Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường bất động sản đang ở… đáy

N.Hạ| 05/06/2012 13:39

(HNMO)- Bất động sản ảm đạm đã quá dài, ở Hà Nội thì từ nửa năm 2011, TPHCM từ năm 2009. Nhưng giờ đã có tín hiệu sáng hơn... - Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng chia sẻ.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng tại buổi đối thoại trực tuyến


Sáng nay (5/6), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã có buổi đối thoại trực tuyến với nhân dân tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Bên cạnh những vấn đề vĩ mô như quy hoạch, phát triển đô thị ở nước ta; thất thoát lãng phí trong xây dựng; giữ gìn bản sắc văn hoá làng quê trong quá trình đô thị hoá…độc giả đã quan tâm, đặt nhiều câu hỏi liên quan đến các vấn đề “nóng” hiện nay như: thị trường bất động sản; chất lượng chung cư; hạ ngầm đường dây cáp…

Đáy thị trường BĐS không phải hình chữ U

Trả lời câu hỏi: “Thị trường bất động sản đã “thoát” hoàn toàn khỏi cái “đáy” sụt giảm của nó chưa?”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, hiện nay đang là đáy của bất động sản, nhưng đáy này theo hình Parabol hay chữ U thì phải nghiên cứu. Còn hiện nay chắc không phải hình chữ U bởi vì thời gian bất động sản ảm đạm đã quá dài, ở Hà Nội thì từ nửa năm 2011 còn TPHCM từ năm 2009. Nhưng giờ đã có tín hiệu sáng hơn, vì số lượng các giao dịch bất động sản đã tăng. Tuy nhiên, trong năm 2012 này, thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn.

Bạn Vo Van Quang [quang_bkhn@yahoo.com] hỏi: Việc giá bất động sản ở Việt Nam thuộc diện cao trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là khi so sánh với thu nhập thì giá cả bất động sản ở nước ta cao nhất-nhì thế giới. Trách nhiệm của vấn đề này thuộc về ai? Bộ trưởng có giải pháp gì trong thời gian tới? Khi nào thì giá bất động sản của Việt Nam ngang bằng với các nước trong khu vực?

Thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn


Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng giải đáp: Giá bất động sản ở Việt Nam có cao chứ không phải lúc nào cũng cao, chỗ nào cũng cao. Trước đây, ở trung tâm Hà Nội, TPHCM, giá bất động sản rất cao nhưng nay đã hạ, nhưng bất động sản ở các vùng ngoại ô, vùng nông thôn thì còn rất rẻ.

Giá bất động sản phụ thuộc vào cung cầu và sự khan hiếm. Khu vực phố cổ khác với ngoại ô. Giá bất động sản bao gồm cả giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, ví dụ khu phố cổ…

Làm thế nào để giá nhà ở Việt Nam ngang bằng thế giới thì phải có bài toán, tính thế nào là ngang bằng với các nước khác. Các nước khác nhau thì giá khác nhau, như giá nhà ở Singapore khác với ở Hongkong và phụ thuộc vào sự khan hiếm… Ở Việt Nam, nhà ở khu phố cổ Hà Nội thì khan hiếm hơn so với các địa phương khác. Để giảm giá nhà thì cần tạo ra nhiều nguồn cung, từng bước hạ giá nhà phù hợp với khả năng thanh toán của người dân.

Đánh giá về những khó khăn của các chủ đầu tư BĐS tại Việt Nam trong vòng 2 năm qua, Bộ trưởng đã chia sẻ với các doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, cũng theo ông, cần phân loại cụ thể các doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ rất khó khăn nếu chủ yếu dựa vào vốn vay tín dụng ngân hàng, vay nhiều mà không bán được, chịu lãi suất cao, thì từ lãi thành lỗ, nợ xấu tăng lên. Không ít doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc phá sản.

Loại thứ hai là các doanh nghiệp sử dụng ít tiền vay, sử dụng nguồn vốn của người dân mua nhà, hiện cũng khó khăn. Còn những doanh nghiệp có nguồn vốn lớn thì không phải bàn.

Đề nghị phản ánh chi tiết chung cư có vấn đề

Chị Bùi Thị Lan Anh – Một công chức thuộc Bộ Văn hóa –Thể thao và Du lịch phản ánh “Dân gian có câu “Tiền nào của nấy”. Nhưng câu nói này không hề đúng khi đi mua nhà chung cư. Giá mua thì quá đắt nhưng chất lượng lại tồi. Căn hộ sử dụng vài năm đã lún, nứt. Người dân thì thiệt đơn thiệt kép, còn cơ quan quản lý thì không thấy có ai phải chịu trách nhiệm…”.

