Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải cứu thị trường BĐS: Làm phần “gốc” hay phần “ngọn”?

Võ Lâm| 25/01/2013 07:25

(HNM) - Nhiều ý kiến cho rằng, để đưa ra các giải pháp giải cứu thị trường BĐS, cần xác định rõ tập trung làm phần


Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhận xét: Thực tế "cung" đã vượt quá xa so với "cầu". Theo báo cáo của 50 tỉnh, thành phố được Bộ Xây dựng tổng hợp, hiện có 42.230 căn nhà tồn kho (gồm 26.444 căn hộ và 15.786 căn nhà thấp tầng). Ngoài ra còn lượng lớn văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại, đất nền nhà ở, đất thương mại chưa tiêu thụ được. Tổng lượng vốn tồn kho tại các dự án phát triển nhà ở ước tính gần 112.000 tỷ đồng. Bộ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định, đây mới chỉ là thống kê sơ bộ, chưa phản ánh hết thực tế khó khăn của thị trường BĐS. 

Ảnh minh họa


Để giải cứu thị trường BĐS, Bộ Xây dựng đưa ra 8 giải pháp. Nổi lên là giải pháp cơ cấu lại thị trường, cân đối cung cầu, giải quyết nợ xấu, chính sách tài khóa và thuế. Trong đó, các công trình nhà ở đang thi công dở dang hoặc đã hoàn thành nhưng không bán được do diện tích căn hộ quá lớn tùy theo khu vực sẽ cho phép chia nhỏ để bán. Nhà ở tồn kho cũng có thể chuyển sang công trình dịch vụ như bệnh viện, trường học, khách sạn, dịch vụ thương mại. Cho phép chuyển dự án nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội. Các dự án nhà ở thấp tầng cũng có thể được phép chuyển nhượng đất có hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở thay vì chủ đầu tư phải xây nhà xong mới được bán. Bộ Xây dựng cũng sẽ kiến nghị một gói tài chính cho vay vốn, hỗ trợ DN xây dựng nhà ở xã hội và người dân mua mặt hàng này. Để kích thích phát triển nhà ở giá thấp, nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng dự định kiến nghị cho phép miễn giảm một số loại thuế như áp thuế suất ưu đãi thuế thu nhập DN ở mức cao nhất là 10% đối với thu nhập từ hoạt động đầu tư kinh doanh nhà ở xã hội hay giảm 50% thuế suất thuế giá trị gia tăng đầu ra đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở xã hội…

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, với các biện pháp này sau khoảng 2 năm thị trường BĐS sẽ có biến chuyển, trước hết là khu vực nhà ở xã hội. Dự kiến đến năm 2014, tại thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ có thêm 34.000 căn hộ dành cho người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, các đại biểu yêu cầu làm rõ là trong gói giải cứu thị trường BĐS, Nhà nước sẽ cứu ai hay cứu tất cả? Ủy viên Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Viết Ngoạn cho rằng, Nhà nước chỉ hỗ trợ thị trường, để thị trường BĐS tự điều chỉnh, tự giải cứu. Cần phải huy động sự chủ động của DN, không nên tạo tâm lý chờ đợi. Ý kiến khác phản ánh, một số nơi có dấu hiệu giữ giá để chờ Nhà nước giải cứu…

Phải giải quyết "tận gốc"

Chưa thật đồng tình với các giải pháp của Bộ Xây dựng, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của QH Cao Sỹ Kiêm nhận định, giải quyết hàng tồn kho mới chỉ là phần "ngọn" của vấn đề. Ông ví von: "Máu đông tan rồi, nhưng thành mạch còn sơ vữa, mỡ máu còn cao thì nguy cơ tái phát vẫn còn. Nên phải tập trung khắc phục những bất cập gốc rễ gây ra tình trạng thị trường BĐS hiện nay. Phải làm rõ hướng ra cho thị trường trong tương lai". Ủy viên Ủy ban Pháp luật của QH Ngô Văn Minh khẳng định, phải ngăn chặn được tình trạng tham nhũng, lãng phí liên quan đến thị trường BĐS. Trước hết, phải công khai minh bạch giá thành xây dựng nhà ở mới có thể giúp thị trường BĐS trở nên lành mạnh.

Để thị trường BĐS lâm vào tình trạng hiện nay, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng thừa nhận: "Một thời gian dài chúng ta đã phát triển đô thị một cách thiếu kiểm soát, không theo quy hoạch, dẫn đến quá nhiều dự án đô thị, nhà ở. Trong khi đó, chúng ta cũng thiếu chế tài kiểm soát người quyết định cho đầu tư. Cung - cầu vì thế mà dần dần lệch pha". Bộ Xây dựng có trách nhiệm trước tiên cùng với các bộ, ngành liên quan trong vấn đề này, nhưng trách nhiệm các địa phương cũng rất lớn. Cụ thể trong số hơn 3.000 dự án đô thị, nhà ở, chỉ có 34 dự án do Chính phủ quyết định, còn lại phân cấp cho địa phương.

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ ra, chủ trương xây dựng nhà ở xã hội đã có từ 5 năm qua, nay mới ra nghị định là quá muộn. Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh BĐS ra đời từ khá sớm, nhưng cũng phải hơn 3 năm mới ra được nghị định hướng dẫn. "Nếu ban hành sớm các văn bản này chưa chắc chúng ta đã mắc phải khó khăn như bây giờ. Đây là bài học về thể chế hóa các văn bản pháp luật" - Phó Chủ tịch QH nhận định, đồng thời yêu cầu Bộ Xây dựng phải cải thiện công tác tham mưu cho Chính phủ việc này trong thời gian tới. Phó Chủ tịch QH yêu cầu các ủy ban của QH theo dõi sát diễn biến thị trường và giám sát việc thực hiện các lời hứa của các bộ, ngành trong quá trình giải cứu thị trường BĐS.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình: "Để tháo gỡ cho thị trường BĐS, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương khuyến khích ngân hàng thương mại cho vay vốn những dự án đang dang dở. Tuy nhiên, việc đánh giá cụ thể về vốn đầu tư, dự án khả thi hay không thì phụ thuộc vào từng chính sách của ngân hàng thương mại. Lãi suất cho vay, thời hạn cho vay cũng phụ thuộc vào các ngân hàng thương mại."

Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa Lê Nam: "Nhà nước không đủ sức giải cứu lượng hàng tồn kho căn hộ cao cấp. Chúng ta nên để thị trường tự điều chỉnh, nếu không sẽ kéo dài sự nhức nhối của thị trường BĐS hiện nay".

Ủy viên Ủy ban Pháp luật Ngô Văn Minh: "Tung tiền ra giải cứu thị trường BĐS cần phải rất thận trọng. Không làm được hiệu quả, nợ xấu sẽ chồng lên nợ xấu".
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải cứu thị trường BĐS: Làm phần “gốc” hay phần “ngọn”?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.