Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý, phát triển nhà tái định cư: Cần quy định thống nhất

Khánh Khoa| 21/02/2013 06:32

(HNM) - Theo báo cáo từ các địa phương, từ nay đến năm 2015, cả nước cần khoảng 17,9 triệu mét vuông sàn nhà để bố trí làm nhà tái định cư (TĐC) cho các hộ gia đình, phục vụ giải phóng mặt bằng, thu hồi đất.


Mặc dù nhu cầu nhà TĐC tại các địa phương rất lớn song theo Bộ Xây dựng vẫn chưa có văn bản pháp quy thống nhất quản lý, phát triển loại hình nhà ở này. Hầu như các quy định liên quan nằm phân tán trong nhiều văn bản pháp quy khác nhau về đất đai, xây dựng. Đặc biệt, các quy định về quy hoạch, bố trí quỹ đất, kế hoạch huy động vốn, quản lý vận hành nhà TĐC... (là những khâu hết sức quan trọng để hình thành quỹ nhà) lại chưa có dẫn đến tình trạng địa phương lúng túng khi triển khai. Điều này dẫn đến việc không bố trí đủ quỹ đất cho nhà ở TĐC hoặc có bố trí nhưng không đáp ứng được nhu cầu TĐC, nhất là ở khu vực nông thôn, ngoài nhà ở còn có nhu cầu về đất sản xuất gắn với TĐC.

Nhà tái định cư cần đa dạng hơn về diện tích nhằm phù hợp với nhiều đối tượng sử dụng. Ảnh: Bá Hoạt


Do không có kế hoạch đầu tư trong từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội nên còn tình trạng nơi thừa nhà TĐC, nơi lại thiếu khiến một số dự án đình trệ. Trong khi, nhắc đến nhà TĐC là người ta hình dung đến những khu nhà chất lượng không bảo đảm, xuống cấp nhanh; thiếu sự quản lý, vận hành, mạnh ai nấy sửa, tự ý cơi nới, cải tạo, sử dụng... Khi xảy ra vi phạm, tranh chấp, nhất là về sử dụng phần diện tích chung, về phí dịch vụ giữa cư dân với chủ đầu tư, cách giải quyết cũng lúng túng, thiếu dứt điểm, gây bức xúc cho nhân dân.

Tại Hà Nội, nhu cầu nhà TĐC của thành phố là 25.000 căn hộ, tương ứng 2 triệu mét vuông sàn. Khả năng giai đoạn 2012-2015, thành phố hoàn thành 53 dự án, quy mô 14.000 căn hộ (riêng năm 2013 cần 6.600 căn hộ, trong khi quỹ nhà TĐC chỉ có 3.500 căn kể cả 1.800 căn hoàn thành năm 2012). Như vậy, thành phố thiếu khoảng 11.000 căn hộ TĐC, nếu xem xét đầu tư thêm đòi hỏi phải bố trí nguồn vốn khá lớn. Để giải quyết tình trạng thiếu nhà TĐC, thành phố đề xuất ứng trước kinh phí giải phóng mặt bằng các dự án để mua nhà thương mại làm nhà TĐC. Cụ thể, bổ sung khoảng 3.500 căn hộ chung cư và 2.000 căn hộ thấp tầng, diện tích 60-90m2 cho giai đoạn 2013-2015.

Bộ Xây dựng cho biết, để khắc phục những tồn tại trong đầu tư xây dựng và quản lý sử dụng nhà TĐC, trước hết phải có quy định thống nhất về phát triển và quản lý từ khâu lập quy hoạch xây dựng, bố trí quỹ đất, lập kế hoạch đầu tư xây dựng, đến tiêu chuẩn thiết kế, đầu tư xây dựng, quản lý vận hành, khai thác. Trong đó, có những điểm hết sức chú ý là nguyên tắc nhà nước chủ động chuẩn bị quỹ đất, quỹ nhà TĐC. Khu vực đô thị hạn chế xây dựng dự án TĐC riêng lẻ mà giải quyết theo hướng tập trung phát triển dự án nhà ở xã hội, mua căn hộ trong các dự án phát triển nhà ở thương mại và khu đô thị mới để bố trí TĐC. Về chất lượng công trình TĐC, sẽ có quy định cụ thể trách nhiệm tổ chức, cá nhân, cơ quan quản lý nhà nước, kể cả với nhà ở tự xây dựng trong khu TĐC. Để tập trung nguồn lực, triển khai nhanh quỹ nhà TĐC phục vụ những dự án trọng điểm quốc gia, Bộ Xây dựng đề xuất sẽ trực tiếp chỉ đạo lập kế hoạch đầu tư, triển khai đầu tư xây dựng hoặc mua nhà ở thương mại để bố trí TĐC. Liên quan đến diện tích tối thiểu căn hộ TĐC, Bộ Xây dựng cho rằng 30m2/căn là phù hợp với quy chuẩn thiết kế nhà ở xã hội tại Luật Nhà ở, đồng thời, đối tượng thụ hưởng nhà TĐC thuộc nhiều thành phần khác nhau trong xã hội mà phần lớn là người nghèo, có thu nhập thấp nên cần có nhiều dạng diện tích phù hợp thực tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quản lý, phát triển nhà tái định cư: Cần quy định thống nhất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.