Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đình Thần Quy bao giờ hết hoang tàn?

Đỗ Hà| 22/08/2017 07:07

(HNM) - Mỗi khi trời mưa, nhà đại bái đình Thần Quy - Di tích lịch sử cấp quốc gia lênh láng nước như ngoài sân do hai góc mái ngói, hoành, rui bị sập từ năm 2013-2014...


Mái ngói gian đại bái, đình Thần Quy bị sập từ nhiều năm nay.


Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật đình Thần Quy được xếp hạng cấp quốc gia tại Quyết định 141/QĐ-VH ngày 23-1-1997. Theo phân cấp của UBND TP Hà Nội, đình Thần Quy hiện do UBND huyện Phú Xuyên quản lý. Quan sát của phóng viên Báo Hànộimới cho thấy, hiện nay quanh khu đình Thần Quy là cảnh tượng hoang tàn, sân đình rêu phong, cỏ mọc. Đình Thần Quy gồm nghi môn, sân đình, đình chính (gồm đại bái và hậu cung) và nhà khách, tuy nhiên đình chính là khu vực xuống cấp nặng nhất. Phần mái đình chính bị sập, ngói, hoành, rui... rơi lả tả, tạo thành những mảng trống rộng từ 0,6m2 đến 2m2. Phần khung đình (cột, xà, vì, kèo, tường,...) cũng bị mối mọt đục rỗng, nhả mộng, nứt nẻ, ẩm mốc từ nhiều năm nay. Để “cứu” đình, đặc biệt là bảo quản đồ thờ cúng quý giá tại đây, năm 2012, UBND xã Minh Tân đã hỗ trợ gần 10 triệu đồng cho thôn Thần Quy làm tạm mái tôn gian giữa nhà đại bái và mua cột tre cài, chống ở một số điểm có nguy cơ sập. Song, tình trạng xuống cấp vẫn không được cứu vãn.

Ông Vũ Văn Vương, người giữ chìa khóa đình Thần Quy cho biết: “Là ngôi đình cổ có từ hàng trăm năm nên người dân xót xa khi hằng ngày chứng kiến ngôi đình xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều đêm mưa bão, tôi nằm ngủ ở nhà nhưng cũng không yên vì lo đình sập. Người dân thôn Thần Quy đã nhiều lần đề nghị chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng sớm triển khai các biện pháp chống xuống cấp đối với ngôi đình cổ này, nhưng đợi mãi chẳng thấy đâu. Nếu việc tu bổ, tôn tạo đình không được triển khai thì không biết đến bao giờ đình Thần Quy mới hết cảnh hoang tàn”.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Trần Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Tân cho biết: Đình Thần Quy bắt đầu xuống cấp từ năm 2008. Thời điểm đó, toàn bộ hoành, xà, rui, mè và hệ thống cửa bức bàn bị mối mọt, mục nát, gây võng mái, thấm dột nhiều chỗ. Năm 2009, UBND xã Minh Tân và huyện Phú Xuyên đã có tờ trình đề nghị UBND TP Hà Nội cho phép lập dự án tu bổ, tôn tạo đình. Sau khi được UBND thành phố chấp thuận, dự án tu bổ, tôn tạo đã được lập với tổng mức đầu tư khoảng 17 tỷ đồng, tuy nhiên dự án không được triển khai vì địa phương không có vốn đối ứng. Cuối năm 2016, đình Thần Quy được UBND huyện Phú Xuyên phân bổ 400 triệu đồng từ nguồn ngân sách thành phố hỗ trợ để thực hiện chống xuống cấp. Song, đến nay chưa thể triển khai.

Được biết, thực hiện chỉ đạo của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về việc khẩn trương thực hiện việc tu sửa cấp thiết, chống đổ, chống sập cho di tích lịch sử đình Thần Quy từ nguồn kinh phí UBND thành phố hỗ trợ năm 2016, UBND xã Minh Tân đã hoàn thiện hồ sơ phương án tu sửa, gửi Sở Văn hóa và Thể thao thẩm định, trình UBND thành phố. Ông Nguyễn Tùng Lâm, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phú Xuyên cho biết, sau khi được UBND thành phố chấp thuận phương án, UBND xã Minh Tân sẽ triển khai ngay nhằm giữ gìn di tích lịch sử cấp quốc gia và văn hóa tín ngưỡng của nhân dân.

Mong rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt và vào cuộc như hiện nay, đình Thần Quy sớm được "giải cứu".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đình Thần Quy bao giờ hết hoang tàn?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.