Chất lượng công trình thấp làm suy giảm lòng tin của người dân


Bộ trưởng cho rằng: Hiện nay có hiện tượng tình trạng chất lượng ở một số công trình còn thấp, do đó ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư xây dựng, làm suy giảm lòng tin của người dân đối với công tác quản lý xây dựng của chúng ta.

Ông phân tích: “Đối với các công trình nhà ở chung cư, có thể khẳng định rằng, phần lớn các chung cư là các chung cư thương mại, phát triển theo nguyên tắc thị trường, có chất lượng tốt , cả về độ bền chịu lực (chống động đất, gió bão...) lẫn chất lượng hoàn thiện. Tuy nhiên, giá còn cao, người dân khó tiếp cận. Các chung cư thương mại ở phân khúc trung bình cũng có chất lượng tốt. Chẳng hạn như khu chung cư Mỹ Đình, Trung Hòa - Nhân Chính... Các hiện tượng suy giảm chất lượng chung cư nếu có, thường xảy ra đối với đối tượng nhà tái định cư, các hư hỏng thương là nứt, thấm, dột....

Chất lượng công trình phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khảo sát, thiết kế, thi công, kiểm tra, giám sát; trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò kiểm soát của chủ đầu tư. Ý kiến của độc giả nói ở đây đề cập đến trách nhiệm của các chủ thể, trước hết là chủ đầu tư, họ phải kiểm tra, giám sát thường xuyên chất lượng công trình. Tiếp theo là trách nhiệm trực tiếp của các nhà thầu, bao gồm nhà thầu khảo sát, thiết kế, thi công...

“Tôi đề nghị độc giả phản ánh chi tiết và cụ thể những công trình chung cư nào có vấn đề về chất lượng, chúng tôi sẽ yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng của địa phương như Sở Xây dựng đến kiểm tra. Nếu Sở Xây dựng kiểm tra mà thấy có hiện tượng bất cập về chất lượng thì phải tìm ra nguyên nhân và quy trách nhiệm, hướng dẫn khắc phục.

Chúng ta kiên quyết không để tình trạng này tiếp diễn. Nếu cần thiết, ngoài các Sở Xây dựng, Bộ Xây dựng sẽ yêu cầu Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình và thanh tra xây dựng vào cuộc để giải quyết triệt để vấn đề này. Nếu chúng ta quyết liệt từ khâu quy hoạch, khảo sát, thiết kế thi công, quản lý tốt, nghiệm thu bảo trì công trình tốt thì chắc chắn chất lượng công trình sẽ ngày càng được nâng lên, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân” – Bộ trưởng đề nghị.

Hạ ngầm không phải chỉ là vấn đề kinh phí

Trả lời câu hỏi của độc giả về “tình trạng mạng nhện trên các tuyến đường trong các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đang diễn ra phổ biến, gây mất mỹ quan đô thị và đôi khi gây nguy hiểm cho người dân, đặc biệt trong mùa mưa bão”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng thông tin: Tại Hà Nội, TP.HCM, thời gian qua, chính quyền hai thành phố đã tập trung làm được nhiều việc, như sắp xếp lại đường dây trên các cột điện, thí điểm hạ ngầm đường dây, cáp... nên nhiều tuyến phố lớn đã không còn tình trạng đó.

Nhiều tuyến phố lớn ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh đã không còn
 "mạng nhện"


Để khắc phục, Bộ Xây dựng đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị, soạn thảo Nghị định trình Chính phủ về quản lý và sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trong đó yêu cầu cơ quan quy hoạch xác định tuyến hào, tuyến ngầm, trong đó đặt xác định các vị trí để lắp đặt đường dây, đường ống...

“Còn khi nào có thể chấm dứt tình trạng trên?” là câu hỏi khó có lời giải đáp, bởi “Hạ ngầm không phải chỉ là vấn đề kinh phí. Vấn đề làm thế nào để vừa hạ ngầm, vừa đảm bảo sinh hoạt bình thường của người dân, cho nên cần có lộ trình, thời gian để thực hiện. Việc này thuộc trách nhiệm của các địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn” – Bộ trưởng đưa ra câu trả lời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường bất động sản đang ở… đáy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.