Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiểu thế nào cho đúng?

Y Linh| 31/05/2012 07:10

(HNM) - Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2009, cả nước có 90 sân golf (nằm trên địa bàn 34/63 tỉnh, thành phố). Trong số đó đã có 29 dự án đi vào hoạt động. Tuy nhiên, hiệu quả của các dự án sân golf đã hoạt động đang là dấu hỏi lớn cho các nhà quản lý.


Tại một hội thảo mới đây về sân golf, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cho biết, so với thời điểm trước khi có quy hoạch, đã có 76 dự án sân golf không được triển khai tiếp, với hơn 15.600ha đất các loại được thu hồi. Hầu hết các sân golf trong quy hoạch đều gắn với vùng, địa phương có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ. Cụ thể, vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung có 29 dự án, Đông Nam bộ có 21 dự án, Đồng bằng sông Hồng 17 dự án, trong khi Trung du, miền núi phía Bắc 11 dự án… Trong số 90 dự án sân golf, có 29 dự án đã hoạt động, 22 dự án đang xây dựng, 13 dự án đã được cấp phép đầu tư, còn lại đang ở giai đoạn chấp thuận chủ trương đầu tư. Đáng lưu ý, có 4 dự án được đề nghị đưa ra khỏi quy hoạch.


Một góc sân golf Tam Đảo.Ảnh: Yến Ngọc

Đánh giá hiệu quả các dự án sau quy hoạch, Bộ KH-ĐT cho rằng, diện tích đất lúa đã giảm từ 28% xuống còn 2% và hoàn toàn không có đất 2 vụ lúa. Đất lâm nghiệp có rừng chủ yếu được sử dụng cho mục đích du lịch sinh thái tại nhiều dự án sân golf chiếm tới 97%. Hơn 7.200ha đất trống, đồi núi trọc, đất ven biển, đầm lầy không có giá trị canh tác được đưa vào sử dụng, chiếm 41% diện tích các sân golf. Đến nay, trong 29 dự án đang hoạt động, số vốn giải ngân đã đạt 224,1 triệu USD; góp phần giải quyết việc làm cho gần 10.000 lao động, phần lớn là người địa phương (chiếm 80%). Mức nộp ngân sách (theo thống kê chưa đầy đủ) khoảng 505 tỷ đồng/năm (số liệu năm 2010); chưa kể các đóng góp khác cho hoạt động xã hội, hỗ trợ hộ nghèo, hỗ trợ địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng…

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nếu xét về mức nộp ngân sách thì hiệu quả dự án sân golf là dấu hỏi lớn. Bởi có một thực tế là các dự án sân golf (nói đúng hơn là có mục tiêu sân golf) lại có nguồn lợi nhuận chính từ kinh doanh bất động sản (BĐS) như bán, cho thuê biệt thự xây dựng trong khu vực dự án, kèm với sân golf. Thậm chí, người trong cuộc cũng thừa nhận, nếu chỉ kinh doanh dựa trên việc thu phí chơi golf của khách hàng (khoảng 100 USD/ngày/lượt) thì hiệu quả dự án không cao là đương nhiên và chủ đầu tư cũng không biết đến bao giờ mới thu hồi được vốn. Kết quả rà soát của Bộ KH-ĐT cho thấy, chỉ có 21 dự án là kinh doanh sân golf đơn thuần, còn lại 69 dự án đều kèm BĐS, khu du lịch mà sân golf chỉ là một thành phần trong đó. Điều này lý giải vì sao các dự án sân golf không tạo được sự đồng thuận trong dư luận.

Lo ngại tình trạng "bán kèm" BĐS, nhiều người đã đặt câu hỏi, liệu dự án sân golf có mang lại lợi ích chung cho xã hội, góp phần phát triển kinh tế địa phương như nhà đầu tư công bố khi lập dự án hay không? Hay chỉ mang lại lợi ích cho chủ đầu tư và một nhóm nhỏ những người có điều kiện kinh tế khá giả? Song ở phía ngược lại, cũng có người nói, không nên so sánh một hécta đất lúa, với thu nhập bình quân khoảng 50 triệu đồng/ ha/năm với đất sân golf vì đất xây sân golf chủ yếu là đất đồi, đất cát ven biển không thể canh tác. Ngoài ra, con số thống kê cho thấy 90 dự án sân golf có số vốn đăng ký lên tới 24,5 tỷ USD, trong đó vốn nước ngoài là 20,5 tỷ USD, được coi là nguồn ngoại tệ đáng kể cho đất nước. Theo ông Nguyễn Ngọc Chu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Golf Việt Nam, sự kết hợp giữa BĐS và sân golf mang lại hiệu quả kinh tế cấp số nhân thay vì cấp số cộng nếu chúng bị tách rời nhau. Ở các nước, bình quân diện tích BĐS chiếm 50% diện tích khu vực nghỉ dưỡng hay sân golf. Ở nước ta, mỗi sân golf không quá 100ha, nên nếu cho phép dành 10-30ha cho BĐS thì hiệu quả đầu tư tăng lên nhiều lần.

Về triển vọng phát triển của môn thể thao golf, ông Chu nói, du lịch golf chính là ngành công nghiệp mà Việt Nam phải khai thác để có thể cạnh tranh với các nước phát triển nhằm giành lấy thị phần doanh thu. Song giá chơi golf ở Việt Nam cao gấp đôi Thái Lan, là rào cản tai hại đối với du khách và làm thua thiệt lớn cho du lịch golf Việt Nam. Nên việc giảm giá chơi golf là mục tiêu phải đạt được trong thời gian sớm nhất. Ngoài ra, nên có các sân golf công cộng như là một công viên thể thao xanh phục vụ cộng đồng và bắt buộc chủ sân phục vụ một phần miễn phí cho học sinh như điều kiện bắt buộc khi cấp phép đầu tư…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiểu thế nào cho đúng?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.