, những tuyến hè phố được đặt biển “Tuyến phố văn minh thương mại - trật tự đô thị” như Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang, Phố Huế… dù biển cấm được đặt dọc vỉa hè nhưng tình trạng xe máy, xe đạp để tràn lan vẫn thường xuyên diễn ra.

Theo ông Nguyễn Quang Thắng, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy), cái khó nhất của chính quyền địa phương hiện nay là quy định về sử dụng các tuyến đường có vỉa hè nhỏ, hẹp vẫn chưa cụ thể, rõ ràng, gây khó khăn cho công tác quản lý. Đây cũng là một trong những nguyên nhân xảy ra không ít chuyện “dở khóc, dở cười” xung quanh câu chuyện sử dụng vỉa hè. Đơn cử trong số đó là việc kẻ vạch phân định nơi để xe nhưng chỉ dành ra… 30 - 40cm làm “lối đi” cho người đi bộ tại phố Đội Cấn từng gây ồn ào dư luận thời gian qua.

Để chấm dứt tình trạng lộn xộn trong sử dụng, quản lý vỉa hè trên địa bàn thành phố, đề nghị cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu, đề ra những quy định rõ ràng, cụ thể hơn; chính quyền cấp cơ sở cần nghiêm túc thực hiện quy định chung nhằm tạo sự thuận tiện, an toàn cho người dân, góp phần giữ gìn trật tự, văn minh đô thị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỗi nơi một kiểu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.